Dòng sự kiện:
Lạm phát vẫn còn ẩn số
15/11/2019 16:01:21
Đến giờ này hoàn toàn có thể khẳng định, mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4% trong năm nay đã hoàn thành, thậm chí còn có thể thấp hơn.

Ảnh minh hoạ

Quả vậy theo Tổng cục Thống kê, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,59% so với tháng trước, tuy nhiên tính chung 10 tháng CPI mới tăng có 2,79%; còn so với tháng 10/2018, CPI tăng 2,24%. Cả hai mức tăng này đều thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm trước (tương ứng là 3,54% và 3,89%). Đặc biệt CPI bình quân 10 tháng năm 2019 chỉ tăng 2,48% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân 10 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Có được kết quả này một phần cũng nhờ chính sách tiền tệ đã được điều hành hết sức chủ động  linh hoạt để điều tiết cung tiền theo sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước với mục tiêu cao nhất là để kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, song vẫn hỗ trợ tăng trưởng. Nhờ đó, lạm phát cơ bản tháng 10/2019 chỉ tăng 0,15% so với tháng trước và tăng 1,99% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng năm 2019 tăng 1,92% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

Nỗ lực điều hành chính sách tiền tệ của NHNN cũng được các thành viên của Ban chỉ đạo điều hành giá ghi nhận và đánh giá cao tại cuộc họp quý 3 mới đây của Ban chỉ đạo. Đặc biệt, “lãi suất điều hành được NHNN Việt Nam điều chỉnh giảm tạo điều kiện cho việc điều hành tỷ giá, lãi suất trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát cơ bản 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2018 ở mức 1,91%”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá ghi nhận.

Với diễn biến này, Ban chỉ đạo điều hành giá dự báo sẽ kiểm soát lạm phát bình quân năm 2019 ở mức 3,3 - 3,5%. Tuy nhiên, kịch bản này được đưa ra dựa trên dự báo giá thịt lợn chỉ tăng 10% trong quý 4. Thế nhưng từ thời điểm đó đến nay, tình hình đã có nhiều thay đổi, trong đó đáng chú ý là giá thịt lợn đang tăng chóng mặt.

Hiện giá thịt lợn hơi tại một số tỉnh phía Bắc đã tăng lên tới 76.000 đồng/kg, cao hơn so với thời điểm cuối tháng 9 gần 30.000 đồng/kg, tương ứng với mức tăng 60-65%. Tuy nhiên theo lãnh đạo của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nguyên nhân chủ yếu do thương lái lợi dụng sự khan hiếm cục bộ để đẩy giá, thổi giá lên cao. Bởi hiện nguồn cung thịt lợn ở nước ta đang thiếu hụt do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, song lượng thiếu hụt là không lớn vẫn có thể bù đắp được.

Thế nhưng không thể phủ nhận một thực tế là giá thịt lợn đã tăng rất mạnh trong thời gian vừa qua và nhiều ý kiến dự báo nó có thể sẽ còn tăng thêm trong những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong các dịp lễ, Tết. Do là một mặt hàng quan trọng trong giỏ hàng tính CPI nên việc giá thịt lợn tăng vọt chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng của lạm phát.

Quả vậy, việc CPI tháng 10 tăng tới 0,59% so với tháng trước - mức tăng cao nhất của tháng 10 trong mấy năm gần đây - có phần đóng góp không nhỏ của giá thịt lợn. Theo cơ quan thống kê, việc giá thịt lợn tăng 7,85% trong tháng 10 đã góp phần đẩy chỉ số giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống – nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giỏ hàng tính CPI - tăng 1,04%, cao nhất trong 11 nhóm hàng hóa dịch vụ, qua đó làm CPI chung tăng 0,33%.

Thế nên việc giá thịt lợn tiếp tục tăng thêm hơn 10.000 đồng/kg kể từ đầu tháng đến nay và dự báo có thể còn tăng tiếp chắc chắn sẽ có nhiều ảnh hưởng tới tốc độ tăng của CPI tháng 11.

Đó là chưa kể, giá xăng dầu vẫn đang diễn biến hết sức bất thường và có thể bật tăng mạnh trở lại khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dịu bớt. Trong khi việc điều chỉnh giá điện bình quân trong tháng 3 tiếp tục tác động các tháng còn lại khoảng +0,1%. Rồi các địa phương điều chỉnh giá dịch vụ y tế không bảo hiểm theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng trong các tháng cuối năm…

Vì lẽ đó, chưa thể chủ quan với lạm phát. Đó cũng là tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp mới đây khi ông yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp. NHNN Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với chính sách tài khóa chặt chẽ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát cơ bản trong khoảng 1,9%-2,0%.

Theo: Đầu tư Chứng Khoán
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags : cpi , lam phát
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến