Dòng sự kiện:
Làng miến dong xứ Thanh bội thu vụ Tết
29/01/2022 08:30:03
Với những hộ sản xuất miến dong ở xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, Tết là thời điểm mà họ mong chờ nhất, bởi đây là cơ hội tiêu thụ hàng lớn nhất trong năm.

Những ngày cuối năm, người làm miến dong ở xã Cẩm Bình tất bật đêm ngày để sản xuất kịp các đơn hàng vụ Tết. Đây là nơi có nghề sản xuất miến dong lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, cung ứng hơn 500 tấn miến dong ra thị trường mỗi năm.

Thời điểm hai tháng giáp Tết, gia đình chị Phạm Phương Triển, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy phải huy động toàn bộ nhân công làm ngày làm đêm để kịp đơn hàng. Chị Triển phải thuê khoảng 5-7 lao động để cắt miến, phơi miến, đóng gói và vận chuyển miến đến các cơ sở tiêu thụ.

“Mặc dù đã làm hết công suất nhưng vẫn không đủ đáp ứng các đơn hàng, từ đầu tháng 12 âm lịch, chúng tôi đã ngừng nhận đơn hàng mới vì không đủ sức”, chị Triển nói.


Công đoạn tráng bánh do thường những người phụ nữ thực hiện

Nghề làm miến dong ở Cẩm Bình có từ hơn 30 năm trước. Ban đầu chỉ sản xuất nhỏ lẻ mang tính tự cung tự cấp, chủ yếu các hộ làm miến để đáp ứng nhu cầu thức ăn dịp Tết cho gia đình. Tuy nhiên khi nền kinh tế thị trường phát triển, nghề miến dong đã phát triển thành nghề truyền thống có quy mô lớn, cung ứng lượng lớn hàng hóa ra thị trường.

Những chiếc bánh sau khi tráng được phơi cho ráo nước

Hiện Cẩm Bình có 150 hộ tham gia làm miến dong. Nguyên liệu sản xuất miến là củ dong riềng. Củ dong riềng được trồng vào tháng Một, Hai hàng năm, thu hoạch vào khoảng tháng Mười, Mười Một. Sau khi thu hoạch, người trồng dong sẽ cắt bỏ gốc rễ, rửa sạch rồi đem nghiền thành bột.

Bánh được cho vào máy cắt thành sợi miến


Những sợi miến được đem phơi khô 

Hỗn hợp sau khi nghiền sẽ được lọc nhiều lần với nước sạch để loại bỏ chất bẩn cho đến khi nước trong lắng lấy bột. Tinh bột này sẽ được đem đi phơi khô để thu được bột dong giềng nguyên chất nhất. Những mẻ bột dong này có thể để được cả năm. Khi thu được tinh bột dong riềng hoàn chỉnh, người thợ sẽ đem đi tráng thành bánh, rồi cho vào máy cắt thành sợi miến thành phẩm.


Miến sau khi phơi khô sẽ đóng gói mang đi tiêu thụ

Trước đây gia đình chị Triển và cũng như bà con trong xã thường chỉ làm 3 tháng giáp Tết nhưng những năm gần đây do nhu cầu thị trường tăng cao họ làm nghề quanh năm. Từ năm 2020, gia đình chị tham gia vào Hợp tác xã Dịch vụ và sản xuất miến dong Đồi Ao, lượng khách hàng càng tăng vọt, đến từ các tỉnh như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình.

Gia đình có 3 lao động chính, nhưng chị đảm nhiệm khâu quan trọng nhất là khâu tráng bánh.

“Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người thợ thì bánh mới chín đều, mỏng có như vậy mới cho ra những sợi miến đều, đẹp, dẻo, dai”, chị Triển vừa lý giải vừa đưa tay thoăn thoắt tráng bánh bên bếp lửa.

Miến thành phẩm được đem ra thị trường tiêu thụ

Ông Phạm Ngọc Thước, Phó Giám đốc Hợp tác xã Miến dong Đồi Ao, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy cho biết, HTX có 7 thành viên với hơn 30 lao động địa phương tham gia sản xuất. Cuối năm 2021, sản phẩm miến dong Đồi Ao đã được công nhận là sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Trong năm 2021, hợp tác xã đã sản xuất gần 150 tấn miến dong xuất bán ra thị trường, doanh thu ước đạt trên 5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động, với mức thu nhập 6-10 triệu đồng/người/tháng. Trong dịp Tết Nguyên đán 2022 này, hợp tác xã đặt mục tiêu sản xuất 15 tấn để xuất bán ra thị trường.

Trước đây, người dân chỉ làm miến hoàn toàn thủ công, nhưng hiện nay, để đáp ứng các đơn hàng lớn, họ đã chủ động đầu tư máy nghiền bột dong, bếp tráng điện nên năng suất cao hơn nhiều, thu nhập từ nghề làm miến dong vì thế cũng được cải thiện đáng kể. Trung bình mỗi hộ thu nhập 100-300 triệu đồng/năm. Đặc biệt vào vụ Tết, mỗi gia đình làm miến có thể thu nhập tiền triệu mỗi ngày. Ngoài tiêu thụ nội tỉnh, miến dong xã Cẩm Bình đã và đang phát triển tại các thị trường tiềm năng như: Hà Nội, Nghệ An, Thái Bình, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh…

Ông Lê Minh Đức, Phó chủ tịch UBND xã Cẩm Bình cho hay, nghề miến dong đã mang lại thu nhập tốt, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Mỗi năm, toàn xã cung ứng gần 500 tấn miến ra thị trường. Địa phương đang quy hoạch mở rộng vùng nguyên liệu, đẩy mạnh sản xuất theo quy trình khép kín, hiện sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh Thanh Hóa.

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến