Mỗi gia đình chi hơn 730 ngàn đồng/năm cho rượu, bia
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đồ uống có cồn là nguyên nhân trực tiếp của 30 bệnh và là tác nhân gián tiếp của 200 loại bênh tật, chấn thương. Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang có xu hướng tăng nhanh về mức tiêu thụ đồ uống có cồn, trong khi mức tiêu thụ của toàn thế giới thập kỷ qua hầu như không thay đổi.
Tại Hội thảo Th.BS Phạm Thị Hoàng Anh (Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam) cho biết, sử dụng rượu bia và nghèo đói được chứng minh là có mối quan hệ mật thiết. Lạm dụng rượu bia gây hậu quả kinh tế và xã hội, bởi nó mang theo gánh nặng bệnh tật, thương tích, tai nạn, hành vi tình dục nguy hiểm, tội phạm, bạo lực, tăng chi tiêu trong gia đình…
Ngoài bệnh tật, còn xuất hiện nhiều vấn đề xã hội liên quan đến sử dụng đồ uống có cồn. Bạo lực gia đình là một vấn đề xã hội đang được lên án mạnh mẽ trong những năm trở lại đây. Nhiều vụ việc đáng tiếc xuất phát từ việc sử dụng đồ uống có cồn. Đồ uống có cồn là nguyên nhân lớn nhất gây ra khoảng 33,7% các vụ bạo lực gia đình tại Việt Nam.
Theo BS Phạm Hoàng Anh kết quả ngiên cứu “Ảnh hưởng của sử dụng rượu bia đến đói nghèo và đặc điểm của các gia đình sử dụng rượu bia thường xuyên tại Việt Nam” cho thấy, 57,72% hộ gia đình Việt Nam tiêu dùng rượu bia thường xuyên với mức độ chi tiêu trung bình là 733.058 đồng/hộ, tổng chi tiêu cho rượu bia của Việt Nam là 16.372 tỷ đồng trong 1 năm. Số tiền này có thể mua được khoảng 1.770 tấn gạo để nuôi 21 triệu người/ năm. Nếu dùng số tiền đó để mua xe máy thì có thêm 12,5% hộ nghèo hiện chưa có xe máy được sử dụng phương tiện đi lại phổ biến này.
Cũng theo nghiên cứu, nếu số tiền mua rượu bia ở các gia đình này dùng mua sữa thì 3 ngày trẻ sẽ được uống 1 cốc sữa, thay vì ít hơn 1 cốc 1 năm.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Viện Xã Hội Học cho biết, theo kết quả điều tra xã hội học, việc tiêu thụ rượu bia của người dân tương đối nhiều ở các địa phương do việc tiếp cận rượu bia dễ dàng. Cũng theo điều tra này, tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng rượu bia lên lới 58%, có khoảng 45% hộ gia đình có sẵn rượu bia trong nhà và tỷ lệ thanh niên dưới 30 tuổi uống rượu bia hàng ngày cao hơn nhóm tuổi khác. 82% số người được hỏi đồng tình với việc ban hành Luật về phòng chống lạm dụng rượu, bia và tin tưởng việc sử dụng rượu bia sẽ giảm khi có Luật ban hành. Tuy nhiên dưới 50% số này biết Quốc hội đang xây dựng Dự thảo Luật này.
Khoảng trống về pháp lý
Ông Trương Đình Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, hệ thống văn bản về phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia đã được ban hành từ rất sớm, hiện có khoảng 85 văn bản quy định về phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia đang có hiệu lực. Tuy nhiên việc quy định ở khá nhiều văn bản khác nhau dẫn tới khó khăn cho việc tra cứu để áp dụng.
Theo ông Bắc còn khá nhiều khoảng trống về pháp lý trong việc phòng chống tác hại của việc lạm dụng rượu bia như thiếu các quy định về quản lý sản xuất bia; khoảng trống về quảng cáo khuyến mại, tài trợ rượu bia.
Hiện nay chúng ta chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên, còn lại được quảng cáo như hàng hóa, dịch vụ bình hường, do đó không hạn chế về đối tượng tiếp cận, nội dung và thời gian. Thiếu các quy định về hạn chế tính sẵn có của rượu bia….
Ông Bắc cho rằng, Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia cần thiết phải được ban hành để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác này...
Trong khuôn khổ sự kiện này, chiều 8/1, Hội Nhà báo Việt Nam cũng tổ chức lễ trao giải cho giải thưởng Báo chí Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2015 cho 7 tác phẩm của tác giả và nhóm tác giả. Ban tổ chức đã trao giả A cho tác phẩm: Loạt bài 5 kỳ “Nạn rượu, bia tàn phá giống nòi Việt” của nhóm phóng viên điều tra Báo Lao động (báo in). Ngoài ra ban tổ chức còn trao 2 giải B, 2 giải C và 2 giải khuyến khích.
Theo Thời báo Tài chính.