BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận đạt con số 12.600 tỷ đồng năm 2020.
Nguồn thu từ bán lẻ tăng
Kết thúc năm tài chính 2019, không ít nhà băng tăng trưởng lợi nhuận đáng kể. Vietcombank lãi gần 1 tỷ USD năm 2019, cao hơn 16% kế hoạch.
Tín dụng của ngân hàng này đạt 735.446 tỷ đồng tính đến hết năm qua, tăng 16% so với năm trước (riêng tín dụng bán lẻ tăng 32%), nhưng nợ xấu chỉ ở mức 0,77%.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank - ông Nghiêm Xuân Thành, trong tổng lợi nhuận thu về của năm 2019, bán thẻ đóng góp đến 40% vào tổng lợi nhuận.
Đó cũng chính là lý do để Ngân hàng đặt kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận 15% năm nay.
Đồng thời, đến 2025, mục tiêu lợi nhuận Vietcombank dự kiến đạt 2 tỷ USD, trong đó lợi nhuận từ bán lẻ đóng góp vào tổng lợi nhuận dự kiến là 1 tỷ USD.
Trong năm 2020, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản, huy động vốn từ nền kinh tế tăng 12%, tín dụng tăng 14%, cụ thể phụ thuộc vào chỉ tiêu tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), duy trì nợ xấu dưới 0,8%.
Vietcombank cho biết, phát triển tín dụng cho vay theo chương trình, hạn chế cho vay lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, khách hàng có NIM (lãi cận biên) thấp, chú trọng tín dụng bán buôn ngắn hạn thông qua sử dụng hiệu quả các gói lãi suất, phí, tăng tỷ trọng tín dụng có tài sản đảm bảo, tín dụng gắn với điều kiện thương mại trên tổng tín dụng.
Tương tự, VietinBank lên kế hoạch tăng trưởng tăng trưởng tín dụng từ 8-10% trong năm 2020 và tăng trưởng lợi nhuận từ 10% trở lên với việc đẩy mạnh tỷ trọng thu nhập từ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và bán lẻ.
Lợi nhuận riêng lẻ năm 2019 của VietinBank đạt gần 11.500 tỷ đồng, tăng trên 26% so với kế hoạch, tăng 83% so với năm 2018. Tỷ lệ NIM của VietinBank đã tăng từ 2,6% trong năm 2018 lên 2,9% trong năm 2019.
Còn thu nhập từ lãi ước tăng 13,6%, tỷ lệ thu ngoài lãi chiếm 22% tổng doanh thu hoạt động, thu nhập từ SME và bán lẻ tăng từ 49,9% lên trên 54%.
Tỷ lệ nợ xấu được VietinBank kiểm soát ở mức dưới 1,2%, giảm đáng kể so với cuối năm 2018 (1,59%).
Đáng chú ý, ngân hàng này cũng đã tăng trích lập dự phòng. Tính đến cuối năm 2019, VietinBank đã trích lập trên 54% giá trị trái phiếu VAMC.
BIDV cũng đặt mục tiêu lợi nhuận đạt con số 12.600 tỷ đồng năm 2020. Kết thúc năm 2019, tổng tài sản của BIDV đạt 1.458.740 tỷ đồng, lớn nhất Việt Nam, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 10.768 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch đề ra…
Dư nợ tín dụng của BIDV năm qua đạt 1.098.912 tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm 2018, chiếm 13,4% thị phần tín dụng toàn ngành.
Trong đó, riêng dư nợ tín dụng bán lẻ tăng trưởng 21,5%, quy mô đến cuối năm 2019 đạt 374.526 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 34,1% tổng dư nợ, tiếp tục dẫn đầu thị trường về quy mô tín dụng bán lẻ..., đóng góp tỷ trọng nguồn thu và lợi nhuận đáng kể trong tổng lợi nhuận của ngân hàng này.
Áp lực sinh lời của đồng vốn
Năm 2020 vốn điều lệ mới của BIDV lên 40.220 tỷ đồng nhờ khoản bán vốn chiến lược và lợi nhuận để lại, cao nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Câu chuyện với BIDV là duy trì các tỷ lệ sinh lời trên nền vốn điều lệ mới.
Đây đều là bài toán khó khả thi với các trường hợp bán vốn ngoại trước đây khi vốn điều lệ và vốn tự có tăng nhanh, khiến các tỷ lệ sinh lời như ROA, ROE đều giảm năm kế tiếp.
Thực tế, không chỉ với các ngân hàng lớn tăng vốn mạnh có áp lực sinh lời cho đồng vốn tăng thêm, mà ngay cả những nhà băng nhỏ cũng không tránh được điều này.
Bản thân VietBank năm 2019 hoàn tất kế hoạch tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ mới lên mức hơn 4.256 tỷ đồng, thông qua phát hành gần 91 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và hơn 9,7 triệu cổ phiếu ESOP theo chương trình lựa chọn cho người lao động.
Do đó, chỉ tiêu kinh doanh và nhất là lợi nhuận đưa ra cho năm 2020 phải tăng tối thiểu 40% so với 2019, nên cũng được xem là không ít áp lực đối với ngân hàng này.
Trách nhiệm đầy thách thức của Ban điều hành cùng toàn thể nhân viên VietBank là hoạt động của Ngân hàng phải tạo ra sự phát triển mạnh mẽ, nhưng an toàn, hiệu quả sinh lời trên đồng vốn phải trang trải các chi phí, trả lương thưởng cho người lao động và đáp ứng giá trị thặng dư kỳ vọng của các cổ đông.
Vốn tăng đồng nghĩa với việc nhà băng có thêm một khoản vốn mới để kinh doanh với chi phí 0 đồng, nhưng tăng nhanh thì áp lực của ban điều hành sẽ tăng tương ứng như đã đề cập phía trên.
Câu chuyện này không chỉ xảy ra ở năm qua, mà còn lấn sang năm nay khi kế hoạch 2020, không ít ngân hàng tăng vốn điều lệ lên mức cao.
NHNN vừa chấp thuận việc tăng vốn điều lệ cho LienVietPostBank từ gần 8.882 tỷ đồng lên gần 9.770 tỷ đồng theo phương án được thông qua tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019.
Tương tự, Nam A Bank, VietABank đều được NHNN chấp thuận tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng.
Hiện câu lạc bộ lợi nhuận nghìn tỷ đồng không còn xa lạ khi năm qua, nhiều nhà băng quy mô vừa và nhỏ cũng như một số ngân hàng đang giai đoạn tái cấu trúc đạt nghìn tỷ đồng lợi nhuận như Nam ABank đạt gần 1.000 tỷ đồng trước thuế; Sacombank đạt 3.200 tỷ đồng trước thuế; Eximbank đạt trên 1.000 tỷ đồng...
Kiểm soát nợ xấu là bài toán cốt lõi
Trong một môi trường kinh doanh giống nhau, ít ngân hàng có lợi thế vượt trội nhờ nguồn vốn giá rẻ huy động được, nhờ kinh doanh ngoại tệ chiếm thị phần cao, hay kinh doanh thẻ tốt…, thì các yếu tố còn lại không quá khác.
Thực tế cho thấy, chênh lệch thu chi, một chỉ số quan trọng của các ông chủ nhà băng, ở các ngân hàng quy mô tương đương thường không lệch nhau nhiều.
Nhưng từ chênh lệch thu chi để đến con số lợi nhuận lại là một quãng đường, số trích lập dự phòng rủi ro lớn sẽ khiến lợi nhuận nhà băng đó bé đi và ngược lại.
Đây là lý do khiến cho báo cáo lợi nhuận khá khác nhau giữa khối ngân hàng nhà nước chi phối và khối các ngân hàng cổ phần tư nhân cùng quy mô.
Mục tiêu lợi nhuận 2020 được các nhà băng kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng so với 2019, cho dù tăng trưởng tín dụng của ngành tiếp tục được khống chế ở mức không quá 14%.
Một lý do ít được nhắc tới, đó là nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch giảm lượng trích lập dự phòng nhờ quá trình xử lý nợ xấu được thực hiện khá triệt để trước đây, tăng cường thu hồi nợ khó đòi và kiểm soát nợ xấu mới.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng mong muốn được nhận room tín dụng cao vì đã áp chuẩn Basel II, tín dụng dù bán buôn hay bán lẻ vẫn là kênh tạo ra lợi nhuận lớn nhất với các ngân hàng, mảng thu phí dịch vụ (chuyển tiền, ngoại tệ, bảo lãnh,…) dù đang tăng nhanh, nhưng chắc chắn sẽ chưa thể vượt mảng lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất. Mảng phí dịch vụ chỉ có thể vượt lên khi tỷ lệ tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân tăng hơn, dịch vụ bán lẻ (kể cả phí bảo hiểm) mới là khoản phí bền vững nhất.
Thực tế, Vietcombank, HDBank, ACB… đều mong muốn có mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn 2019. Thậm chí, có ngân hàng không ngần ngại đề xuất mức tăng vượt room cho phép.
Tại HDBank, ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của HDBank đạt 220.000 tỷ đồng.
Dư nợ tăng 140.000 tỷ đồng (tương đương tăng trưởng mức 14% Ngân hàng phân bổ); lợi nhuận trước thuế đạt 5.100 tỷ đồng; ROE bình quân đạt 21%; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát 0,97%.
Năm qua, HDBank đã đẩy mạnh tín dụng xanh và kết quả đến cuối năm, dư nợ ròng ở lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghiệp công nghệ cao đạt 10.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo HDBank kiến nghị, NHNN xem xét cho tăng trưởng tín dụng ở mức cao và phù hợp trong năm 2020 do đã hoàn thiện việc áp chuẩn Basel II.
Còn theo lãnh đạo Vietcombank, là 1 trong 2 ngân hàng đầu tiên đạt chuẩn Basel II, Vietcombank có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống và thường xuyên đi đầu về hạ lãi suất cho vay.
Vì vậy, lãnh đạo Vietcombank đề nghị NHNN cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho Ngân hàng năm 2020 cao hơn mức bình quân của ngành (tức cao hơn 14%) để có thể khai thác hết tiềm năng, hỗ trợ nền kinh tế và vươn tầm Ngân hàng ra khu vực và thế giới.
Với giới phân tích, Công ty Chứng khoán MB (MBS), Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) và Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) đều đưa ra dự báo khá giống nhau về ngành ngân hàng năm 2020 theo hướng tăng trưởng vẫn tích cực, dù quy định pháp lý chặt chẽ hơn.
Đồng thời, bức tranh vĩ mô đang rất ổn định để giúp ngân hàng Việt Nam tăng trưởng thu nhập từ lãi, cũng như từ phí và duy trì chất lượng tài sản để không phải tăng trích lập dự phòng.
Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì khả năng tăng trưởng tín dụng cả ngành ở mức 13-14%, những ngân hàng đầu ngành khoảng 15- 6%.
Đặc biệt, khả năng sinh lời của các ngân hàng được cải thiện nhờ chi phí ngoài lãi, nhất là phí từ bán bảo hiểm tăng lên, giúp các ngân hàng cải thiện được ROA lên 1,8-2%; nhờ đòn bẩy tài chính hợp lý ở mức 10-12 lần, khả năng sinh lời ROE ở mức rất tốt từ 18-20%.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy