LienVietPostBank và “của hồi môn” 58.000 tỷ
04/07/2016 09:30:04
Ngày 1/7/2016, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường bầu thành viên Hội đồng Quản trị độc lập. Cùng thời điểm đó, ngân hàng kỷ niệm 5 năm sáp nhập Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện.

Tin liên quan

Bên lề sự kiện này, có cổ đông in một bài viết trên mạng đưa cho ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị, hỏi: “Sao lại có thông tin thế này?”.

Bài viết đó nhìn lại 5 năm thương vụ Tổng công ty Bưu chính (VNPost) góp vốn vào Ngân hàng Liên Việt bằng Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện để sau đó có tên gọi LienVietPostBank, với điểm nhấn: “vỡ mộng”. Cũng có bài viết khác gọi là “bài học cay đắng”.

Cổ đông trên cũng nhắc lại, hồi đó LienVietBank trả giá rất cao để thực hiện vụ sáp nhập.

Có lẽ để trả lời gián tiếp, LienVietPostBank đưa ra hai con số đáng chú ý, và có phần nhạy cảm.

LienVietPostBank cho biết đang đảm bảo thực hiện nghĩa vụ đối với cộng đồng trên 500.000 khách hàng của hệ thống Tiết kiệm Bưu điện.

Nhưng trước hết, ông Hưởng nói lại chuyện trả giá cao của vụ sáp nhập trên. Đại ý, khi đó nhiều ngân hàng muốn “cưới” Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện. Họ rất cân nhắc giá cả. Cũng có phần e ngại về khoản tài chính cần phải xử lý.

“Chúng tôi thì xác định, đó là doanh nghiệp của Nhà nước, mình trả giá cao hơn thì lợi ích cũng thuộc về Nhà nước chứ không mất đi đâu. Mà trả giá cao cho gọn, để các đối tác khác khỏi cạnh tranh giá. Trả cao và quyết nhanh, để còn tập trung làm việc khác”, ông Hưởng nói.

Đó là đầu năm 2011. Thời điểm đó thanh khoản hệ thống ngân hàng căng thẳng, lãi suất liên ngân hàng cao chót vót. LienVietPostBank mới đi vào hoạt động ba năm. Ngân hàng trẻ bước vào môi trường khó khăn và ngột ngạt đó.

Thế nhưng, chính ngay sau vụ sáp nhập, nguồn vốn huy động chuyển giao từ Tiết kiệm Bưu điện đã hỗ trợ LienVietPostBank đứng vững, thậm chí còn làm con thoi cho vay trên liên ngân hàng để có lợi nhuận khá tốt. Ngân hàng còn trẻ, thị phần và nền tảng khách hàng còn hạn chế, nên nguồn lực và cách làm trên sớm tạo giá trị cho cổ đông.

Tuy nhiên, kinh doanh liên ngân hàng không thể thuận lợi mãi. Bởi ngay sau giai đoạn căng thẳng thanh khoản trên, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu vào cuộc quy hoạch lại thị trường liên ngân hàng. Hoạch định từ đó cho đến nay đã hạn chế nhất định hoạt động câu kéo kiếm lời lẫn nhau giữa các ngân hàng, vốn rất sôi động trước đây.

Dù gì, LienVietPostBank vẫn phải đi vào những trục hoạt động chính: gắn với dân cư và doanh nghiệp, tìm và mở rộng thị phần.

Một ngân hàng trẻ, để mở rộng thị phần, cần có nền tảng, hạ tầng. Mạng lưới chi nhánh phải thiết lập, ráp đội ngũ nhân sự, hoàn thiện công nghệ, xây dựng cơ cấu sản phẩm, thậm chí là xây dựng cơ bản… Yêu cầu này ngốn chi phí đầu tư lớn, lợi nhuận LienVietPostBank bắt đầu suy giảm (bên cạnh các nguyên nhân khác nữa).

Mở rộng mạng lưới, ngân hàng này có thuận lợi từ hệ thống 10.000 điểm giao dịch bưu điện được khai thác sau vụ sáp nhập trên. Khai thác như thế nào?

Ở bài viết in từ trang mạng trên có đề cập: sau 5 năm sáp nhập, lượng tín dụng LienVietPostBank tạo được qua mạng lưới Tiết kiệm Bưu điện chỉ được có 3.500 tỷ đồng.

Tại buổi kỷ niệm 5 năm sáp nhập nói trên, LienVietPostBank công bố một con số đáng chú ý: không chỉ tín dụng 3.500 tỷ, mà mạng lưới khai thác qua hệ thống các phòng giao dịch bưu điện đã tạo được hơn 28.000 tỷ đồng vốn huy động.

Nếu con số 3.500 tỷ đồng tín dụng nói trên được hình thành từng bước qua mở rộng khai thác, theo tiến độ cơ chế chính sách mở dần chứ không thể ồ ạt cho vay được ngay, thì con số 28.000 tỷ đồng vốn huy động đã giúp LienVietPostBank vượt xa mức độ thu hút vốn của những ngân hàng quy mô nhỏ nhưng đã có 15-20 năm trên thị trường.

Và con số thứ hai. Chính lợi thế có 10.000 điểm giao dịch bưu điện được quyền khai thác, LienVietPostBank trở thành ngân hàng thương mại có độ phủ mạng lưới rộng khắp, mà ông Nguyễn Đức Hưởng từng ví von là nếu bình thường có khi phải mất cả trăm năm mới thiết lập được.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cấp phép cho LienVietPostBank mở chi nhánh tại tất cả các tỉnh thành, trong năm nay phủ kín. Loạt cấp phép này tập trung tại các địa bàn xa, đặc biệt là vùng Tây Bắc.

LienVietPostBank cũng hợp tác toàn diện với Ngân hàng Chính sách Xã hội - ngân hàng của người nghèo, với đầu mối có tới tận tổ dân phố lẫn huyện đảo xa xôi.

Chính vì các bước phối hợp trên đã giúp ngân hàng này có đủ điều kiện để hợp tác với Bảo hiểm Xã hội, để thêm kênh thuận lợi trong giao dịch và chi trả bảo hiểm tới các địa bàn dân cư.

Về hợp tác trên, ông Hưởng cũng không giấu việc, đến nay đã có khoảng 30.000 tỷ đồng của Bảo hiểm Xã hội để trên các tài khoản tại LienVietPostBank, để chủ động cho các giao dịch chi trả.

Con số trên có thể có phần nhạy cảm, vì xưa nay tiền gửi và tiền thanh toán của Bảo hiểm Xã hội chỉ tập trung ở các ngân hàng thương mại nhà nước, như một đặc quyền. Chưa ngân hàng thương mại cổ phần nào có sự hợp tác tương tự LienVietPostBank.

Tổng lại, trực tiếp và gián tiếp, từ “cuộc hôn nhân” với Tiết kiệm Bưu điện, LienVietPostBank có “khoản hồi môn” tính gộp đơn giản hai con số trên là khoảng 58.000 tỷ đồng. Chỉ riêng quy mô này đã ngang ngửa với tổng vốn huy động của nhiều ngân hàng thương mại khác.

Đó là nguồn vốn giá trị, khác với đánh giá về sự “vỡ mộng”, “bài học cay đắng” 5 năm sau vụ sáp nhập nói trên.

Tất nhiên, sử dụng nguồn vốn trên hiệu quả hay không lại là khía cạnh khác. Và hẳn sau 5 năm sáp nhập, LienVietPostBank sẽ phải nhìn lại điểm này, về sự phân bổ nguồn lực, thậm chí là vấn đề quyền lực (như sự kiện ưu tiên tuyển dụng nhân sự họ Dương khá ồn ào mới đây là một ví dụ).

Theo Vneconomy

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến