Nga đối mặt nguy cơ cạn kiệt quỹ dự trữ vào năm 2016
28/10/2015 16:34:36
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov làm dấy lên những quan ngại mới về tình trạng sức khỏe của nền kinh tế nước này khi tuyên bố rằng quỹ dự trữ khổng lồ của Nga có thể sẽ cạn kiệt vào năm 2016 nếu giá dầu giữ ở mức hiện tại.

Tin liên quan

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov. (Ảnh:Internet)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov. (Ảnh:Internet)

Theo hãng tin CNBC, tuyên bố trên được ông Siluanov đưa ra khi phát biểu trước Thượng viện Nga ngày 27/10. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga nói nếu giá dầu giữ ở mức dưới 50 USD/thùng như hiện nay và tỷ giá đồng Rúp so với USD không thay đổi, thì ngân sách Chính phủ Nga có thể thâm hụt 900 tỷ Rúp, tương đương 14,14 tỷ USD trong năm tới.

“Quỹ dự trữ của chúng ta sẽ giảm xấp xỉ 2,6 nghìn tỷ Rúp, tương đương 40,85 tỷ USD, trong năm 2015, tức là giảm quá nửa”, ông Siluanov phát biểu. 

“Điều này đồng nghĩa rằng năm 2016 là năm cuối cùng mà chúng ta còn có thể rút quỹ dự trữ để tiêu với tốc độ như vậy. Sau đó thì chúng ta không còn quỹ dự trữ nữa”.

“Nếu giá dầu và tỷ giá hối đoái không có sự thay đổi, ngân sách sẽ còn thâm hụt 900 tỷ Rúp, tương đương khoảng 14,14 tỷ USD. Chúng ta đang đối mặt với rủi ro như vậy”, vị Bộ trưởng nói.

Giá dầu thô Urals của Nga hiện ở mức khoảng 44 USD/thùng, và tỷ giá đồng nội tệ vào khoảng 64 Rúp đổi 1 USD.

Quỹ dự trữ của Nga được xây dựng dựa trên nguồn tiền dôi dư từ xuất khẩu dầu thô, khí đốt và các sản phẩm dầu. Quỹ này là công cụ chính để Nga bù đắp tình trạng thâm hụt ngân sách do giá dầu giảm sâu gây ra. Tính đến ngày 1/10, quỹ dự trữ của Nga còn 4,67 nghìn tỷ Rúp, tương đương 70,51 tỷ USD.

Đầu tháng này, Bộ Tài chính Nga cho biết đã chi 402,2 tỷ Rúp, tương đương 6 tỷ USD, từ quỹ dự trữ để bù đắp thâm hụt ngân sách tháng 9, tăng gấp đôi so với mức chi trong tháng 7 và tháng 8 cộng lại.

Trong tháng 7, Bộ Tài chính Nga nói muốn bắt đầu bổ sung trở lại quỹ dự trữ nếu giá dầu vượt mức 70 USD/thùng. Tuy nhiên, mức giá dầu hiện nay đang ở các xa mức giá này.

Vào thời điểm đó, ông Siluanov đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quỹ dự trữ đối với Nga, nói nước này “sẽ mất ổn định nếu không có dự trữ”.

Ở thời điểm hiện tại, hầu như không có tia hy vọng nào về việc giá dầu có thể sớm hồi phục, nhất là trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc và thị trường thế giới tiếp tục thừa mứa dầu.

Nền kinh tế và ngân sách Nga có sự phụ thuộc lớn vào giá dầu. Bởi vậy, khi giá dầu sụt sâu từ mức trên 100 USD/thùng vào mùa hè năm ngoái xuống ngưỡng hiện tại, kinh tế Nga hứng chịu một cú sốc lớn. “Họa vô đơn chí”, kinh tế Nga còn bị siết chặt bởi lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây do vai trò của Moscow trong cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.

Trong quý 3 vừa qua, kinh tế Nga suy giảm 4,3%. Tỷ giá đồng Rúp của Nga trải qua những đợt biến động mạnh trong vòng một năm rưỡi qua, trong đó xu hướng chính là giảm.

Hồi tháng 5 năm nay, Nga còn phải rút quỹ dự trữ để mua ngoại tệ nhằm ngăn không cho đồng Rúp tăng giá quá mạnh so với đồng USD, tránh gây bất lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Nga. Tuy vậy, từ mùa hè tới nay, đồng Rúp Nga đã trượt dốc trở lại do kinh tế suy thoái.

Theo Vneconomy

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến