Trả mặt bằng khắp nơi
Chỉ còn hơn 2 tháng là kết thúc năm 2023, thế nhưng phân khúc bất động sản cho thuê trên địa bàn Tp.HCM vẫn đang chật vật đối diện với cảnh các nhà đầu tư, người đi thuê trả mặt bằng.
Ghi nhận tại khu vực các quận trung tâm như quận 1, quận 3, quận 5…hay các quận ven như Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận… xuất hiện tình trạng các mặt bằng cho thuê bỏ trống, treo biển nhiều tháng trời nhưng không thấy người thuê.
"Làn sóng" trả mặt bằng cho thuê xuất hiện ở khắp nơi.
Tại các tuyến đường trong khu vực các quận trung tâm quận 1 như Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Minh Khai, Đồng Khởi… mặt bằng cho thuê bán lẻ, các nhà mặt tiền đường treo đầy biển và số điện thoại cho thuê.
Những khu vực như Bình Thạnh, quận Gò Vấp, quận Phú Nhuận, tình trạng trả mặt bằng cũng đang diễn ra, trên một số tuyến đường như Quang Trung, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh (Gò Vấp); D5, Phan Đăng Lưu, Lê Quang Định, Phan Văn Trị (Bình Thạnh)…
Theo tìm hiểu, thị trường bất động sản cho thuê được đánh giá là giảm mạnh sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, các trung tâm thương mại, sàn cho thuê hay những shophouse đều chịu cảnh nhà đầu tư, khách thuê trả mặt bằng.
Mặt bằng bỏ trống bị sơn bên ngoài, hàng loạt số điện thoại cho thuê nhưng đều là môi giới.
“Làn sóng” trả mặt bằng cho thuê đã diễn ra âm ỉ từ lâu, đặc biệt trong một năm qua, kinh tế thị trường chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, các ngành nghề dịch vụ, du lịch sụt giảm… người dân thắt chặt chi tiêu mua sắm đã khiến cho nhiều người kinh doanh phải đóng cửa trả mặt bằng.
Ông Nguyễn Nhật Nam (ngụ Bình Thạnh) từng kinh doanh quần áo trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, Tp.HCM cho biết: “Tôi buộc phải trả mặt bằng từ đầu tháng 2/2023 vì không có lợi nhuận. Bên cạnh đó, giá thuê không được giảm nên buộc trả mặt bằng để tìm nơi kinh doanh mới”.
Cũng theo ông Nam, bạn bè ông cũng có rất nhiều người trả mặt bằng để chuyển sang hình thức kinh doanh online, hoặc hoạt động trong lĩnh vực khác. Hạn chế việc phải bỏ ra quá nhiều chi phí cho việc thuê mặt bằng.
Trao đổi với Người Đưa Tin, chủ một mặt bằng cho thuê tại quận 3 cho biết: “Từ hơn 1 năm nay, tôi đã để trống mặt bằng hơn 200m2 sàn, dù nhiều lần nhờ các đơn vị môi giới tìm người cho thuê. Tuy nhiên, không được giá nên đến nay vẫn chưa tìm được đối tác ưng ý”.
Giá cho thuê cao, chủ không chịu hạ
Trong báo cáo mới đây, Cushman & Wakefield cũng chỉ ra, đường Đồng Khởi (quận 1, Tp.HCM) nằm trong top các tuyến đường có giá thuê mặt bằng đắt đỏ nhất thế giới. Giá thuê tại đây tương đương 350 USD/m2/tháng. Con số này tăng 17% so với cùng kỳ và tăng 40% so với trước dịch Covid-19.
Hay báo cáo của CBRE Việt Nam cho biết, giá thuê ở khu vực trung tâm này vẫn có xu hướng tăng 1 - 1,5%/năm. Điều này cho thấy, mức giá thuê được các chủ trung tâm hay các chủ mặt bằng bán lẻ đưa ra so với nhu cầu vẫn còn cao và chưa có động thái hạ nhiệt.
Quận 1 là khu vực trung tâm và mặt bằng cho thuê rất cao. Tuy nhiên, đây cũng là quận đang có rất nhiều người kinh doanh trả mặt bằng bán lẻ.
PV đã liên hệ với một vài số điện thoại được dán trước các mặt bằng để tìm hiểu về giá cả. Cụ thể, với mặt bằng 1.000m2 sàn nằm ở giao lộ Hai Bà Trưng - Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, đang được chào thuê với giá 420 triệu/tháng (theo tìm hiểu thì mặt bằng trên đã bỏ trống gần 1 năm nay).
Cũng trên tuyến đường Hai Bà Trưng, nhưng nằm ở phường Đakao, với mặt bằng 3 tầng, diện tích 450m2 sàn đang được chào thuê với giá 170 triệu/tháng. Khi hỏi có được giảm giá thêm không thì đơn vị cho thuê báo giá tốt nhất và không hạ.
Mặc dù “làn sóng” trả mặt bằng cho thuê đang xuất hiện ở nhiều nơi tại Tp.HCM, đặc biệt tại các khu vực trung tâm. Tuy nhiên, có thể thấy việc tìm người thuê mặt bằng lại trái ngược với giá cho thuê. Giá thuê vẫn được cho là đắt đỏ, nhưng các ông chủ vẫn nhất định không giảm.
Giá thuê mặt bằng vẫn rất cao, buộc khách thuê phải trả chờ đợi thời kỳ kinh tế hồi phục.
“Dù thời gian qua để trống mặt bằng, nhưng vẫn khó để chúng tôi giảm giá thuê, vì khi mua nhà, mặt bằng…đã ở với mức giá rất là cao rồi, trong khi vật giá mọi thứ ngày càng leo thang thì bắt buộc chúng tôi phải giữ giá thuê, hoặc có giảm thì cũng chỉ giảm 1 phần nhỏ chứ không thể giảm sâu. Nếu hạ giá rồi rất khó thay đổi nếu thị trường phát triển lại, vì mọi thứ đều thể hiện trên hợp đồng”, một chủ thuê cho biết.
Đánh giá về thị trường cho thuê hiện nay, ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch VNO Việt Nam cho hay: “Nhìn chung, thời gian quan thị trường cho thuê gặp phải rất nhiều khó khăn nhất là các mặt bằng bán lẻ, ngành nghề kinh doanh dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề, nguồn thu ít, chi phí lại cao nên nhiều người có xu hướng trả mặt bằng, cầm chừng hoặc rút chân nhanh để khỏi thua lỗ”.
Nói về việc chủ thuê không hạ giá ông Hải nhận định: “Mỗi thời kỳ kinh tế mỗi khác nhau, điều này cho thể hiện rất rõ ở thời điểm hiện tại. Tôi nghĩ, chủ thuê và khách cần có cái nhìn tích cực hơn, hỗ trợ nhau trong giai đoạn khó khăn. Thay vì để mặt bằng trống, chúng ta có thể hướng theo cách hỗ trợ khách, giảm giá thuê mức tối đa.. Việc này vừa giữ chân được khách thuê vừa có kinh phí thay vì chủ bỏ không nhiều tháng”.
Theo các chuyên gia nhận định, mặt bằng bán lẻ hiện nay dù vào dịp cuối năm nhưng chắc chắn vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Người dân chi tiêu thắt chặt hơn, ngành nghề dịch vụ, du lịch… bị ảnh hưởng. Sức cầu ít đi thì “làn sóng” trả mặt bằng còn tiếp diễn.
Các chủ thuê cần phải định hướng lại nhu cầu, giảm chi phí cho thuê và cân nhắc lợi ích đôi bên. Khi kinh tế khởi sắc hơn thì phân khúc này tiếp tục sẽ mạng lại nguồn lợi cao.
Tác giả: Phùng Sỹ Sơn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy