Lật lại vụ cược tiến độ 100 tỷ tai tiếng của Keangnam
08/05/2015 09:49:27
ANTT.VN - Để xây tòa Landmark 72, Keangnam đã liều lĩnh vay tới gần 50% vốn đầu tư công trình. Nắm bắt điểm yếu này, một nhóm Cựu chiến binh đã viết thư “khiêu chiến” bằng vụ cá cược 100 tỷ đồng cho tiến độ thi công với chủ đầu tư.

Tin liên quan

Sau gần 50 năm tồn tại và phát triển, tập đoàn xây dựng Keangnam Enterprises đang đứng trên bờ vực phá sản. Đặc biệt, sau vụ tự sát của Chủ tịch Sung Wan-Jong hồi đầu tháng 4, sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc cũng đã tuyên bố xóa tên tập đoàn này sau hơn 40 năm niêm yết. Để tự cứu lấy mình, Keangnam buộc phải rao bán một loạt các dự án xây dựng tại nước ngoài và cả Landmark 72 tại Việt Nam, công trình mà cố chủ tịch Sung Wan-Jong đặt nhiều hy vọng.

Dự án Hanoi Landmark Tower của tập đoàn Keangnam khởi công vào tháng 8/2007, với tổng vốn đăng ký 1 tỷ USD, lớn nhất Hà Nội tại thời điểm đó. Tổ hợp này gồm căn hộ cao cấp, khách sạn, khu dịch vụ và văn phòng với 2 tòa tháp 48 tầng (gồm 918 căn hộ) và một tháp 70 tầng.

Tòa nhà Keangnam

Ngay từ khi mới khởi công, dự án này đã gây ra không ít tai tiếng. Từ việc chênh lệch giá căn hộ hay những tai nạn nghiêm trọng trong suốt thời gian thi công. Đặc biệt, từ việc chủ đầu tư bán nhà trên giấy dẫn đến vụ thách cược 100 tỷ đồng giữa một số cựu chiến binh (CCB) và chủ đầu tư tòa nhà Keangnam gây xôn xao dư luận.

Vụ cá cược 100 tỷ đồng hy hữu

Sự việc bắt đầu từ ngày 30/10/2008, khi báo Cựu chiến binh Việt Nam đăng tải lá thư của nhóm CCB và các kỹ sư phản ánh việc Keangnam bán nhà trên giấy và “hứa tặng 100 tỷ đồng" nếu Keangnam hoàn thành đúng tiến độ xây dựng là vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long (10/10/2010).

Không vừa, ngay lập tức, Keangnam “phản pháo,” cho hay sẽ ký cam kết “đánh cược” 100 tỷ đồng cho tiến độ thi công tòa nhà cao nhất Việt Nam.

Theo thông báo gửi báo giới ngày 13/11/2008, Keangnam cam kết sẽ hoàn thành phần thô và tiểu cảnh sân vườn của 2 khối nhà 48 tầng và tòa khách sạn, văn phòng 70 tầng đúng tiến độ. Trong trường hợp không kịp, Keangnam sẽ nộp phạt 100 tỷ đồng.

"Chúng tôi đồng ý nộp phạt 100 tỷ đồng nếu không đúng cam kết", văn bản do Chủ tịch Keangnam - Vina Ha Jong Suk ký, khẳng định. Chủ đầu tư cũng cho hay, trong trường hợp bị phạt vì không đúng tiến độ, toàn bộ số tiền sẽ được dùng cho mục đích từ thiện.

Cãi nhau to và… đổ kèo

Nhiều thông tin cho rằng Keangnam có khả năng “thắng cược” bởi họ chỉ cược là xong phần thô và tiểu cảnh bên ngoài, và ai cũng biết rằng phần hoàn thiện nội thất mới là phần lâu nhất của một khu xây dựng. Hơn nữa, theo tính toán của các kỹ sư xây dựng thì việc xây dựng móng và tầng hầm của tòa nhà sẽ chiếm thời gian chủ yếu, nếu Keangnam đã hoàn tất phần móng và đang triển khai hai tầng hầm thì hoàn thiện phần thô của hai tòa nhà 48 tầng và tòa nhà 70 tầng trong thời gian 23 tháng là hoàn toàn khả thi.

Trong thông cáo gửi báo chí, Keangnam cũng đề xuất, tập đoàn này và nhóm tác giả bức thư ngỏ sẽ ký cam kết trước sự chứng kiến của lãnh đạo UBND TP Hà Nội, báo giới và các ngành liên quan vào ngày 18/11/2008. Cùng với đó, mỗi bên đặt cọc khoản tiền hoặc tài sản tương đương 100 tỷ đồng vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước Hà Nội để đảm bảo thực hiện cam kết.

Tại buổi gặp gỡ ngày 18/11/2008, Nhà báo Đỗ Quảng (cựu phóng viên báo Nhân dân) đại diện nhóm CCB "thách cược", cho rằng: Đây không phải là vụ thách đố hay cá cược như một số báo chí đã đưa tin mà là một phần thưởng. “Chúng tôi cam kết sẽ tặng thưởng 100 tỷ nếu tập đoàn Keangnam hoàn thành dự án đúng tiến độ, và ngược lại phía Keangnam sẽ phải chấp nhận chịu phạt 100 tỷ đồng nếu không kịp tiến độ công trình”- ông Quảng cho hay.

Tuy nhiên, theo lập luận của Luật sư Lê Thanh Sơn, đại diện ủy quyền của Keangnam trong vụ việc này: “Nếu không phải đánh cược vậy đây là thỏa thuận gì?”. Ông Sơn cho rằng, nếu có thỏa thuận từ hai phía thì đây chính là hợp đồng dân sự và phải tuân thủ theo Bộ luật Dân sự. Theo quy định của Luật, hợp đồng thưởng chỉ có thưởng mà không có phạt.

Phía Keangnam cho rằng, nếu nhóm CCB không chứng minh được tính hợp pháp của hợp đồng được ký kết, Keangnam sẽ không ký. Song ông Chủ tịch Ha Jung Suk của Keangnam – Vina vẫn khẳng định: Keangnam sẽ hoàn thành phần thô công trình và tiểu cảnh vườn hoa đúng tiến độ kịp đại lễ nghìn năm Thăng Long vào tháng 10/2010.

Rắc rối ở chỗ, Keangnam “đòi” hợp đồng được ký phải có tính hợp pháp và hợp hiến, còn nhóm CCB không chịu ký một khi Keangnam chưa đưa ra “tiền tươi thóc thật”.  

Kết thúc cuộc họp hai bên không thống nhất được dẫn đến vụ thách cược bị đổ bể. Ông Quảng tuyên bố: “Dù Keangnam không ký hợp đồng, nhóm CCB sẵn sàng tặng 10 tỷ đồng nếu công  trình hoàn thành đúng tiến độ như cam kết để mua sâm banh chào mừng ngày Đại lễ”.

Thủy Tiên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến