Dòng sự kiện:
Lợi nhuận của ngân hàng tăng: Bóc tách số liệu thì...
28/07/2020 12:23:57
TS Nguyễn Trí Hiếu tin rằng trong lợi nhuận của ngân hàng có một phần lợi nhuận ảo nhờ việc ngân hàng được cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020.

Vì sao có lãi?

Khác với nhận định trước đó, báo cáo tài chính quý II/2020 cho thấy bức tranh khá tươi sáng của hệ thống ngân hàng khi nhiều ngân hàng báo lãi cao, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19.

Thống kê chung của FiinGroup cho thấy có nhiều ngân hàng đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ở mức cao trong quý II, bao gồm VIB (41%), HDBank (39,7%), Vietinbank (38,9%), TPBank (30,4%) và VPBank (20,6%).

“Các ngân hàng này hầu hết đều là các ngân hàng có mảng kinh doanh tín dụng bán lẻ hoặc tín dụng tiêu dùng khá lớn trong cơ cấu dư nợ tín dụng. Riêng TPBank thì gần đây nổi lên là “ngôi sao” trong việc phát hành và kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp”, báo cáo lý giải.

Trao đổi với Đất Việt, chuyên gia tài chính - ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, thông thường, những báo cáo giữa kỳ là báo cáo không có kiểm toán độc lập nên độ tin cậy rất giới hạn. Bên cạnh đó, Thông tư 01/2020 của NHNN cho phép các ngân hàng được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ nếu các khách hàng không trả được nợ gốc đúng hạn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vì thế, ngân hàng không phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều như khi họ chuyển nhóm nợ, từ đó giúp chi phí giảm đi rất nhiều, bởi một trong những chi phí lớn của ngân hàng hiện nay chính là chi phí dự phòng nợ xấu.

"Nếu các ngân hàng phải chuyển nhóm nợ, phải trích lập dự phòng rủi ro theo nhóm nợ thì chi phí tăng lên và lợi nhuận có thể phải giảm xuống. Còn với động thái giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng, trong lợi nhuận của ngân hàng có một phần lợi nhuận ảo, và nó đẩy lợi nhuận lên.

Chúng ta chỉ nên xem lợi nhuận giữa kỳ của các ngân hàng một cách tương đối mà thôi. Từ nay đến cuối năm, nếu các ngân hàng điều chỉnh lại các nhóm nợ đúng theo  thời hạn trả nợ của khách hàng thì bức tranh về lợi nhuận ngân hàng có thể sẽ chính xác hơn, còn nếu tiếp tục giữ nguyên nhóm nợ thì không chỉ kết quả kinh doanh giữa kỳ không thực chất mà cả năm cũng như vậy", TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Báo cáo tài chính quý II/2020, nhiều ngân hàng báo lãi cao bất chấp tác động của đại dịch Covid-19

Từ đây, vị chuyên gia tài chính - ngân hàng ghi nhận Thông tư 01/2020 là nỗ lực của NHNN nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và cả nền kinh tế, bởi một khi doanh nghiệp phải chuyển nhóm nợ rồi sẽ rất khó vay thêm, và muốn vay thêm thì phải chịu lãi suất cao.

Tuy nhiên, việc yêu cầu ngân hàng cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ lại có một tác động ngược: có khả năng che giấu nợ xấu, tạo điều kiện để lợi nhuận của ngân hàng không đúng với thực tế, thổi phồng lợi nhuận của ngân hàng.

"Nếu các ngân hàng cẩn thận thì ngoài sổ cái thì nên có một sổ phụ, trong đó ghi nhận tất cả những món nợ quá hạn hoặc nợ xấu một cách đúng thực tế nhất, và ngân hàng cần phải theo dõi nợ xấu cũng như thu hồi nợ theo sổ phụ đó.

Trường hợp ngân hàng chỉ theo sổ cái, trong khi sổ cái đã phần nào che giấu nợ xấu thì ngân hàng có thể đưa mình vào sự chủ  quan, tạo ra rủi ro cho chính mình", TS Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo.

Một điểm khác được vị chuyên gia chỉ ra, đó là nếu ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp dưới hình thức giảm lãi suất thì nó sẽ tạo ra chi phí mà không đóng góp vào lợi nhuận của ngân hàng, thậm chí còn khiến lợi nhuận của ngân hàng sụt giảm. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng và lợi nhuận có thể đến từ mảng này.

Đáng nói là, cho vay tiêu dùng lại là một mảng rất rủi ro, nhất là khi nhiều người lao động giảm thu nhập, mất công ăn việc làm vì tác động của đại dịch Covid-19. Bởi vậy, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng phải hết sức cẩn trọng khi lợi nhuận của ngân hàng đến  từ mảng tín dụng cá nhân, tín dụng tiêu dùng

Khuyến cáo phù hợp

Ứng xử với các vấn đề nêu trên, TS Nguyễn Trí Hiếu lưu ý các ngân hàng phải cẩn trọng hơn trong việc cho vay. NHNN đã khuyến cáo các ngân hàng không nên cho vay dưới chuẩn, và theo ông, đó là một khuyến cáo phù hợp. 

Tại thời điểm này, nền kinh tế Việt Nam ngày càng bị tác động bởi dịch bệnh, các biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa một phần nền kinh tế trước đó đã tác động đến sức khỏe của doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài bị hủy, ngoại thương của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề.

Trước tình hình đó, trước hết ngân hàng phải theo dõi món nợ của mình để không rơi vào tình trạng chủ quan. Bởi cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng nên rất có thể đơn vị theo dõi, quản lý nợ xấu không nhận định được chính xác mức độ rủi ro trong ngân hàng mình.

Bên cạnh đó, việc cho vay vào thời điểm này rất nhạy cảm. Một mặt doanh nghiệp cần được hỗ trợ, song mặt khác cho vay lúc này khiến độ rủi ro tăng cao vì một phần nền kinh tế đã đóng cửa thời gian trước và hiện một số ngành nghề, lĩnh vực vẫn đang chịu tác động nặng nề. Do đó, ngân hàng phải cẩn trọng khi cho doanh nghiệp vay tiền. Riêng cho vay tiêu dùng, cho vay cá nhân, ngân hàng càng phải cẩn trọng hơn bởi rủi ro lớn, khả năng trả nợ của người vay trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 bị suy yếu.

"Rõ ràng, ngành ngân hàng đang đứng ở ngã ba đường, một mặt phải hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người dân thỏa mãn nhu cầu tài chính, mặt khác lại rơi vào tình trạng rủi ro cao hơn trước. Làm sao đi trên dây trong một tình hình bất lợi là điều rất khó khăn đối với các ngân hàng", TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến