LienVietPostBank: Phía sau việc tuyển người họ Dương
30/06/2016 10:51:42
Câu chuyện Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đăng thông báo tuyển con em họ Dương rồi xin rút lại đang khá tốn giấy mực. Xét về lý, việc phê phán vị chủ tịch Dương Công Minh ưu tiên tuyển người cùng họ là đúng nhưng đi vào bản chất sự việc và xét trên góc độ con người mới thấy sự việc không nhất thiết phải ồn ào…

Tin liên quan

Có hay không sự ưu tiên?

Sự việc được bắt đầu từ một tờ thông báo tuyển dụng đăng công khai trên trang web của ngân hàng với lưu ý rõ ràng: ưu tiên người có họ Dương vào làm ngân hàng. Ngay sau đó, trả lời trên VnExpress, ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank thẳng thắn thừa nhận: đợt tuyển này đúng là có ưu tiên người họ Dương và chỉ dành cho 62 cháu với vị trí kiểm ngân học sinh tốt nghiệp cấp III cũng làm được và chỉ ưu tiên tuyển các con em ở những huyện nghèo, thuộc các tỉnh vùng sâu, vùng xa.

Khẳng định của vị chủ tịch ngân hàng lập tức khiến dư luận như dậy sóng. Có hai luồng ý kiến rõ ràng: Nhiều người cho rằng, với một ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, cũng giống như một doanh nghiệp tư nhân, ông Minh không hề sai khi ưu tiên người quen, huống chi ở LienVietPostBank còn có điều kiện là phải có trình độ và học đúng chuyên ngành, qua các vòng phỏng vấn như bình thường. Phe không ủng hộ thì tỏ ý phê phán kịch liệt và nhấn mạnh không thể có những “đặc quyền” không bình thường như vậy.

Phủ sóng toàn quốc, LienVietPostbank ưu tiên tuyển con em vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Như Ý.

Ngày 27/6, đại diện LienVietPostBank chính thức lên tiếng. Nói về sự việc, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank giãi bày. Theo ông Hưởng, trước đó, HĐQT LienVietPostBank chưa hề biết chuyện này và sau khi họp xử lý thông tin báo chí nêu, với tư cách là Chủ tịch HĐQT của LienVietPostBank, ông Dương Công Minh đã xin rút ý kiến trên, thực hiện đúng quy chế tuyển dụng của ngân hàng không ưu tiên dòng họ, nhưng khuyến khích mọi người tích cực giới thiệu nhân sự tốt cho LienVietPostBank với tiêu chí càng nhiều kênh giới thiệu hội đồng tuyển dụng càng có những lựa chọn.

Ông Hưởng cũng lưu ý đúng là trong quy chế tuyển dụng của LienVietPostBank có ưu tiên các đối tượng chính sách, như con của gia đình thương, bệnh binh, con gia đình liệt sỹ, con gia đình có công với đất nước và con của đồng bào dân tộc ít người vùng sâu, vùng xa...

Chân dung vị chủ tịch muốn tuyển người cùng họ

Xuất thân từ một doanh nhân mặc áo lính, rồi đến với thương trường, sự nghiệp kinh doanh của ông Dương Công Minh nổi như cồn trong giới kinh doanh và gắn liền cái tên Tập đoàn chuyên về địa ốc Him Lam. Theo các báo cáo năm 2009, Him Lam có vốn điều lệ khoảng 6.500 tỷ đồng. Trong đó, Chủ tịch Dương Công Minh sở hữu tới 99% cổ phần, tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng.

Ngoài chức vụ Chủ tịch tại Him Lam, ông Dương Công Minh còn được biết đến trong vai trò là Chủ tịch của Cty chứng khoán Liên Việt (LVS), Ngân hàng LienVietPostBank và công ty Liên Việt Holding.

Tại Liên Việt Holding, ông Minh nắm khoảng 31,3 triệu cổ phần, trong khi tại LienVietPostBank, ông đứng tên cho khoảng 80,4 triệu cổ phần thông qua tập đoàn Him Lam, tương ứng 12,5% của vốn điều lệ 6.460 tỷ đồng.

Nói về ông Minh, một doanh nhân từng nằm trong Top giàu nhất sàn chứng khoán cứ nắc nỏm: “Nếu công ty anh ấy (ông Dương Công Minh) niêm yết, chắc khó có người nào vượt qua”. Còn lời kể một dân trong nghề cho biết, ông Minh từng có lần buột miệng: “Không nghĩ làm ngân hàng lại cực và ít lời so với những lĩnh vực khác đến như vậy”.

Tuy nhiên, điều đáng kể hơn và làm nên sự khác biệt của ông chủ Him Lam chính là những công trình từ thiện mà ông xây dựng trên khắp Việt Nam. Nhiều năm qua, ông Minh đã dùng tiền cá nhân âm thầm xây tặng mỗi tỉnh thành trên cả nước một trường chuẩn quốc gia (hiện đã xây trên 100 trường học từ thiện).

Theo dự kiến, đến năm 2020, Tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh sẽ tặng mỗi tỉnh thành trên toàn quốc một trường học mà số tiền bỏ ra ở mỗi điểm đều lên tới hàng chục tỷ, có nơi xấp xỉ 100 tỷ đồng.

Bình luận về vấn đề này, một chuyên gia cho rằng, việc ưu tiên người quen khi tuyển dụng ở các doanh nghiệp không phải là điều mới mẻ bởi triết lý tuyển dụng từng nhấn mạnh: “người giỏi sẽ quen biết người giỏi”.

Còn trên CafeF, TS Phan Minh Ngọc hiện đang công tác tại Ngân hàng Mitsu ở Singapore cho biết, trường hợp như của Liên Việt, có thể thấy ông sếp họ Dương kia hoặc nhân viên của ông ta đóng vai trò như một người giới thiệu, còn việc có tiếp nhận hay không lại thuộc về các bộ phận nghiệp vụ.

“Thậm chí ông họ Dương còn khẳng định là tuyển dụng cho các chi nhánh, phòng giao dịch ở vùng sâu, vùng xa thì không nên phê phán mà còn phải ca ngợi trách nhiệm của vị này”, ông Ngọc nói.

Ngày 21/6/2016, NHNN đã phê duyệt cho phép LienVietPostBank mở 7 Chi nhánh tại 7 tỉnh (Phú Yên, Hưng Yên, Tây Ninh, Hà Tĩnh, Lai Châu, Sơn La và Bình Định) để mở rộng mạng lưới Chi nhánh tại 63 tỉnh/thành và mở thêm 62 Phòng Giao dịch tại 22 tỉnh/thành phố.

Với sự kiện này, LienVietPostBank chính thức trở thành NHTMCP có mạng lưới lớn nhất với Chi nhánh đầy đủ ở tất cả 63 tỉnh/thành trên toàn quốc và hơn 10.000 điểm giao dịch trên mạng lưới bưu điện đến tận cấp huyện, xã. Đây cũng là lý do LienVietPostbank có nhu cầu tuyển dụng gấp nhiều nhân sự vùng sâu, vùng xa thời gian tới.

Theo Tiền phong

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến