Dòng sự kiện:
Ngân hàng ACB đã xử sao với 719 tỷ đồng bị Huyền Như lừa đảo?
24/08/2015 20:06:10
ANTT.VN – Mặc dù cam phận mất trắng 695 tỷ đồng cho “siêu lừa” Huyền Như, song theo các thông tin trong BCTC vừa được công bố, Ngân hàng Á Châu (ACB) vẫn chưa thôi hi vọng về việc đòi lại hơn 24 tỷ đồng từ Vietinbank. Đồng thời, còn có tới 1.172 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn khác đã được ACB đem gửi tại GPBank và Ngân hàng Xây dựng cũng “chưa thấy ngày về”.

Tin liên quan

"Đại án" Huyền Như đã để lại cho Ngân hàng ACB nhiều hệ lụy...

Thông tin trong Báo cáo tài chính Quý II/2015 mới được Ngân hàng TMCP Á Châu – ACB công bố cho thấy, trong sáu tháng đầu năm 2015, ACB đã dùng toàn bộ số tiền dự phòng 694.830 triệu VND đã trích lập để xử lý rủi ro cho khoản tiền gửi 718.908 triệu VND tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Vietinbank.

Khoản tiền gửi khổng lồ này vốn có nguồn gốc từ 719 tỷ đồng mà các lãnh đạo ACB đã ủy thác cho 19 nhân viên của mình gửi vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TP.HCM trong giai đoạn từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 9 năm 2011 để hưởng lãi suất theo hợp đồng 14%/năm và lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 3,7-13%/năm. Song như đã biết, toàn bộ số tiền này sau đó đã bị Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên là Phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh TP.HCM, Quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, lừa đảo chiếm đoạt.

Khi sự việc vỡ lở và khởi dẫn ra 2 đại án ngân hàng (vụ án “siêu lừa” Huyền Như, và vụ án “bầu” Kiên), câu chuyện về trách nhiệm bồi thường khoản tiền gửi 719 tỷ đồng cũng như các trách nhiệm có liên quan khác đã khiến ACB và Vietinbank xung đột gay gắt trong mỗi lần tranh tụng tại các phiên tòa. ACB cho rằng Vietinbank phải có trách nhiệm bồi hoàn và khắc phục các hậu quả mà Huyền Như để lại; trong khi Vietinbank lại một mực phủ nhận và khẳng định vô can.

Còn trên quan điểm của Viện kiểm sát, ACB đã tự đặt mình vào tình trạng pháp lý để pháp luật không thể bảo vệ: “Việc mất tiền của ACB xuất phát từ lỗi của lãnh đạo ACB và Huỳnh Thị Bảo Ngọc và lỗi của nhân viên ACB tạo điều kiện thuận lợi cho Huyền Như chiếm đoạt. Chính ACB đã giao dịch trái pháp luật nên không được pháp luật bảo vệ, và vì lý do đó ACB phải chịu trách nhiệm về việc bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 718 tỉ đồng”.

"Ngân hàng A" chính là Vietinbank

Cuối cùng, theo quyết định của bản án phúc thẩm, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án Huỳnh Thị Huyền Như phải bồi thường 694.830 triệu VND cho Ngân hàng ACB; còn nghĩa vụ hoàn trả 24.078 triệu VND còn lại (trong 19 tài khoản tiền gửi tại Vietinbank) thuộc về trách nhiệm của Vietinbank.

Cá nhân này được xem là có ít khả năng hoàn trả lại số tiền 694.830 triệu VND cho Ngân hàng”, ACB thừa nhận hiện thực “vô vọng” trong thuyết minh BCTC vừa được phát hành.

Trên cơ sở đó, tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2014, Ngân hàng đã thực hiện trích lập dự phòng cho toàn bộ số tiền được đánh giá không có khả năng thu hồi và thoái toàn bộ lãi dự thu liên quan đến các khoản tiền gửi này.

Trong sáu tháng đầu năm 2015, Ngân hàng đã sử dụng toàn bộ số tiền dự phòng đã trích lập để xử lý rủi ro đối với khoản tiền gửi không có khả năng thu hồi này”, ACB cho biết.

Như vậy, với động thái nêu trên, tuy đã cam phận mất trắng gần 695 tỷ đồng cho “siêu lừa” Huyền Như song Ngân hàng Á Châu vẫn chưa thôi hi vọng về việc đòi lại hơn 24 tỷ đồng từ Vietinbank.

Theo BCTC, 24.078 triệu VND nêu trên hiện vẫn được bộ phận kế toán của ACB ghi nhận trong tài khoản tiền gửi có kỳ hạn nhưng “đã quá hạn” và cho hay: “Tất cả các nhân viên nhận ủy thác gửi tiền của Ngân hàng đã khởi kiện tại tòa án yêu cầu Ngân hàng A (ám chỉ Vietinbank – PV) hoàn trả gốc và lãi của các khoản này”.

1.172 tỷ đồng “chưa rõ ngày về”...

Trong danh mục các ngân hàng mà ACB đem tiền gửi có kỳ hạn, đáng nói ở chỗ, Vietinbank không phải là cái tên duy nhất mà đến hạn ACB vẫn chẳng thể thu lại được tiền.

"Ngân hàng B" chính là GPBank, còn "Ngân hàng C" là VNCB

Bởi lẽ, vẫn còn tới 1.172 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn khác đã được ACB đem đi gửi ở 02 ngân hàng vẫn “chưa thấy ngày về”, dù thực chất đã quá hạn từ lâu.

Đáng lo hơn khi cả 02 ngân hàng mà ACB đã đặt trọn niềm tin hiện đều bị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “mua lại với giá 0 đồng”: GPBank - nơi ACB gửi 772 tỷ đồng; và Ngân hàng Xây dựng (VNCB) – nơi ACB gửi 400 tỷ đồng.

Đặc biệt, giá trị trích lập dự phòng rủi ro cho 1.172 tỷ đồng tiền gửi “chưa thấy ngày về” nêu trên hiện cũng còn rất hạn chế.

ANTT.VN sẽ tiếp tục thông tin...

Ninh Giang

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến