Dòng sự kiện:
Lý giải nguyên nhân đề xuất cải tiến bảng chữ cái Tiếng Việt nổi sóng dư luận
29/11/2017 10:35:12
PGS.TS. Phạm Văn Tình, Tổng thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam lý giải nguyên nhân đề xuất cải tiến bảng chữ cái Tiếng Việt gây ồn ào dư luận suốt nhiều ngày qua.

Suốt nhiều ngày qua, đề xuất cải tiến bảng chữ cái Tiếng Việt của PGS.TS. Bùi Hiền chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Dư luận vẫn dậy sóng với nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Mới đây, trên trang cá nhân, PGS.TS. Phạm Văn Tình, Tổng thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam chia sẻ: “Điều gì đã làm nên sự phản ứng mạnh mẽ (có phần quá mức cần thiết) của mọi người (nhất là cộng đồng mạng) như vậy? Phải chăng bây giờ mới có ý tưởng thay đổi bộ chữ mang “quốc hồn quốc túy” của dân tộc Việt? Phải chăng ý tưởng cải tiến của PGS.TS. Bùi Hiền là “vớ vẩn, vô nghĩa” thậm chí “điên rồ”? Và nếu cải tiến theo cách viết như sự giới thiệu của PGS.TS. Bùi Hiền thì tiếng Việt, chữ Việt sẽ đi về đâu?”.

PGS.TS. Phạm Văn Tình

Đi tìm lời giải cho những câu hỏi ấy, PGS.TS. Phạm Văn Tình đã truy ngược dòng lịch sử từ thời điểm chữ Quốc ngữ ra đời cách đây 4 thế kỷ. Ông lấy mốc cuốn từ điển Việt – Bồ - La được xuất bản tại Roma (Ý) năm 1651.

Tên gọi chữ Quốc ngữ được dùng lần đầu tiên vào năm 1867 trên tờ Gia Định báo (tờ báo viết bằng chữ Việt mới xuất hiện lần đầu tiên tại Sài Gòn). Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam chỉ ra những ưu thế của chữ Quốc ngữ: “Do đây là lối viết chữ ghi âm (nói thế nào viết thế ấy) dùng hệ chữ Latin để thể hiện. Đó là lối chữ giản tiện, dễ học, dễ đọc, dễ nhớ (chứ học chữ Hán và đặc biệt chữ Nôm thì vô cùng nhiêu khê, phiền phức)”.

Chính nhờ điều đó mà chữ Quốc ngữ phát triển mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân. Số lượng tác phẩm văn thơ tăng chóng mặt, các tờ báo, cơ quan xuất bản mở rộng không ngừng. Ông khẳng định sứ mệnh lịch sử của chữ Quốc ngữ là không thể phủ nhận.

Ông cũng chỉ ra những điểm bất hợp lý của chữ Quốc ngữ để đưa đến hàng loạt những ý tưởng cải tiến của Le Grand de la Liray (1868), Aymonier (1886), Phó Đức Thành (1919), Nguyễn Văn Vĩnh (1928), Dương Tự Nguyên (1932), Nguyễn Triệu Luật (1939), Ngô Quang Châu (1946), Trần Văn Được (1949), Nguyễn Bạt Tụy (1950)…

Song đề xuất cũng chỉ dừng lại ở đề xuất bởi vì "cải tiến chữ viết là công việc không thể tùy tiện. Các nhà ngôn ngữ học phải làm việc cẩn thận và phải có những nguyên tắc hợp lí. Đó là phải dựa trên cơ sở ngữ âm học (đã được khảo sát thực tế bằng tri thức ngôn ngữ học hiện đại). Phải xem xét cải tiến từng bước, dựa trên cơ sở chữ Quốc ngữ đã hình thành và phát triển bao năm qua, chọn giữ lại những nhân tố hợp lí và loại bỏ những nhân tố bất hợp lí. Mọi phương án đều phải rõ ràng và khả thi", ông Phạm Văn Tình nhấn mạnh.

PGS.TS. Bùi Hiền và đề xuất cải tiến bảng chữ cái Tiếng Việt gây tranh cãi

Tổng Thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam đã so sánh bản Dự thảo Phương án cải tiến chữ Quốc ngữ bước đầu (vào năm 1960-1961) của GS. Hoàng Phê (được cho là nổi bật nhất trong thời kỳ đó) với đề xuất mới đây của PGS.TS. Bùi Hiền. Mặc dù đề án của PGS.TS. Bùi Hiền chưa hoàn thiện nhưng rõ ràng nó phức tạp hơn nhiều so với Dự thảo của GS. Hoàng Phê.

Từ đó ông kết luận nếu đưa đề xuất này vào sử dụng thì hàng loạt văn bản mới ra đời biến những văn bản cũ trở thành văn bản cổ, sẽ phải thay thế toàn bộ sách giáo khoa. Học sinh sẽ phải học lại bảng chữ cái. Việc làm quen với mã ký hiệu cũ sẽ rất khó khăn.

Chuyên gia ngôn ngữ học này khẳng định: “Với ngôn ngữ, chữ viết của cả một cộng đồng (dù lớn hay nhỏ), khi đã định hình thì mọi sự thay đổi đều là chuyện đại sự, sẽ nan giải nhiều bề. Điều quan trọng là phải tính tới tính khả thi của nó. Chúng ta từng biết, tiếng Nga, tiếng Pháp và nhất là tiếng Anh cũng đã bộc lộ nhiều bất hợp lí giữa chính âm và chính tả. Người Nga, người Pháp, người Anh cũng đã đi trước chúng ta về việc cải cách chữ viết nhưng đều thất bại. Nói như thế để nhấn mạnh một điều, phương án cải tiến chữ Quốc ngữ của chúng ta khi đưa ra cần phải cân nhắc tới nhiều nhân tố, nếu không, vô hình trung chúng ta tự đưa mình vào một “mê hồn trận”, làm đảo lộn nhiều vấn đề liên quan tới chữ viết, ngôn ngữ và văn hóa của cả dân tộc”.

Được biết, PGS.TS. Phạm Văn Tình chính là người biên tập và đồng ý cho in bài nghiên cứu về đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS.TS. Bùi Hiền trong cuốn kỷ yếu hội thảo “Ngôn ngữ ở Việt Nam: Hội nhập và Phát triển” (do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Trường ĐH Quy Nhơn tổ chức).

Xem thêm: 

Tổng Thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam: 'Khoan vội… 'ném đá' đề xuất Tiếq Việt'

Mạnh Long

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến