Dòng sự kiện:
Mở nhiều tuyến đường đưa hàng hoá thiết yếu về TP.HCM
18/07/2021 19:28:02
19 tỉnh/thành ở phía Nam thực hiện Chỉ thị 16, việc lưu thông hàng hóa diễn ra như thế nào?

Đường thuỷ “chia lửa”

Cách đây vài ngày, Thủ tướng Chính phủ đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh/thành phố (theo quy định tại Chỉ thị 16) đối với 19 tỉnh/thành tại khu vực phía Nam, thời gian thực hiện là 14 ngày.

Việc các tỉnh/thành phố ở khu vực phía Nam áp dụng Chỉ thị 16, khiến nhiều người lo ngại về tình hình vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm, đặc biệt là lương thực - thực phẩm, rau củ quả về TP.HCM, khi nguồn cung khan hiếm rau, củ, trứng gia cầm.

Trước tình trạng này, TP.HCM đã kiến nghị và đang thực hiện mở nhiều “đường máu” để đưa hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm về TP.HCM.

Tàu cao tốc sẽ tháo ghế và chở hàng từ miền Tây về TP.HCM (ảnh: greenlines-dp).

Cách đây vài ngày, Bộ trưởng bộ GTVT thống nhất phương án của TP.HCM về tổ chức thêm “luồng xanh” đường thủy: sử dụng tàu cao tốc (đã tháo ghế ngồi) hiện có để chở hàng hóa ra từ khu vực miền Tây về TP.HCM.

Dự kiến, từ ngày mai (19/7), tuyến tàu cao tốc đầu tiên sẽ xuất phát từ TP.HCM đến Tiền Giang vận chuyển rau củ quả về TP.HCM.

Để đảm bảo an toàn, tất cả thuyền trưởng/thuyền viên trên tàu đều được tiêm vắc xin và ở trên tàu thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa từ điểm đi đến điểm đến và không lên bờ.

Tại Tiền Giang cũng sẽ tổ chức thực hiện nghiêm và lựa chọn 1 bến tàu, có lực lượng bốc xếp, đưa hàng lên. Tàu về TP.HCM cũng có lực lượng bốc hàng xuống.

TP.HCM sẽ có thêm nguồn rau củ quả trong vài ngày tới (ảnh: Sở Công thương TP.HCM).

Về nguồn hàng, ngành công thương và nông nghiệp - phát triển nông thôn của TP.HCM sẽ làm việc với các địa phương để kết nối và điều phối. Mỗi tàu cao tốc có thể chở khoảng 20 tấn rau củ quả (tương đương khoảng 30 - 40 xe tải loại nhỏ).

Hiện, TP.HCM đang có 5 tàu cao tốc lớn, đưa vào hoạt động. Thời gian vận chuyển sẽ mất khoảng 1,5 giờ đến 2 giờ đồng hồ/lượt, mỗi ngày sẽ vận chuyển được 2 chuyến/tàu.

Trong khi đó, các thủ tục về cảng vụ sẽ do 1 cảng vụ viên đi theo hỗ trợ cho tàu, làm thủ tục, kết nối với bến ở các địa phương nên quy trình làm sẽ rất nhanh.

Chuẩn bị cho đường dài

Hiện, từ TP.HCM kết nối với các tỉnh ĐBSCL đã thoáng, với “luồng xanh” cho các phương tiện thuận lợi di chuyển và đáp ứng tiêu chí nhanh.

Điển hình như việc phân luồng xanh từ TP.HCM đi qua địa phận Long An, hiện cũng đã có, như lộ trình 1: TP.HCM - Quốc lộ 1 - Tiền Giang và ngược lại. Lộ trình 2: TP.HCM - Quốc lộ N2 - Quốc lộ 62 - Đồng Tháp và ngược lại. Lộ trình 3: TP.HCM - cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Tiền Giang và ngược lại. Lộ trình 4: TP.HCM - Quốc lộ 50 - Tiền Giang và ngược lại.

Việc phân luồng xanh từ TP.HCM đi qua địa phận Long An, hiện cũng đã có nhiều lộ trình.

Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã công bố “luồng xanh Quốc gia” trên hệ thống quốc lộ cho các phương tiện ưu tiên lưu thông, quá cảnh nội vùng qua các tỉnh/thành trong thời gian phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Hành động này nhằm tạo điều kiện cho các tỉnh/thành phố cũng như thuận lợi trong việc lưu thông vận tải, đảm bảo tốt mục tiêu kép: chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Về cấp giấy nhận diện phương tiện, hiện Thành phố này cũng đang tốc lực triển khai.

Quy trình cấp giấy nhận diện phương tiện, theo sở GTVT TP.HCM, các doanh nghiệp gửi đề xuất thông qua các đầu mối tại quận/huyện, TP.Thủ Đức, cảng, sở Công thương, sở GTVT các tỉnh/thành. Khi có danh sách từ các đầu mối, sở GTVT TP.HCM sẽ cấp giấy trong vòng 24 giờ.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc sở GTVT TP.HCM cho biết: “Phương tiện vận chuyển các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ sản xuất, chở hàng tới cảng, các chuyên gia… Sở đã tiến hành cấp giấy nhận diện phương tiện.

Tính đến thời điểm này, Sở đã cấp hơn 33.000 giấy nhận diện phương tiện cho các đơn vị trên 19 tỉnh/thành”.

Cán bộ thực hiện thủ tục cấp giấy nhận diện phương tiện (ảnh: Sở GTVT TP.HCM).

Như vậy, các phương tiện đã có giấy nhận diện sẽ băng băng trên những “luồng xanh” và chở hàng hoá ra – vào Thành phố dễ dàng hơn so với trước đây. Về nguồn hàng, TP.HCM cũng đã tính toán tới các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên, miền Trung và cả miền Bắc để chuẩn bị cho đường dài.

Trong khi đó, ở khâu phân phối, TP.HCM sẽ cho chợ truyền thống thí điểm hoạt động trở lại ở các khu vực an toàn (bên cạnh hệ thống siêu thị, các điểm cung ứng hàng hoá).

Khi đó, một số tiểu thương có đủ năng lực cung cấp các mặt hàng thiết yếu là cá, thịt, rau, củ quả sẽ được chọn để bán tại chợ và chia ca bán theo giờ, theo buổi.

Hàng hóa được chia sẵn theo từng túi, đồng giá để giao dịch diễn ra nhanh.

Người dân chia ca đến mua hàng hoặc người bán sẽ giao tận nhà, thực hiện khuyến cáo 5K, lấy hàng, để lại tiền, hạn chế tiếp xúc. Sau đó xem xét kết quả để mở bán thí điểm thêm các mặt hàng thịt heo, gạo, thủy hải sản…

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến