Dòng sự kiện:
'Made in Vietnam': Sao lại nói chưa có quy định?
29/06/2019 05:21:32
Trước nghi vấn Asanzo có dấu hiệu lừa dối khách hàng vì đã nhập linh kiện từ Trung Quốc về lắp ráp đơn giản rồi dán nhãn 'Made in Vietnam', câu hỏi thế nào là một sản phẩm được làm tại Việt Nam lại nổi lên.

Câu hỏi này không chỉ để giải quyết vụ việc Asanzo mà còn áp dụng trong nhiều trường hợp khác bởi chính các cơ quan quản lý cũng thừa nhận có trường hợp hàng hóa được sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại gắn mác là hàng “Made in Viet Nam” để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng.

Cơ quan quản lý cũng thừa nhận có trường hợp hàng hóa được sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại gắn mác là hàng “Made in Viet Nam” để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng.

Đáng tiếc cũng chính một số vị đại diện cơ quan quản lý lại khẳng định hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Nói như thế là chưa tính đến đặc tính tham chiếu của các văn bản pháp luật.

Nghị định 43/2017 về nhãn hàng hóa nói rất rõ ràng: một trong những nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa là “xuất xứ hàng hóa”. Sau đó Nghị định quy định: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết”. Như vậy, luật pháp Việt Nam cũng như nhiều nước khác, chỉ hậu kiểm chứ không tiền kiểm đối với việc ghi xuất xứ và việc hậu kiểm sau khi để nơi sản xuất, nhập khẩu tự xác định là dựa vào “các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa”.

Nghị định 31/2018 chính là quy định của pháp luật gần đây nhất về xuất xứ hàng hóa. Nghị định này định nghĩa xuất xứ hàng hóa “là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó”.

Thế nào là “công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng” cũng được Nghị định quy định rõ bằng tiêu chí xuất xứ thuộc Danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng do Bộ Công Thương ban hành. Đến lượt Bộ Công Thương cũng đã có Thông tư 05/2018 kèm theo là Danh mục Quy tắc cụ thể này với hàng ngàn mặt hàng, ghi rõ cái nào áp dụng tiêu chí “chuyển đổi mã số hàng hóa” (tức công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng có làm thay đổi mã số thuế của hàng hóa hay không), cái nào áp dụng tiêu chí “tỷ lệ phần trăm giá trị” (tức hàm lượng giá trị tạo ra tại nước có xuất xứ) hay cả hai. Nói cách khác, hệ thống pháp luật của chúng ta đã có sẵn, vấn đề là các cơ quan quản lý có sử dụng để quản lý hay không mà thôi.

Ở đây chỉ có một lấn cấn nhỏ là hai văn bản Nghị định 31 và Thông tư 05 áp dụng cho xuất xứ hàng hóa đối với hàng nhập khẩu và hàng xuất khẩu, tức mục đích nhằm phục vụ ngoại thương. Thay vì than khó định nghĩa thế nào là “Made in Vietnam”, các cơ quan quản lý chỉ cần đề xuất sửa đổi bổ sung thêm để các văn bản này điều chỉnh cả hàng hóa lưu thông trong nước, tức mục đích nhằm phục vụ nội thương, bảo vệ người tiêu dùng. Đây là một động tác nhỏ, không cần mất thời gian nghiên cứu, hội thảo để giúp giải quyết các vấn đề thời sự và nhất là xóa tan suy nghĩ cho rằng Việt Nam chưa quy định thế nào là hàng “Made in Vietnam”.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến