Dòng sự kiện:
Lo lắng giá hàng hóa `tát nước` theo giá điện
04/12/2017 20:45:55
Giá điện tăng đột ngột, người dân không chỉ "gồng gánh" thêm mức tiền điện tăng thêm hàng tháng mà còn lo lắng các loại hàng hóa sẽ đội giá theo.

Từ ngày 1/12, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh với mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh, tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành.

Người dân hoang mang

Thông báo hôm trước, hôm sau tăng giá điện đã khiến không ít người dân hoang mang. Chị Nguyễn Thị Ly, nhân viên văn phòng tại Thanh Xuân (Hà Nội) ngỡ ngàng: “Tôi có biết gì đâu, sáng nay đến cơ quan thấy mọi người bàn tán xôn xao mới tìm đọc trên báo. Phải thông báo trước 1,2 tháng để người dân đỡ "choáng"”.

Bà Trương Thị Thanh Thúy, giáo viên nghỉ hưu bức xúc: “Nói tăng là tăng ngay được. Chúng tôi là khách hàng thì ít ra họ cũng phải lắng nghe ý kiến của chúng tôi”.

Nhiều gia đình phải đau đầu cân đối lại chi tiêu sau khi tiền điện tăng. Lương của hai vợ chồng chị Dương Thu Hằng (Đống Đa, Hà Nội) chưa đầy 10 triệu đồng/tháng mà phải gồng gánh đủ thứ chi phí như học phí của hai đứa con, tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền xăng xe, tiền điện nước, tiền ma chay cưới hỏi… Cứ một khoản tiền tăng lên thì phải cắt xén khoản khác bù vào.

Chị Nguyễn Thị Thùy Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, khi giá điện tăng 6,08%, tính ra gia đình chị mỗi tháng phải trả thêm từ 200 đến 300 nghìn đồng. “Viện phí, học phí… tăng, giá xăng tăng nay lại thêm tiền điện tăng. Mà tiền lương thì vẫn không thấy nhúc nhích gì, chúng tôi chẳng biết xoay sở thế nào”, chị Linh thở dài.

Sinh viên trọ học là những người chịu tác động lớn nhất khi giá điện tăng. Hiện nay, ở các nhà trọ, các bạn sinh viên phải trả mức giá điện khá cao từ 4.000 đến 4.500 đồng/kWh. Bạn Lê Xuân Phú trọ ở ngõ 420 Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội mỗi tháng phải trả 500.000 đồng tiền điện cho hơn 100 kWh. “Chỉ lo chủ nhà viện cớ này rồi tăng giá điện lên 5.000 hay 5.500 đồng/kWh thì bọn em ăn mỳ tôm cả tháng”, Phú tâm sự.

Nhiều gia đình đau đầu cân đối chi tiêu sau khi điện tăng giá

Giá hàng hóa “tát nước” theo giá điện

“Tại sao lại tăng giá điện vào lúc năm hết Tết đến thế này, mọi mặt hàng sẽ đội giá theo”, anh Nguyễn Văn Hưng sinh sống tại khu tập thể cơ khí, Thanh Xuân (Hà Nội) thắc mắc.

Đồng tình với anh Hưng, chị Nguyễn Thị Thủy (Quốc Oai, Hà Nội) chia sẻ: “Cái tôi sợ nhất không phải là vài chục nghìn tiền điện mà là rau dưa thịt cá cũng tăng theo. Tiền đi chợ sẽ tăng lên gấp nhiều lần”.

Lo lắng của anh Hưng, chị Thủy và nhiều người dân là hoàn toàn có cơ sở. Việc tăng giá điện bất ngờ khiến các doanh nghiệp không kịp trở tay. Giá điện sản xuất đối với cấp điện áp 110KV trở lên trong giờ cao điểm sẽ tăng từ 2.459 lên 2.580 đồng/KWh.

Giá điện kinh doanh với cấp điện áp 22 KV trở lên trong giờ cao điểm sẽ phải trả giá điện 3.957 đồng/KWh; cấp điện áp từ 6 đến dưới 22KV có giá 4.095 đồng/KWh và dưới 6KV có giá 4.267 đồng/KWh.

Điện là đầu vào của sản xuất nên khi tiền điện tăng khiến chi phí sản xuất tăng theo. Để tồn tại, doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán để bù vào khoản tiền điện tăng thêm. Và người tiêu dùng lại phải gánh chịu.

Theo một khảo sát nhỏ của phóng viên An ninh tiền tệ ở các chợ Ngã Tư Sở, chợ Kim Giang (Thanh Xuân), chợ Quỳnh Mai, chợ Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng), chợ Hà Đông (Hà Đông), giá các mặt hàng bắt đầu rục rịch tăng giá chỉ sau 4 ngày tiền điện tăng. Mức tăng khá nhẹ từ 500 đến 1.000 đồng, cá biệt có loại tăng 2.000 đến 3.000 đồng.

Nói về lý do tăng giá thực phẩm, chị Trâm, một tiểu thương bán đồ đông lạnh tại chợ Kim Giang cho hay: "Đồ đông lạnh luôn phải bảo quản trong tủ lạnh nên phụ thuộc nhiều vào giá điện". Còn bà Hà có sạp bán thịt lợn tại chợ Ngã Tư Sở cho biết: "Chị nhập buôn giá cao hơn nên chị cũng phải tăng giá. Giá điện tăng nên cái gì cũng tăng".

Mạnh Long

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến