Dòng sự kiện:
Lao động về quê tránh dịch: 'Đau đầu' tìm lời giải!
03/11/2021 08:06:16
Với số lượng người dân về quê tránh dịch trong thời gian qua phần lớn trong độ tuổi lao động, chính quyền các địa phương vẫn đang chủ động, tìm các phương án việc làm để người dân yên tâm ở lại quê hương, sinh sống

Đi tìm lời giải 

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nghệ An, từ đầu năm 2021 đến nay, số công dân đã trở về từ vùng dịch là 99.945 người. Trong đó, số lao động trở về từ vùng dịch 75.858 người chiếm 75,95% trên tổng số công dân trở về quê.

Để tìm kiếm việc làm cho nhu cầu lao động về quê tránh dịch ngày càng tăng, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An đã thực hiện nhiều phương án, nhanh chóng tìm ra lời giải cho bài toán việc làm.

Sở LĐ-TB&XH Nghệ An đã yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các phòng ban liên quan và UBND xã, phường, thị trấn thực hiện rà soát, thống kê số công dân đang sinh sống, học tập, làm việc ngoại tỉnh.

Trong đó có số công dân đang tạm trú ngoại tỉnh và số công dân đã trở về địa phương do dịch bệnh COVID-19. Song song, khảo sát nhu cầu tìm kiếm việc làm và nhu cầu học nghề của người lao động theo văn bản chỉ đạo số 2892/LĐTBXH-VL ngày 01/9/2021 của Sở LĐ-TB&XH về việc rà soát tình hình công dân và người lao động trở về địa phương.

Tại Nghệ An có gần 100.000 người về quê tránh dịch trừ đầu năm 2021 đến nay

Thực hiện rà soát, tổng hợp danh sách người lao động địa phương có nhu cầu đi làm việc trong và ngoài nước để phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An; các doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty, có nhu cầu tuyển dụng lao động trong và ngoài tỉnh để tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động.

Đồng thời, triển khai thực hiện Đề án giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 2920/QĐ-UBND ngày 12/8/2021 của UBND tỉnh; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; quan tâm hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề phù hợp cho những lao động có nhu cầu; đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tận dụng nền tảng Internet, mạng xã hội cho người lao động trao đổi, tìm kiếm việc làm như: vieclamnghean.vn, Facebook…  Thành lập nhóm Zalo “Hỗ trợ việc làm – COVID” kết nối với các huyện, xã trên địa bàn tỉnh nhằm cung cấp kịp thời nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cho các cán bộ đầu mối.

Không để công dân hồi hương bị bỏ lại phía sau

Tại Hà Tĩnh, từ đầu năm 2021 đến nay đã có 46.144 công dân trở về địa phương từ các vùng dịch trong cả nước (trong đó có 23.932 lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp) và đa số các công dân này đều trở về từ các tỉnh thành phía Nam.

Riêng tại địa bàn huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh), tính từ đầu năm cho đến nay số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trở về quê tránh dịch (có độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi) về địa bàn là 3.395 người.

Qua khảo sát, trong số này có đến gần 1000 người lao động có nguyện vọng ở lại làm việc tại quê hương.

Trao đổi với PV, ông Hồ Thái Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết, trong thời gian vừa qua, UBND huyện Hương Sơn đã tiến hành rà soát, thống kê số lượng công dân, người lao động trở về quê có nguyện vọng làm việc tại quê hương, nhằm đảm bảo an sinh xã hội và tìm kiếm, giải quyết việc làm cho các công dân.

UBND huyện đã tiến hành kết nối thông tin các sàn giao dịch việc làm do Trung tâm dịch vụ việc làm Hà tĩnh mở để người lao động kết nối, tìm kiếm việc làm (Sàn giao dịch kết nối việc làm trong tỉnh, Tập đoàn Formosa; Công ty cổ phần dệt may Hoàng Thị Loan - TP Vinh; Thi tuyển đi Hàn Quốc theo chương trình EPS, Công ty  Cổ phần may Five Star Hà Tĩnh (Công ty đóng tại xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn),…

Nhiều lao động đưa cả gia đình về quê tránh dịch 

Ngoài ra, UBND Huyện Hương Sơn đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn nắm tình hình đối tượng, đời sống, các đối  tượng khó khăn, hỗ trợ kịp thời trong thời gian các công dân đang thực hiện cách ly. Tiến hành giải quyết chế độ chính sách cho các công dân trở về quê theo Nghị quyết 68 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19.

Ông Trần Đức Lịch, Giám đốc Công ty CP May Five Star Hà Tĩnh cho biết, nhằm chỉa sẻ với người lao động là công dân trên địa bàn trở về địa phương tránh dịch, công ty rất muốn tuyển và hỗ trợ việc làm cho các công dân là người lao động có nguyện vọng làm việc tại địa phương, trước mắt hiện công ty sẽ tuyển dụng hơn 1.000 lao động với các vị trí công nhân, tổ trưởng, kĩ thuật, kĩ thuật viên bảo trì, dự kiến đến cuối năm sẽ tuyển thêm hơn 1.500 lao động nữa.

Nhiều lao động trở về tránh dịch bày tỏ nguyện vọng ở lại địa phương làm việc như chị H. (SN 1989), trú tại xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn.

Chị H. chia sẻ, vì mưu sinh chị cùng chồng đi vào tỉnh Bình Dương thuê nhà trọ và đi làm công nhân đã nhiều năm. Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 phức tạp, nhà máy đóng cửa, anh chị mất việc làm, hơn 1 tháng vợ chồng chỉ ở nhà và sau đó vì quá khó khăn nên đã quyết định trở về quê tránh dịch. Anh chị cũng quyết định sẽ ở nhà cùng với gia đình và tìm kiếm việc làm tại địa phương.

Trong thời gian qua, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân về công tác đào tạo nghề; huy động sự tham gia của doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Đối tượng áp dụng là người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên).

Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hằng tháng.

Mức hỗ trợ trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động, cụ thể như sau:

- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng: hỗ trợ 1.800.000 đồng/người.

- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng: hỗ trợ 2.100.000 đồng/người.

- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng: hỗ trợ 2.400.000 đồng/người.

- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng: hỗ trợ 2.650.000 đồng/người.

- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng: hỗ trợ 2.900.000 đồng/người.

- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 132 tháng trở lên: hỗ trợ 3.300.000 đồng/người.

Nguồn kinh phí: khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020.

Thời gian thực hiện việc hỗ trợ người lao động từ ngày 1/10/2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Văn Bình – Minh Tiến

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến