'Ông lớn' nhà ở thắng lớn năm 2021
Những “vũ điệu” đẹp mắt
Năm 2021 với quá nhiều khó khăn, tưởng chừng sẽ kết thúc trong suy giảm, thua lỗ với các doanh nghiệp phát triển nhà ở. Nhưng không, kết quý IV, nhiều “đại gia” đã “trình làng” những kết quả đẹp như tranh. Tại miền Bắc, Vinhomes (HoSE: VHM) tiếp tục khẳng định mình là doanh nghiệp thành công nhất thị trường nhà ở, là cỗ máy in tiền của tập đoàn Vingroup khi ghi nhận doanh thu thuần và lãi sau thuế cả năm lần lượt đạt 85.094 tỷ đồng và 39.231 tỷ đồng, tăng 19% và 39% so với năm 2020. Đây cũng là năm lãi cao nhất trong lịch sử niêm yết của Vinhomes.
Hà Đô (HoSE: HDG) cũng có quý IV/2021 rất thành công với doanh thu thuần 1.388 tỷ đồng, tăng 19%; lãi sau thuế 604 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận theo quý cao kỷ lục của công ty này. Lũy kế cả năm, HDG có lãi sau thuế 1.333 tỷ đồng, tăng 6%, là mức lãi lớn nhất kể từ thành lập.
Không được rực rỡ như 2 “đại gia” trên, song năm 2021, Văn Phú Invest (HoSE: VPI) cũng rất thành công với doanh thu tăng 21% (đạt 2.622 tỷ đồng), lãi sau thuế tăng 15% (đạt 354 tỷ đồng). Tương tự là Hải Phát Invest (HoSE: HPX) với doanh thu tăng 5% (1.393 tỷ đồng) và lãi sau thuế tăng 12% (328 tỷ đồng). Bé hơn, Everland (HoSE: EVG) có doanh thu tăng 26% (968 tỷ đồng) và lãi sau thuế tăng 26% (24 tỷ đồng); Long Giang Land (HoSE: LGL) có lãi sau thuế tăng 70% (4,6 tỷ đồng)...
Tại miền Nam, doanh nghiệp có thị phần lớn nhất là Novaland (NVL) cũng có một năm kinh doanh “không tệ”: doanh thu tăng gấp 3, đạt 14.903 tỷ đồng, dù lãi sau thuế có giảm 11%, đạt 3.460 tỷ đồng. Không kém cạnh là bao, Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) cũng ghi nhận một năm bứt phá mạnh mẽ với doanh thu 10.083 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần cùng kỳ. Đặc biệt, công ty đã đảo chiều ngoạn mục từ lỗ sang lãi khi ghi nhận mức lãi sau thuế tới 1.595 tỷ đồng. Nam Long (HoSE: NLG) cũng có kết quả kinh doanh ấn tượng với doanh thu thuần và lãi sau thuế tăng lần lượt 2,3 lần và 1,7 lần, đạt 5.206 tỷ đồng và 1.478 tỷ đồng.
Trong nhóm “ăn nên làm ra” tại miền Nam năm 2021, không thể không nhắc đến Phát Đạt (HoSE: PDR). Tính riêng quý IV, PDR đã ghi nhận lãi sau thuế 751 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ, là kết quả kinh doanh cao nhất trong một quý mà công ty đạt được kể từ khi thành lập. Luỹ kế cả năm 2021, dù doanh thu thuần giảm 7%, đạt 3.620 tỷ đồng, song lãi sau thuế lại tăng gấp đôi, đạt 1.861 tỷ đồng. Khải Hoàn Land (HoSE: KHG) cũng có doanh thu và lãi sau thuế tăng trưởng ấn tượng với mức tăng xấp xỉ 4 lần, lần lượt đạt 1.288 tỷ đồng và 413 tỷ đồng, cao nhất trong 4 năm qua. Bé hơn, LDG Group (HoSE: LDG) cũng có mức tăng lãi sau thuế ấn tượng, gấp gần 11 lần, đạt 140 tỷ đồng.
Nhóm doanh nghiệp có cổ phiếu từng tăng phi mã năm 2021 như CEO Group (HoSE: CEO), DIC Corp (HoSE: DIG) cũng được hưởng quả ngọt cuối mùa: CEO lãi sau thuế cả năm 82 tỷ đồng, vượt trội so với khoản lỗ 103 tỷ đồng năm trước; DIG lãi sau thuế 952 tỷ đồng, tăng 48%.
Cùng được hưởng niềm vui có lãi, dù không lớn, thậm chí suy giảm so với năm trước là các đơn vị: DRH Holdings (HoSE: DRH) giảm 72%; Bất động sản An Gia (HoSE: AGG) giảm 5%; Phát triển Đô thị Từ Liêm (HoSE: NTL) giảm 19%; Địa ốc Sài Gòn (HoSE: SGR) giảm 55%…
Tất nhiên, thị trường luôn tồn tại những cái tên thua lỗ. Năm qua, đơn vị thua lỗ bất ngờ nhất là Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) với khoản lỗ sau thuế 7.552 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Vingroup biết đến mùi thua lỗ. Một doanh nghiệp đáng chú ý khác trên thị trường năm qua cũng chịu cảnh thua lỗ là Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (HoSE: CII) với mức lỗ 246 tỷ đồng.
Dòng tiền “ông lớn” có gì hay?
Cùng với kết quả kinh doanh ấn tượng, một điểm sáng khác của nhiều “ông lớn” địa ốc là dòng tiền kinh doanh dương. Năm 2021, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này tạo tiền rất tốt, có thể kể đến: VHM (13.278 tỷ đồng), NVL (3.841 tỷ đồng), AGG (2.340 tỷ đồng), HDG (2.003 tỷ đồng), DXG (1.244 tỷ đồng), SCR (917 tỷ đồng), NTL (260 tỷ đồng), PDR (144 tỷ đồng), LGL (105 tỷ đồng), NLG (86 tỷ đồng), VPI (57 tỷ đồng)...
Việc hoạt động kinh doanh mang lại tiền tươi đã giúp sức đưa tổng lượng tiền và tương đương tiền cuối kỳ của các doanh nghiệp đạt trạng thái tăng trưởng so với đầu kỳ. Các doanh nghiệp có mức tăng tốt bao gồm: NVL (tăng 49%, đạt 17.249 tỷ đồng), NLG (tăng 3 lần, đạt 3.111 tỷ đồng), DXG (tăng 54%, đạt 2.737 tỷ đồng), DIG (tăng 2,5 lần, đạt 1.000 tỷ đồng), KHG (tăng 3,5 lần, đạt 564 tỷ đồng), PDR (tăng 9 lần, đạt 494 tỷ đồng)...
Một số đơn vị khác tuy hứng chịu sự suy giảm song quy mô tiền và tương đương tiền vẫn ở mức lớn đến rất lớn, có thể kể đến là: VIC (giảm 33%, đạt 19.653 tỷ đồng), VHM (giảm 65%, đạt 4.823 tỷ đồng), KDH (giảm 25%, đạt 1.365 tỷ đồng)...
Bên cạnh các doanh nghiệp có dòng tiền kinh doanh dương, thị trường vẫn còn không ít doanh nghiệp rơi vào trạng thái âm. Đáng kể trong số này là: VIC (âm 8.596 tỷ đồng), HPX (âm 2.832 tỷ đồng), KHG (âm 2.491 tỷ đồng), LDG (âm 956 tỷ đồng), NBB (âm 846 tỷ đồng), DIG (âm 798 tỷ đồng), EVG (âm 646 tỷ đồng), KOS (âm 295 tỷ đồng), CEO (âm 155 tỷ đồng), DRH (âm 35 tỷ đồng)...
Nhiều doanh nghiệp trong số này, vì âm dòng tiền kinh doanh, đã buộc phải tăng vay mượn để có tiền hoạt động, dẫn đến số nợ vay tăng vọt. Các doanh nghiệp có nợ vay tăng mạnh nhất có thể kể đến gồm: DIG (nợ vay tăng gấp 3, lên 4.906 tỷ đồng), NBB (nợ vay tăng 2,3 lần, lên 1.189 tỷ đồng), HPX (nợ vay tăng gấp 1,9 lần, lên 4.692 tỷ đồng), LDG (nợ vay tăng gấp đôi, lên 1.270 tỷ đồng)...
Tương lai của ai?
Năm 2022, thị trường nhà ở được kỳ vọng sẽ có một số yếu tố hỗ trợ tích cực đến từ sự hồi phục của nền kinh tế và các vướng mắc pháp lý được tháo gỡ. Song nguồn cung được cho là vẫn không quá dồi dào. Bởi vậy, trữ lượng tồn kho của các doanh nghiệp ở một khía cạnh nào đó lại được nhìn nhận là điểm cộng, tất nhiên với điều kiện doanh nghiệp dồi dào tiền và không quá nặng gánh nợ vay. Để có thể dự phóng về tương lai, chỉ số rõ ràng nhất vẫn là khoản “người mua trả tiền trước ngắn hạn” (thông thường là khoản khách hàng đặt tiền mua căn hộ, nhà ở).
Xét ở khía cạnh này, một số doanh nghiệp có khoản “người mua trả tiền trước” khá lớn và tăng mạnh trong năm 2021, điển hình là: NVL (tăng gấp đôi, đạt 8.306 tỷ đồng), NLG (tăng 15%, đạt 2.423 tỷ đồng), AGG (tăng 30%, đạt 3.335 tỷ đồng), PDR (tăng gấp 2,7 lần, đạt 1.691 tỷ đồng), SCR (tăng 54%, đạt 1.355 tỷ đồng), NTL (tăng gấp 4, đạt 225 tỷ đồng), DRH (tăng gấp 2,5 lần, đạt 1.013 tỷ đồng)...
Một số doanh nghiệp khác bị suy giảm, song giá trị tuyệt đối vẫn rất lớn, là: VIC (giảm 40%, còn 22.352 tỷ đồng), VHM (giảm 67%, còn 8.916 tỷ đồng), DXG (giảm 25%, còn 2.187 tỷ đồng), DIG (giảm 13%, còn 1.741 tỷ đồng)...; nhỏ hơn là: VPI (giảm 36% còn 623 tỷ đồng), KDH (giảm 93%, còn 156 tỷ đồng)...
Tác giả: Trịnh Thu
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy