Dòng sự kiện:
NBA và những câu chuyện buồn sau ánh hào quang
17/10/2017 16:10:38
Áp lực từ sự kỳ vọng khiến nhiều cầu thủ lâm vào khủng hoảng tâm lý, nhất là khi hứng chịu biến cố lớn trong cuộc sống.

Dưới LeBron James nhưng trên vạn người, đó là những gì người ta mô tả về Darko Milicic, khi anh được pick số hai ở kì Draft năm 2003. Cầu thủ người Serbia gia nhập Detroit Pistons, một ứng cử viên vô địch thời điểm đó. Báo giới khẳng định mọi thứ đang ủng hộ Milicic, bởi thông thường càng là sao ở Draft thì càng có xác suất phải vào những đội yếu nhất giải.

"Là một ngôi sao trẻ, bạn cần tập luyện chăm chỉ và chờ cơ hội", Milicic hào hứng trong ngày đầu đến NBA. "Tôi nghĩ Chúa đã gửi tôi đến đây. Và tôi sẽ chớp lấy cơ hội này".

Nhưng rồi, Milicic đã không tận dụng được cơ hội ở "thiên đường" NBA - điều mà hàng nghìn cầu thủ châu Âu khác muốn có. Những chuyến bay liên tục, những buổi tập nặng nề, nền văn hóa xa lạ, và sự nông nổi của tuổi trẻ, tất cả đã góp phần giết chết sự nghiệp của trung phong cao 2m13.

Darko Milicic được đánh giá là ngôi sao trẻ xuất sắc thứ hai ở NBA Draft 2003, chỉ xếp sau LeBron James. Ảnh: Reuters.

"Có những tuần, chúng tôi bay liên tục từ miền Đông sang miền Tây, chơi bốn trận trong năm ngày", Milicic nói về những tháng ngày tồi tệ. "Bạn mệt mỏi về thể chất, và khi không thể giao tiếp với mọi người, bạn khô héo cả về tinh thần. Người ta chỉ trích tôi khi tôi chơi tệ, và chẳng ai muốn nghe lý do. Tôi quen với điều đó, dần dần với tôi, ra sân không phải để giúp đội chiến thắng, mà là để thể hiện cái tôi. Có thể ngày hôm nay, tôi chơi cực hay trước Duncan hay Gasol, nhưng ngày mai, trước đối thủ yếu hơn mười lần, tôi chẳng buồn cố gắng".

Milicic rõ ràng đã không chuẩn bị đủ những gì NBA đòi hỏi ở anh. "Tôi gặp vấn đề về sự ổn định, dần rơi vào trầm cảm và mất hết động lực thi đấu", tài năng người Serbia nhắc lại cơn ác mộng. "Rồi tôi phiêu bạt qua Orlando, Memphis, New York, tôi đã để sự nghiệp của mình trôi vô định. Nhưng tôi không thể chịu nổi khi đến Minnesota, nơi lạnh lẽo nhất nước Mỹ. Tôi nói với Chủ tịch của họ, rằng xin đừng chiêu mộ tôi, tôi sẽ phá nát đội bóng của ông ấy. Nhưng ông ta vẫn làm. Cuối mùa đó, Minnesota đứng bét bảng. Tôi góp một phần vào kết quả đó. Thời điểm ấy, điều tôi nghĩ nhiều nhất khi ra sân tại NBA, là bao giờ trận đấu mới kết thúc, để mình được trở về nhà".

Milicic chuyển sang sự nghiệp kickboxing sau khi trở về quê nhà Serbia.

Milicic vật lộn với cuộc sống và sự nghiệp ở nước Mỹ trong một thập kỷ, trước khi tuyên bố từ giã NBA năm 2013, khi mới 28 tuổi. Trong mùa giải cuối cùng tại Boston Celtics, anh chơi tệ đến mức chỉ ra sân đúng một trận. Năm 2014, Milicic tuyên bố giải nghệ để bắt đầu sự nghiệp kickboxing.

Một năm sau, anh được CLB Metalac Farmakom mời trở lại thi đấu ở giải bóng rổ Serbia. Milicic đã đạt thỏa thuận miệng với Chủ tịch của đội bóng này, nhưng vài ngày sau lại thay đổi quyết định. Cái tên Darko Milicic, người được pick số hai trong kỳ NBA Draft mà LeBron James được pick số một, đã hoàn toàn biến mất trong làng bóng rổ chuyên nghiệp, kết thúc một trong những bi kịch lớn nhất của NBA.

Milicic không phải ngôi sao duy nhất bị trầm cảm vì cuộc sống ở NBA. Eddy Curry từng là một trong những trung phong hay nhất NBA thập niên 2000, khi khoác áo Chicago Bulls và New York Knicks. Nhưng sự kiện người bạn gái Nova Henry và cô con gái 10 tháng tuổi Ava Curry của anh bị bắn chết trong căn hộ tại Chicago năm 2009, khiến sự nghiệp của Eddy tại NBA sụp đổ hoàn toàn.

Eddy Curry cùng lúc phải chịu nỗi đau mất cả bạn gái và con gái 10 tháng tuổi. Ảnh: AP.

Cú sốc tâm lý quá lớn khiến phong độ của Eddy Curry sa sút không phanh. Anh từng kể rằng mình bị trầm cảm tới mức hễ cứ nhắm mắt vào là lại gặp ác mộng. Hai năm sau, Curry phiêu bạt tới Miami Heat rồi Dallas Marvericks để mong lấy lại cảm hứng thi đấu, nhưng anh không bao giờ còn tìm lại được chính mình. Cuối năm 2012, trung phong sinh năm 1982 quyết định đầu quân cho CLB Zhejiang Golden Bulls của Trung Quốc. Nhưng Curry cũng chỉ chơi 29 trận cho đội bóng này, trước khi lặng lẽ giải nghệ.

Tháng 12/2014, một bi kịch khác tại NBA xảy ra với hậu vệ Wayne Ellington. Ngôi sao khi ấy đang khoác áo Los Angeles Lakers nhận được cuộc gọi báo tin người cha thân yêu qua đời ngay khi vừa giúp đội bóng giành chiến thắng. Ông Ellington, 57 tuổi, được tìm thấy bất tỉnh trong chiếc xe hơi tại Germantown, Philadelphia. Ông qua đời trong khi được chuyển tới bệnh viện.

"Đối với một đứa con trai mất đi cha của mình, điều đó thật sự khó khăn. Không thể tin nổi bởi cha vẫn nhắn tin động viên tôi thi đấu vào buổi sáng. Đến buổi chiều thì ông ấy ra đi. Tôi chưa từng cảm thấy tệ như thế trong hơn 20 năm cuộc đời", Ellington kể lại bi kịch đời anh.

Gia đình hạnh phúc của Ellington trước khi người cha qua đời.

Cảnh sát, sau đó, nghi ngờ ông Ellington không đột tử, mà bị sát hại ngay trong xe. Tuy nhiên, vụ án cho tới nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm bởi không xác định được những dấu vết cần thiết. Cái chết tức tưởi của cha khiến Ellington chìm vào bóng tối một thời gian dài. Anh sống khép mình và phải tham dự những khóa điều trị tâm lý. Đó cũng là lý do khiến anh rời Lakers chỉ sau một mùa giải, và luôn phải sắm vai dự bị tại các đội bóng sau này là Brooklyn và Miami.

Cũng phải chịu bi kịch mất cha khi đang thi đấu còn có HLV Steve Kerr, kiến trúc sư trong thành công của Golden State Warriors ba năm qua. Buổi sáng ngày 18/1/1984, ông Malcom Kerr bị những phần tử khủng bố của tổ chức hồi giáo Jihad bắn hai phát đạn vào đầu khi đang làm công việc của Chủ tịch các trường Đại học Mỹ ở Beruit, Liban.

Chị gái của Steve Kerr sau này kể rằng em trai đã phải hứng chịu cú sốc lớn nhất ở tuổi 19. Steve trở nên lầm lì, ít nói và lạnh lùng hơn sau cái chết bi thảm của người cha. Bản thân hậu vệ ghi điểm của Arizona lúc đó cũng thừa nhận chưa bao giờ tưởng tượng điều tồi tệ như thế có thể xảy đến với gia đình ông.

Chứng kiến cái chết của cha vào năm 19 tuổi đã khiến Steve Kerr trở thành một con người khác.

Bi kịch vẫn còn ám ảnh Steve Kerr tới tận sau khi ông đã giải nghệ ở NBA năm 2003. Theo lời kể của chị gái, Steve lẽ ra đã theo nghiệp huấn luyện sớm hơn, nhưng vì muốn chờ cậu con trai ăn học tử tế và vào được đại học, mãi tới năm 2014 ông mới nhận lời dẫn dắt Golden State Warriors. "Tôi hiểu nỗi đau thiếu cha là thế nào, nên tôi đã dành 10 năm ở bên con trai sau khi treo giày. Khi nó trưởng thành, tôi mới có thể tiếp tục đam mê ở NBA", Steve lý giải về quyết định “đoạn tuyệt” với NBA trong một thập kỷ.

Đơn độc và buồn bã là cảm giác của những ai mất đi người thân. Nhưng Channing Frye có lẽ là cầu thủ phải hứng chịu nỗi đau này lớn hơn bất kỳ ngôi sao nào ở NBA. Mùa đông năm ngoái, trung phong cao 2m11 mất cả cha lẫn mẹ chỉ trong vòng một tháng. Bà Karen Mulzac-Frye, mẹ của Frye, là một nhà báo nổi tiếng từng giành giải thưởng báo truyền hình tại Phoenix. Bà chống chọi với căn bệnh ung thư trong nhiều năm trước khi ra đi vào ngày 27/10/2016.

Cha của Frye, ông Thomas, vì quá đau buồn sau cái chết của vợ, đã suy sụp tinh thần và ra đi chỉ ba tuần sau đó, đúng vào dịp lễ Tạ ơn. "Vào ngày dành cho những lời cám ơn. Xin cám ơn những ai luôn bên cạnh tôi. Cha tôi đã qua đời ngày hôm nay. Mọi người hãy trân trọng gia đình của mình", Channing Frye viết trên Instagram ngay sau khi nhận hung tin.

Channing Frye tính chuyện giải nghệ sau cái chết của cha mẹ vào cuối năm 2016.

Cleveland Cavaliers quyết định cho Frye nghỉ phép dài hạn để cân bằng lại tâm lý. HLV Tyronn Lue, khi đó, đã chia sẻ nỗi đau mất mát với cậu học trò: "Thật khó khăn khi mất đi bố hoặc mẹ, nhưng cậu ấy còn mất cả hai người thân yêu nhất. Một nỗi đau đặc biệt, một bi kịch quá lớn". Mất nhiều tháng không thể tập luyện và ra sân vì trầm cảm, Frye chỉ chơi 26 trận cho Cleveland mùa giải đó. Anh thậm chí đã tính đến chuyện giải nghệ ở tuổi 32. Nhưng Frye may mắn vì có LeBron James và các đồng đội giúp đỡ hết sức để anh có thể tiếp tục sự nghiệp với Cleveland. Mùa trước, Frye đã trở lại và góp mặt trên ghế dự bị trong 66 trận.

Theo VnExpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến