Một chính sách không thể làm hài lòng tất cả
10/06/2016 15:35:56
Gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng được cả ngân hàng và ngành xây dựng kỳ vọng là chất xúc tác trong nỗ lực hâm nóng lại thị trường bất động sản (BĐS) đang đóng băng lúc đó. Thế nhưng, ngay những ngày đầu, gói này đã bị chuyền đi, đá lại giữa hai ngành này. Giờ đến “hồi kết” các bộ, ngành vẫn bất đồng quan điểm. Người vay lo lắng khi chính sách nay thay, mai đổi.

Tin liên quan

Ngân hàng muốn dừng…

Gói cho vay hỗ trợ nhà ở được tung ra từ 1-6-2013; trong đó 30% cho doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội vay, 70% cho người mua nhà vay. Ban đầu gói tín dụng dành cho người mua nhà có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng mỗi m2. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, tốc độ giải ngân gói tín dụng này rất chậm. Ngân hàng thì cho rằng do chưa có nhiều khách hàng lẫn nhà ở đáp ứng điều kiện vay vốn. Bộ Xây dựng lại nói ngân hàng quy định quá chặt chẽ và thận trọng; lãi suất cho vay ưu đãi nhưng vẫn còn cao so với thu nhập của người dân; thời hạn cho vay ngắn…

Sau đó NHNN đã soạn thảo và trình Chính phủ sửa đổi các quy định cho vay gói 30 nghìn tỷ đồng. Từ tháng 1-2014, lãi suất cho vay giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm. Ngành ngân hàng cũng nới điều kiện cho vay; mở rộng đối tượng được vay; kéo dài thời hạn cho vay từ 10 năm lên 15 năm (từ ngày 21-8-2014)… Khách hàng vay mua nhà ở xã hội và kể cả nhà thương mại nhưng có tổng giá trị hợp đồng mua bán không vượt quá 1,05 tỷ đồng sẽ được vay gói 30.000 tỷ đồng. Thậm chí, NHNN còn cho phép các NHTM được áp dụng phương thức thế chấp tài sản hình thành trong tương lai để tạo điều kiện cho người dân mua nhà ở…

Vẫn còn nhiều câu hỏi về mục tiêu và hiệu quả của chương trình chưa được giải đáp thỏa đáng.

Thời điểm tháng 5-2015 sau gần hai năm triển khai số tiền được các NHTM cam kết cho vay chưa đạt 50%, số giải ngân thực tế còn thấp hơn. Thế nhưng, đến tháng 5-2016, các NHTM đã cam kết cho vay 34.826 tỷ đồng; số tiền đã giải ngân cho khách hàng cá nhân là 21.667 tỷ đồng. Số tiền tái cấp vốn cho các NHTM để giải ngân cho khách hàng cá nhân dự tính khoảng 32.738 tỷ đồng.

Theo Thông tư 11/2013/TT- NHNN ban hành ngày 15-5-2013 quy định: NHNN sẽ dừng tái cấp vốn hỗ trợ các NHTM khi họ đã giải ngân hết số tiền (khoảng 30 nghìn tỷ đồng) nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày 1-6-2013. Và theo Thông tư 32/2015/TT-NHNN ban hành ngày 18-11-2015, quy định: phần dư nợ được giải ngân từ ngày 1-6-2016 trở về trước khách hàng sẽ được hưởng lãi suất vay ưu đãi của Chương trình trong suốt toàn bộ thời gian khách hàng vay vốn (tối đa 15 năm). Như vậy NHNN đã quy định rõ cả về số tiền; thời hạn khách hàng, NHTM được hưởng chính sách hỗ trợ.

Bộ Xây dựng bảo: không

Trước sức ép của dư luận, NHNN đã trình Chính phủ gia hạn chương trình cho vay, đồng thời chỉ đạo các NHTM tiếp tục giải ngân cho vay với các cá nhân, hộ gia đình đã ký hợp đồng trước 31-3-2016. Thực tế cho thấy, ngay từ đầu ngân hàng không mấy mặn mà với gói 30 nghìn tỷ đồng này nhưng phải làm vì mục tiêu chung là “ứng cứu” BĐS - cũng là giải cứu những gói tín dụng rất lớn của các NHTM đang “chôn” ở các dự án BĐS dở dang.

Nay thị trường BĐS đã sôi động trở lại, thậm chí có nguy cơ bong bóng nên rủi ro cho ngân hàng là rất lớn. Đặc biệt với việc ban hành Thông tư 06 quy định hệ số quy đổi rủi ro trong cho vay BĐS là 200% (từ 1-1-2017), thay vì 250% như dự thảo trước đây. Đồng thời, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được giảm theo lộ trình từ 60% xuống 50% từ ngày từ 1-1-2017 và 40% từ ngày từ 1-1-2018, thay vì giảm ngay cũng cho thấy đây là một bước “nhượng bộ” của NHNN trong việc siết tín dụng BĐS. Giờ, nếu kéo dài thời gian triển khai gói 30 nghìn tỷ đồng sẽ càng gia tăng áp lực và cả rủi ro, vì khả năng trả nợ của khách hàng có hạn mà thời hạn cho vay lại dài.

Bên cạnh mối lo về rủi ro, ngành ngân hàng đang đứng trước áp lực giảm lãi suất, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tiếp tục dồn vốn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Cùng với đó, hiện một số NHTM đang triển khai các gói tín dụng hỗ trợ khu vực chịu thiệt hại do thiên tai, cá biển chết hàng loạt… Mấy năm gần đây tín dụng đã lấy lại đà tăng trưởng, năm nay mức tăng dự kiến là 18 - 20%. Kiểm soát được số lượng và quản lý tốt chất lượng tín dụng là bài toán không dễ đối với ngành ngân hàng trước diễn biến nền kinh tế hiện nay.

Trong khi NHNN chờ Chính phủ quyết định thì Bộ Tài chính cho rằng, chỉ nên gia hạn giải ngân tái cấp vốn với các hợp đồng tín dụng đã ký của khách hàng cá nhân. Bộ Xây dựng lại đề xuất tái cấp vốn cho cả các hợp đồng với doanh nghiệp cho đến khi giải ngân hết lượng vốn đã cam kết. Đề xuất này rõ ràng có lợi cho ngành xây dựng, có lợi cho người mua nhà. Nhưng câu hỏi về mục tiêu ban đầu của gói tín dụng là gì và hiệu quả của nó đến đâu lại chưa được giải đáp thỏa đáng.

Cũng có ý kiến cho rằng nên chuyển việc hỗ trợ này thành chương trình của một ngân hàng chính sách, giống như các chương trình: tín dụng cho nước sạch vệ sinh môi trường; xây nhà chống lũ; hay cho vay học sinh, sinh viên… Nhưng như vậy, sẽ cần một phần hỗ trợ từ ngân sách trong khi gánh nặng cho ngân hàng được giảm xuống. Điều này tất nhiên Bộ Tài chính không muốn, vì ngân sách hiện đã rất eo hẹp.

Thực tế cho thấy một chính sách không thể làm hài lòng tất cả nên việc có ý kiến bất đồng cũng là lẽ thường. Nhà quản lý chỉ có thể vì lợi ích của số đông mà quyết định.

Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ triển khai cho vay ưu đãi nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Chính phủ vừa có quyết định lãi suất cho vay của chương trình này là 4,8%/năm (0,4%/tháng). Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay. Quy định này có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2016, áp dụng cho tất cả các khoản vay còn dư nợ trong năm 2016. Hiện ngân hàng này đang triển khai gần 20 chương trình tín dụng ưu đãi. Vì vậy, bố trí nguồn vốn cho chương trình này không dễ. Thông tư hướng dẫn NĐ 100 vẫn ở giai đoạn dự thảo nên phải một thời gian nữa, gói tín dụng mới được triển khai.

Theo Nhân dân

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến