Dòng sự kiện:
Người có sai phạm dùng kênh truyền thông khác để chống lại báo chí
04/12/2014 21:23:32
ANTT.VN – “Yếu tố quan trọng nhất trong cuộc chiến về an toàn thông tin chính là con người, con người có ý thức tốt, bản lĩnh tốt, trình độ cao thì an toàn thông tin tốt”.

Tin liên quan

Ngày 4/12, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông và 4 đơn vị đồng tổ chức gồm: Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), Cục ATTT – Bộ Thông tin và Truyền thông và Cục CNTT – Bộ Quốc phòng, đã tổ chức “Ngày An toàn thông tin Việt Nam” năm 2014 với chủ đề “An toàn, an ninh thông tin và chủ quyền quốc gia”.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại "Ngày an toàn thông tin VN năm 2014" (Ảnh:Vietnamnet.vn)

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết, ngành công nghệ thông tin thời gian qua đã có những bước phát triển nhanh chóng, trở thành ngành kinh tế, kỹ thuật hiện đại, đóng góp lớn vào việc phát triển đất nước. Tuy nhiên, cũng cần phải nói đến mức độ thiệt hại về an toàn thông tin ngày càng cao, thách thức cho công tác đảm bảo an toàn thông tin ngày càng lớn.

Theo Thứ trưởng Hồng, một số vấn đề đặt ra là, công tác đảm bảo an toàn thông tin chưa thực sự quan tâm đến an toàn thông tin, khảo sát thực tế cho thấy nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở VN đang buông lỏng, hầu như không áp dụng các biện pháp tối thiểu để đảm bảo an toàn thông tin và chưa có quy trình, thao tác chuẩn để ứng phó khi sự cố xảy ra.Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn, quy chẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thông tin còn thiếu, chưa đầy đủ nên chưa có cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp quản lý cũng như kỹ thuật mà nhiều nước tiên tiến đã và đang áp dụng.

Đánh giá của tổ chức quốc tế, VN luôn nằm trong danh sách các nước có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại, mã độc hại ở mức cao…

Ngày 1/7/2014 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết 36 – NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững  và hội nhập quốc tế trong đó, khẳng định quan điểm “VN cần tăng cường khả năng làm chủ, sáng tạo công nghệ, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng”.

Ông Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin tóm tắt lại những sự kiện thể chế hóa, theo đó, Dự thảo Luật an toàn thông tin sẽ được trình QH phê duyệt vào năm 2015 tới, đây là một văn bản quan trọng bởi không phải một quốc gia nào cũng có một văn bản mang tính chất luận mà còn tổng hợp tất cả các vấn đề an toàn thông tin trong đó như dự thảo luật về an toàn thông tin. “Đây sẽ là nền móng cho tất cả các hoạt động về an toàn thông tin trong xã hội”, ông Thành đánh giá.

Theo ông Thành, hiện tại đã có 15 trường đại học được cấp phép đào tạo về an toàn thông tin, nhiều trường đại học đã bắt đầu tuyển sinh trong năm nay.

Vào gần cuối năm, chúng ta chứng kiến một vụ tấn công trực diện vào các doanh nghiệp và gây thiệt hại về tài chính, uy tín cũng như làm đóng băng các doanh nghiệp đó bằng cuộc tấn công vào Tập đoàn VCcorp.

Ông Nguyễn Duy Ngọc, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin VN trả lời ANTT (Ảnh: Kiều Chinh)

Hiệp hội An toàn thông tin cũng đánh giá đây là sự leo thang của hoạt động tấn công trực diện vào doanh nghiệp này, bởi vì so với trước đây thì nó táo bạo hơn, mạnh mẽ hơn, ngay cả khi các cơ quan an ninh điều tra vào cuộc thì các cuộc tấn công vẫn tiếp tục xảy ra, điều này chứng tỏ tầm nguy hiểm lớn hơn đối với tổ chức và doanh nghiệp trước sự tấn công của các hacker.

“Lần đầu tiên VN bị tấn công vào dữ liệu cá nhân trên diện rộng, điển hình là 14.000 smartphone bị cài đặt phần mềm intractor, điều này cũng chứng tỏ những kinh nghiệm xấu của thế giới truyền đã đến VN, có những phần mềm được cài đặt trên các thiết bị của chúng ta để theo dõi thu thập thông tin cá nhân”. Ông Thành nói.

Một điều đáng lo ngại nữa là những cuộc tấn công từ các mạng xã hội như phát tán trên Facebook, ông Thành cũng nhận đinh: “Facebook là một mạng xã hội phổ biến nhất ở VN và phát triển với tốc tộ có thể nói là rất cao, các hình thức lừa đảo đã xuất hiện trên các mạng xã hội này, đánh dấu một trào lưu mới, nguy hiểm và đang phát triển”.

Trả lời phóng viên ANTT, ông Nguyễn Duy Ngọc, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin VN cho biết: “Tình hình an ninh thông tin của VN hiện nay nói chung là chưa tốt, ý thức của các doanh nghiệp, của những người sử dụng các hệ thống của công nghệ thông tin còn thấp, nên việc mất an toàn thông tin xảy ra thường xuyên, Nhà nước, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như Hiệp hội An toàn thông tin đã nhiều lần khuyến cáo, nhưng nói chung xuất phát từ chỗ chúng ta rất dễ dãi trong việc sử dụng các dịch vụ, phần mềm, rẻ tiền, dễ dàng nên rất tùy tiện, chính vì thế việc mất an toàn thông tin đang ở giai đoạn rất phổ biển nên đây là điều cảnh tỉnh, cảnh báo rất lớn. Theo tôi nghĩ, điều này cũng có cái tốt của nó, vì sẽ làm chúng ta nhanh chóng can thiệp, có những biện pháp, kể cả về mặt quản lý nhà nước, người dân ta có tư tưởng “mất bò mới lo làm chuồng” nên khi bị tấn công thì không thể để thế được, tôi tin là thời gian tới sẽ tốt hơn, nhưng với những vấn đề nóng như hiện tại còn rất là tồi”.

Theo ông Ngọc, yếu tố quan trọng nhất trong cuộc chiến về an toàn thông tin chính là con người, “ con người có ý thức tốt, bản lĩnh tốt, trình độ cao thì an toàn thông tin tốt, VN có một thế mạnh là con người, nhưng phải đầu tư một cách cơ bản, giờ chúng ta đang thiếu cả số lượng và đặc biệt là thiếu về chất lượng, sau khi có con người tốt, chúng ta sẽ bình tĩnh nghĩ lại để thiết kế một hệ thống sử dụng làm sao để cho đảm bảo, sau đó ta mua sắm những thiết bị, mua sắm những phần mềm cần thiết”.

Báo chí đưa tin: Nhanh nhưng phải đúng

Chia sẻ với PV ANTT về việc đảm bảo an toàn thông tin báo chí, ông Nguyễn Duy Ngọc, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin nhận định: Báo chí quan trọng là cạnh tranh thông tin nhanh nhưng bên cạnh cái nhanh cần chính xác và đúng mức.

Thời gian gần đây nhiều cơ quan báo chí bị phạt vì đăng thông tin sai, ông có nhận định thế nào về vấn đề này?

Thực ra ở đâu cũng thế thôi, đối với người làm báo, người đưa tin điều quan trọng nhất là “nhanh”, nhưng bên cạnh cái nhanh thì cần chính xác và đúng mức, nếu chỉ nhanh thôi mà không chính xác người ta chỉ bị lừa 1 – 2 lần thôi rồi người ta không đọc, nhưng chính xác mà phân vân quá, chặt chẽ quá không đưa ngay để báo khác đưa trước thì cũng không được. Tôi rất buồn khi đọc được những thông tin mang tính thương mại, đưa thông tin giật gân, điều này rất dở khi làm cho mọi người truy cập mạng, trang báo của mình rất nhiều để lấy quảng cáo nhưng cứ tiếp tục như thế người ta sẽ không muốn đọc nữa, thông tin chính xác vẫn luôn là điều quan trọng nhất.

Vậy nếu trong trường hợp cá nhân hoặc tổ chức tố cáo ngược lại báo chí sai sự thật thì sẽ bị xử lý thế nào thưa ông?

Cái đó nên phạt, bởi thực tế trong việc đấu tranh chống tiêu cực ở VN trong nhiều lĩnh vực thì báo chí có vai trò rất lớn, thậm chí có nhiều trường hợp báo chí gần như đóng vai trò quyết định, các cơ quan công quyền vì nhiều lý do khác nhau không vạch được các tiêu cực, không nêu được cái xấu thì báo chí vào cuộc.

Mặt trái của báo chí như tôi đã nói có thể có những thông tin không chính xác, nhưng nói đến mặt tốt của báo chí thì phải kể đến rằng, khi báo chí nêu lên những  cái xấu thì động chạm đến quyền lợi của những người bị nêu ra thế là họ gồng lên để chống lại báo chí, họ bôi xấu người đưa tin, thế nên, cái thật – giả lẫn lộn, người đọc đứng trước áp lực cái nào là đúng, cái nào là chân lý, báo chí đúng hay những người kia đúng.

Nhiều khi những người được báo chí phản ánh là có sai phạm lại sử dụng kênh truyền thông khác của mình để tấn công lại cơ quan truyền thông kia, trong khi cơ quan truyền thông kia là chính xác. Đấy cũng là một điều buồn.

Kiều Chinh - Tú Anh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến