Ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xuyên tạc
05/01/2015 09:48:31
ANTT.VN – Mạng internet mang lại nhiều thay đổi, giúp con người tiếp cận thông tin tốt hơn. Tuy nhiên, những phần tử xấu lại lợi dụng kênh thông tin này để tung những tin xuyên tạc, bịa đặt khiến dư luận xã hội không khỏi lo ngại.

Tin liên quan

Theo Cục phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), ngày càng có nhiều thông tin xuyên tạc, bịa đặt không được kiểm chứng xuất hiện trên các trang mạng xã hội. Những thông tin này đã gây tổn hại không nhỏ đến uy tín của tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Thực tế này cho thấy, cần phải có những giải pháp và hành lang pháp lý hữu hiệu và đồng bộ để đấu tranh với những trang mạng xã hội tiêu cực trên Internet.

Kẻ xấu lợi dụng mạng internet để tung những thông tin bịa đặt, xuyên tạc

Vào đầu năm 2013 khi thông tin bịa đặt về chủ tịch ngân hàng BIDV bị bắt được lan truyền trên các trang mạng xã hội đã làm chao đảo thị trường tài chính - tiền tệ. Gần 430 mã chứng khoán bị giảm điểm trong đó 148 mã giảm sàn. Vốn hóa của thị trường chứng khoán đã mất 29.000 tỷ đồng trong một phiên giao dịch. Đó là chưa kể uy tín của ngân hàng BIDV và uy tín, danh dự của chủ tịch ngân hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tuy nhiên các đối tượng tung tin bịa đặt chỉ bị xử phạt hành chính.

Theo Trung tá Hoàng Xuân Phóng (Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao), trước đây xử lý các hành vi như thế này theo nghị định 63 của Chính phủ, hiện nay có nghị định mới sửa đổi bổ sung là nghị định 172 và nghị định 174. Theo nghị định trước đây, xử lý các đối tượng từ 10 – 20 triệu, còn theo nghị định mới được nâng lên từ 20 – 30 triệu.

Quá trình đấu tranh với những đối tượng tung tin bịa đặt lên các trang mạng xã hội thì khó khăn nhất ở khâu nào ? Thứ nhất mạng xã hội là mạng xã hội mở, thứ hai những đối tượng vi phạm đều là những đối tượng có trình độ công nghệ thông tin, thứ ba máy chủ được đặt ở nước ngoài.

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách, nghị định 174 quy định xử phạt hành vi, phát tán thông tin bịa đặt, xuyên tạc ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân nhưng chưa đến mức truy cứu hình sự chỉ từ 20 đến 30 triệu đồng. Tuy nhiên, mức nào thì truy cứu hình sự lại không được quy định rõ. Đây là nguyên nhân các đối tượng xấu sẵn sàng nộp phạt, để tung tin bịa đặt, xuyên tạc với mục tiêu bất chính.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Hiến pháp nước ta bảo vệ quyền tự do ngôn luận của công dân. Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận phải được thực hiện theo khuôn khổ của pháp luật Việt Nam. Vì vậy phải làm thế nào để vừa đảm bảo được quyền tự do ngôn luận, vừa lành mạnh hóa thông tin trên môi trường internet phải được xem là nhiệm vụ chung của toàn xã hội.

Thủ đoạn thường thấy là sự ngụy tạo thông tin, tức là các thông tin xuyên tạc, bịa đặt thường được xen lẫn những thông tin có thật để tạo lòng tin với người đọc. Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, quy định của pháp luật cần được bổ sung cụ thể hơn để ngăn ngừa tình trạng lợi dụng quyền tự do ngôn luận, quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Phát biểu kết luận Hội nghị của Chính phủ với các địa phương được tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 29-12-2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chủ động cung cấp thông tin đúng đắn, chính xác, kịp thời và chủ động ngăn chặn những thông tin xấu độc. “Quan trọng nhất là chủ động cung cấp thông tin, nêu những điểm tốt, đúng đắn để phát huy, chỉ rõ hạn chế yếu kém, giải pháp khắc phục, đồng thời hạn chế thông tin không chính xác, không có lợi. Trên cơ sở đó tạo sự đồng thuận, nhất trí chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015”-Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Cũng trong buổi hội nghị quan trọng này, hai đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Công an cũng rất quan tâm đến vấn đề bảo đảm thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, đấu tranh kiên quyết với thông tin xấu, xuyên tạc, gây chia rẽ nội bộ.

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, cần phải siết chặt quản lý việc truy cập, khai thác thông tin trên internet, ngăn chặn những thông tin xuyên tạc, nói xấu Đảng, lãnh đạo, lãnh tụ, gây chia rẽ, phân tâm. Các cơ quan truyền thông cần tập trung tuyên truyền, toàn diện thành tựu, kết quả, tạo đồng thuận xã hội, và cả những mặt khiếm khuyết, khuyết điểm trên tinh thần xây dựng.

Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: “Thông tin trên mạng rất phong phú, đa dạng, có cả tốt cả xấu, nên phải hết sức chú ý tránh những luận điệu sai trái, thù địch, thông tin độc hại, đả kích, chia rẽ, bôi nhọ, xuyên tạc nội bộ". Ngành công an sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý việc cung cấp dịch vụ internet, tập trung ngăn chặn tán phát các tài liệu xuyên tạc, không đúng sự thật về các đồng chí lãnh đạo, gây chia rẽ nội bộ.

Thu Thủy (th)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến