Dòng sự kiện:
Lạm bàn chuyện khởi nghiệp và cơ hội
18/02/2017 12:36:30
Những năm gần đây khái niệm khởi nghiệp được nói đến như một tín hiệu tốt trong đời sống kinh doanh của Việt Nam mà chủ yếu là thúc đẩy tinh thần sáng tạo, nhất là trong giới trẻ.

Tin liên quan

Hồi đầu năm ngoái, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và giới truyền thông đi xa hơn một bước khi đề cập đến tinh thần “quốc gia khởi nghiệp” với nội dung cổ xúy tư duy sáng tạo không ngừng nghỉ của cả một dân tộc, cũng như của từng doanh nghiệp và cá nhân. Sau đó không bao lâu, người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng Chương trình quốc gia khởi nghiệp phải hiểu theo nghĩa rộng hơn chứ không phải chỉ là “startup” - một dạng khởi nghiệp.

Thế nhưng, suy cho cùng, hiểu theo nghĩa nào đi nữa thì nhân vật trung tâm của khởi nghiệp cũng là doanh nhân với tinh thần sáng tạo và dấn thân.

Doanh nhân có một ưu điểm trời cho là khả năng nắm bắt cơ hội. Có thể nhận ra điều này qua phần lớn trường hợp ăn nên làm ra hiện nay xuất phát từ hoạt động bất động sản tranh sáng tranh tối của thời kỳ đầu đổi mới, mua đi bán lại cực kỳ nhanh, đồng tiền cùng đất đai quay vòng như chong chóng. Một số đông người khác biết tận dụng cơ hội có được từ các quan hệ thân quen để làm giàu.

Đó là lớp doanh nhân phất lên trong buổi bình minh của kinh tế thị trường với nhiều khuyết tật, cho nên dù muốn chuyển từ làm ăn cơ hội sang đầu tư lâu dài cũng không phải là chuyện dễ, bởi cho dù đã trưởng thành, nhiều doanh nghiệp vẫn như đứa trẻ không đủ can đảm cắt đứt bầu sữa thì làm sao đòi hỏi một sự chuyển đổi tư duy nhận thức.

Ai cũng biết làm ăn theo kiểu cơ hội trước sau gì cũng phải dừng lại nghĩa là không lâu bền, nhưng liệu mấy người nghĩ đến việc đưa gia sản của mình ra để thỏa mãn giấc mộng kinh doanh.

May thay, thế hệ sau này, 7X, 8X với sự tiếp thu kiến thức từ nước ngoài cùng nắm bắt những quy luật hoạt động và thực tế kinh doanh trong nước, đã nhận ra sự cần thiết trong việc xây dựng sự nghiệp là phải đưa đồng vốn vào làm ăn lâu dài. Nhưng số doanh nhân trẻ này còn quá ít để trở thành một lực lượng kinh doanh và nhất là họ lại không được hỗ trợ các nguồn lực tài chính. Khổ nỗi là như bầy cá bơi trong dòng nước đục thì làm sao có thể uống nước trong, nghĩa là vẫn không thoát được tư duy cơ hội dù có khác đi đôi chút.

Những người mở đầu cho một tư duy làm ăn mới không dám chấp nhận những rủi ro trong giai đoạn khởi nghiệp, không phải ông chủ nào cũng đủ kiên nhẫn hy sinh những cái lợi ngắn hạn để đạt cái dài hạn trong ước mơ. Khoan nói đến lòng tin, khoan nói đến chính sách của Nhà nước, chúng ta đang nói về thuộc tính của doanh nhân trong làm ăn là trông chờ vào cơ hội. Chỉ có những ai thật kiên nhẫn trước những bất hợp lý trong môi trường kinh doanh mới chờ “một ngày mai trời lại sáng”. Làm thế nào để họ thay đổi tập quán suy nghĩ ấy trong khi các điều kiện pháp lý kinh doanh chưa rõ ràng.

Ai cũng biết làm ăn theo kiểu cơ hội trước sau gì cũng phải dừng lại nghĩa là không lâu bền, nhưng liệu mấy người nghĩ đến việc đưa gia sản của mình ra để thỏa mãn giấc mộng kinh doanh. Làm giàu đến khi sự nghiệp phát triển lên mức nào đó, một số câu hỏi lại được đặt ra: ta đang bằng lòng với sự giàu có thì tại sao lại phải tiếp tục xây dựng thương hiệu, tại sao lại phải xây dựng nền tảng sản xuất chắc chắn hơn nữa bằng những khoản đầu tư tốn kém cho một hệ thống quản lý hiện đại hay cho một đội ngũ những con người tinh hoa. Cứ theo quán tính làm ăn kiếm một năm vài trăm tỉ đến lúc nào đó bán lại doanh nghiệp để dưỡng già, bởi chính sách bấp bênh và lòng tin vào một hướng làm ăn lâu dài như mong muốn của họ bị đe dọa.

Trong giao thông, ai lái xe cũng đúng lề đúng lối thì đường sá rất trật tự, nhưng rất tiếc xã hội chúng ta đâu có như vậy, mạnh ai nấy chạy, thấy bóng dáng anh công an giao thông thì dừng lại trước đèn đỏ, không thấy thì chạy tiếp. Lâu lâu anh công an chặn xe thổi phạt thì có người chạy thoát, có người bị bắt giữ.

Còn trong làm ăn thì sao, cũng có doanh nhân vi phạm pháp luật bị bắt, nhưng cũng có người thoát thân nhờ vào các mối quan hệ và có khi lại được tung hô. Lòng tin từ đó bị mất đi thì tại sao phải tính chuyện làm ăn lâu dài khi hành lang pháp lý, hành xử công bằng không được bảo đảm. Hiện nay nhà đầu tư không dám bỏ tiền túi vào các dự án lớn vì môi trường kinh doanh còn nhiều rủi ro. Tư nhân không ai dám đầu tư dài hạn trong điều kiện môi trường kinh doanh không ổn định, mặc dầu ai cũng biết đầu tư dài hạn chấp nhận đổ vốn nhiều thì lợi nhuận cao. Thế là đành nhường sân chơi cho các doanh nghiệp sân sau không chỉ giàu đồng vốn mà còn có nhiều cơ hội hơn.

Không có đầu tư lâu dài của tư nhân thì khởi nghiệp quốc gia chỉ dừng lại ở khẩu hiệu động viên người dân bỏ vốn làm ăn và không có thực chất. Khởi nghiệp không phải là bảo người ta làm gì mà là phải tạo ra môi trường công bằng, bình đẳng vốn là tiền đề cho một nền kinh tế khởi sắc. Đất lành thì chim đậu, chứ chim trong lồng cũng chỉ làm cảnh.

Số liệu thống kê cho thấy ở Việt Nam, hơn 200 người dân mới có một doanh nghiệp trong khi ở các nền kinh tế phát triển thì 15-20 người đã có một doanh nghiệp. Đây chính là mục tiêu mà Chương trình khởi nghiệp quốc gia cần nhắm đến. Những giải thưởng hàng năm dành cho những dự án khởi nghiệp nhỏ của lớp trẻ do các nhà tài trợ đứng ra tổ chức chỉ mới là bước đầu chứ không phải là mục đích.

Theo TBKTSG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến