Lương tăng, nhưng không vui
04/09/2015 17:38:31
ANTT.VN – Thế là, sau 3 phiên thỏa luận đầy căng thẳng, cam go giữa một bên là đại diện người lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam- Tổng LĐLĐVN) và một bên là chủ sử dụng lao động (Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam – VCCI), lương tối thiểu của người lao động từ 1/1/2016 sẽ được nhích thêm 250.000 – 400.000 đồng/người/tháng (tương đương tăng 12,4% so với hiện nay).

Tin liên quan

Ảnh minh họa

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN – ông Mai Đức Chính không hài lòng với kết quả này, vì giữa con số 16,8% như ông kỳ vọng với con số 12,4% đạt được còn là một khoảng cách xa. Tuy nhiên ông nói: “Chúng tôi nghĩ người lao động cũng sẽ tạm chấp nhận”.
Người lao động chắc cũng phải “tạm chấp nhận” thôi, nhưng hẳn là họ không vui.
Không vui vì thế là cái “bánh vẽ” lương tối thiểu đảm bảo cuộc sống tối thiểu  lại bị giãn lộ trình đến một năm nào đó hơi xa phía trước.
Còn nhớ năm 2012, PGS.TS Lê Bạch Mai – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã gây sốc dư luận khi cho rằng dinh dưỡng bữa ăn của người lao động không đảm bảo khiến họ rơi vào tình trạng “như ăn thịt mình”.
Là vì, qua khảo sát chất lượng bữa ăn công nhân Của Viện Dinh dưỡng năm đó, kết quả cho thấy: chỉ có 12% chất đạm và 16% chất béo. “Khi năng lượng khẩu phần ăn không đủ thì (cơ thể) phải sử dụng nguồn năng lượng dự trữ của mình. Khi đó khối cơ của người lao động bị bào mòn, bị lấy đi hằng ngày… và họ rơi vào thực trạng “như ăn thịt mình” – bà Mai nói.
Họ cũng không vui vì những bản tổng kết cuối năm của doanh nghiệp rặt những mỹ từ “tăng vọt”, “phát triển”, “đảm bảo”, “cải thiện”… hóa ra là không có thật.
Mới đây, chiều 1/9, tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ, Chính phủ cũng đã tổng kết: “tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực”: công nghiệp tăng 9,9%, xuất khẩu tăng 9%, tổng mức bán lẻ và dịch vụ tăng hơn 10%...
Thế nhưng cứ động đến tăng lương cho người lao động là doanh nghiệp lại than khó, lại kêu lỗ, chi phí đội lên khiến doanh nghiệp “không chịu nổi”.
Trong khi đó, doanh nghiệp cứ luôn đòi hỏi người lao động phải cải thiện chất lượng, tăng năng suất lao động. Nói theo cách của ông Mai Đức Chính thì: mức sống tối thiểu còn không đảm bảo, nói gì đến năng suất lao động. Còn người lao động thì đành tự chua chát mà nghĩ rằng năng suất lao động đang bị sử dụng như con tin và câu chuyện tăng năng suất lao động trước hay tăng lương trước lại giống như câu chuyện muôn thuở kiểu con gà – quả trứng mà thôi (!)
Nhưng trên hết, người lao động không vui vì mỗi lần có thông tin chuẩn bị tăng lương thì giá cả thị trường đã nhanh chân tăng trước. Lương và giá cả luôn được đặt trong một cuộc chạy đua marathon mà cuối cùng kiểu gì giá cả cũng thắng.
Thế nên, cuối cùng, cái người lao động cần hơn cả là một thị trường được bình ổn hiệu quả. Chứ không phải mỗi lần xăng tăng, điện nước, giá vàng tăng… thì từ mớ rau đến con cá cũng tăng theo mà khi những nguyên liệu đầu vào này giảm, giá cả vẫn đứng yên không nhúc nhích.
Đơn cử, cứ mỗi lần giá xăng dầu giảm, các doanh nghiệp vận tải thường rất trì trệ trong việc cập nhật giá nguyên liệu của thị trường để giảm giá cước cho người dân, buộc Bộ Tài chính phải ra văn bản yêu cầu doanh nghiệp công khai giá cước vận tải và thậm chí còn dọa bêu tên lên các phương tiện truyền thông đối với những doanh nghiệp trốn tránh nghĩa vụ này.
Như thế, thử hỏi người lao động làm sao mà vui cho được?
HÀN.
           
 
 
 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến