Đường Quảng Ngãi lãi hơn 520 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối 2.786 tỷ đồng
Giá đường tăng vọt, doanh nghiệp đường đua nhau báo lãi
Hàng loạt doanh nghiệp mía đường vừa công bố lợi nhuận khủng quý III/2021 (hoặc quý I/2022 theo niên vụ tài chính 2021-2022 bắt đầu từ 1/7/2021) nhờ hưởng lợi từ giá đường thế giới. Cụ thể, giá đường thế giới ở mức cao nhất 5 năm qua do sản xuất đường ở Brazil (nhà sản xuất đường lớn nhất thế giới) sụt giảm. Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) cho rằng, niên vụ 2021-2022, thị trường đường thế giới sẽ thâm hụt hơn 3,8 triệu tấn khiến đà tăng sẽ còn tiếp diễn.
Trong nước, từ đầu năm nay, Chính phủ tiến hành áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường Thái Lan. Điều kiện thuận lợi về cả thị trường quốc tế lẫn trong nước khiến doanh nghiệp đường khởi sắc.
Theo báo cáo tài chính quý I/2022 (niên vụ tài chính 2021-2022 bắt đầu từ 1/7/2021) của CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar - Mã: SBT). Trong quý vừa qua, công ty ghi nhận doanh thu tăng 18% lên 4.312 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 195 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Như vậy, chỉ sau quý đầu tiên, công ty đã hoàn thành 26% và 35% mục tiêu doanh thu, lợi nhuận của cả năm.
Ngoài hưởng lợi từ giá bán tăng, sản lượng tiêu thụ cao (do công ty được hưởng lợi từ đường nhập khẩu theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN), SBT còn lãi lớn từ các hợp đồng thương lai.
Cụ thể, trong quý I/2022, giao dịch hợp đồng tương lai tiếp tục sinh lãi 241 tỷ đồng (quý IV/2021 chỉ lãi 183 tỷ đồng, quý I/2021 không có khoản lãi này).
Thêm vào đó, khoản đầu tư vào GEG ở mức 714 tỷ đồng (45,2 triệu cổ phiếu) cũng đang sinh lãi lớn khi giá cổ phiếu GEG được công ty mua trung bình ở mức 15.788 đồng/cổ phiếu hiện đã lên tới 21.500 đồng/cổ phiếu.
Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS: UPCOM) cũng vừa ghi nhận quý kinh doanh có kết quả tốt nhất từ trước đến nay. Theo đó, quý III/2021, doanh thu thuần của QNS đạt 2.100 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020), lợi nhuận sau thuế đạt 348 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng, doanh thu của QNS tăng 15% lên 5.776 tỷ đồng, lãi ròng tăng 30% đạt 869 tỷ đồng, hoàn thành 69% và 95% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế cả năm.
Đáng chú ý nhất là mảng đường tăng mạnh với lợi nhuận trước thuế đạt 230 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 67 tỷ đồng), mảng sữa đậu nành cũng có dấu hiệu hồi phục.
Một số công ty mía đường khác cũng báo lãi lớn trong quý vừa qua như: CTCP Mía đường Lam Sơn (Mã: LSS) cũng báo cáo doanh thu quý đầu niên độ 2021-2022 đạt 303 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ; lãi ròng 7,4 tỷ đồng, gấp 4,7 lần. CTCP Mía đường Sơn La (Mã: SLS) thông tin giá đường trên thị trường thế giới tăng giúp giá bán sản phẩm đường quý này tăng so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, doanh thu đạt 146 tỷ đồng, tăng 35%; lãi sau thuế 33 tỷ đồng, gấp 2,3 lần…
Do giá đường thế giới và lợi nhuận doanh nghiệp tăng mạnh, mới đây, một số doanh nghiệp mía đường như Casuco, Mía đường Sơn La… cũng đã bắt đầu tăng giá thu mua mía cho các hộ nông dân. Trước đó, Hiệp hội Mía Đường Việt Nam (VSSA) khuyến cáo các hội viên xem xét hiệp thương với nông dân điều chỉnh tăng giá mua mía cho vụ mới sao cho giá mua mía bảo đảm người nông dân bù đắp chi phí có thu nhập đủ sống, yên tâm phát triển cây mía, phục hồi vùng nguyên liệu.
Cổ phiếu ngành đường bắt đầu ngọt
Sáng nay, hàng loạt cổ phiếu mía đường như SBT, LSS, QNS… đều tăng điểm. Trước triển vọng sáng sủa của ngành mía đường, Công ty Chứng khoán SSI mới đây đã điều chỉnh tăng ước tính doanh thu thuần và NPATMI (lợi nhuận sau thuế và lợi ích cổ đông thiểu số) của đường Thành Thành Công - Biên Hòa năm tài chính 2022 lên lần lượt 20.000 tỷ đồng và 889 tỷ đồng, tăng 34% và 38% so với cùng kỳ 2021.
Theo ước tính của SSI, giá đường năm 2022 của SBT sẽ tăng 24% lên 15,1 triệu đồng/tấn, và giá thu mua mía tăng 5%, biên lợi nhuận gộp chung ước tính đạt 15,1%. Đặc biệt, SSI ước tính, SBT sẽ ghi nhận khoản lãi 150 tỷ đồng từ giao dịch hợp đồng tương laic ho 3 quý còn lại năm 2022, sau khi đã thu về mức lãi khủng từ hợp đồng tương lai quý I/2022.
Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa tổ chức tại ngày 20/10/2021, SBT đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ tỷ lệ 20% cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm có nguồn lực tài chính cho kế hoạch kinh doanh tham vọng 5 năm tới. HĐQT cho biết, phương án triển khai gọi vốn đang có nhiều tín hiệu tích cực từ các nhà đầu tư và dự kiến hoàn thành trong 6 - 9 tháng.
Tương tự, SSI cũng dự báo, doanh thu năm 2022 của mía đường Lam Sơn sẽ đạt 2.600 tỷ đồng, tăng 40,8% so với năm 2021, lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 100 tỷ đồng, gấp 3,5 lần lợi nhuận đạt được năm tài chính 2020-2021.
Với mía đường Quảng Ngãi, SSI cũng đự đoán, quý IV/2021, QNS sẽ giải phóng 25.000 tấn đường RS tồn kho niên vụ trước và bán thêm 10 nghìn tấn đường RE. Mảng sữa đậu nành sẽ tiếp tục đà tăng, sản lượng tăng khoảng10% trong quý IV. Năm 2022, SSI dự báo doanh thu thuần của QNS sẽ tăng 10%, đạt 10.100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sẽ tăng 28%, đạt 1.700 tỷ đồng.
Trong đó, đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng của công ty là mảng đường với sản lượng đường RS/RE sẽ đạt 158 nghìn và 63 nghìn tấn, lần lượt tăng 50% và 216% so với năm 2021 do sản lượng mía tăng và nhà máy đường RE hoạt động cả năm.
SSI nâng giá mục tiêu cho QNS là 61.300 đồng/cổ phiếu từ mức giá mục tiêu cũ là 60.800 đồng/cp, hiện giá cổ phiếu QNS đang là 55.500 đồng/cổ phiếu.
Tác giả: T.M
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy