Dòng sự kiện:
“Ngân hàng không giấy tờ” thời số hóa
10/10/2015 11:40:12
ANTT.VN – Thay vì mất 3-5 ngày để phê duyệt một khoản vay như hiện nay, mô hình ngân hàng thời số hóa hoàn thiện thủ tục cho khách hàng chỉ mất 10 phút. Tất cả mọi giao dịch được thực hiện trên máy tính, smartphone hay các thiết bị công nghệ mà không cần giao dịch viên hay bộ phận back-office.

Tin liên quan

 

“Với sự bùng nổ của thời đại số hóa, ngành ngân hàng muốn tồn tại và phát triển bắt buộc phải tiến hành đổi mới, thay đổi mô hình hoạt động và các dịch vụ sản phẩm, đặc biệt là dịch vụ ngân hàng điện tử E-banking” - ông Douglas Jackson, GĐ khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Tập đoàn tư vấn quản trị BCG nhận định tại hội thảo thường niên khu vực ASEAN hôm qua.

Nhìn nhận về trước đó, ông Douglas Jackson cho rằng, các ngân hàng hoạt động chậm chạp theo mô hình truyền thống, kém đổi mới đã dẫn tới sự khai tử của nhiều ngân hàng, nhưng bây giờ ngành ngân hàng đã có sự thay đổi lớn.

“Sự thay đổi này được thể hiện ở sự gia tăng và mở rộng nhiều dịch vụ giao dịch trực tuyến đã tạo nên dữ liệu ngân hàng lớn và tạo thêm vị thế cho ngân hàng” – ông nói – “Tin tốt lành là ngân hàng ở khắp nơi trên thế giới, họ không ngồi yên một chỗ khi có hàng ngàn ý tưởng sáng tạo diễn ra một ngày”.

Với mô hình ngân hàng hiện đại, cơ sở dữ liệu của khách hàng đều được tích hợp vào các chip điện tử và lưu trữ tại nhà băng, mọi thủ tục chỉ cần giao dịch trên máy tính hay smartphone hay bất cứ món đồ công nghệ nào mà mọi người đang sở hữu.

Khi đó, bộ phận back-office sẽ không còn cần thiết vì không còn giao dịch viên ngồi tiếp khách hàng, trao tiền mặt tận tay khách hàng. Khi đó, hoạt động mở tài khoản sẽ chỉ mất 5 phút thay vì 30 phút, thủ tục phê duyệt khoản vay chỉ mất 10 phút thay vì 3-5 ngày như hiện nay.

Khách hàng sẽ không cần phải ký xác nhận hàng trăm trang giấy để hoàn tất các thủ tục đối với ngân hàng, tất cả đều được giao dịch qua điện tử.

Mô hình gần như không tưởng trên đã xuất hiện trên thế giới và đặc biệt thành công tại Malaysia. Easy RHB thành lập với chi phí chỉ bằng 1/7 so với ngân hàng thông thường nhưng tỷ suất lợi nhuận đã đạt gấp 8 lần và hiện đã phát triển thần tốc, chiếm 60% thị phần tại Malaysia.

Phát biểu tại Hội thảo thường niên, ông William Anthony Jennings – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Viện BTCI đánh giá, trong những năm qua, Việt Nam đã chứng kiến sự thay đổi rất lớn từ ngành ngân hàng, trong đó, tính sáng tạo là một trong những ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng.

Ông cho biết thêm, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã thấy sự phát triển của các ngân hàng bán lẻ. Chính sức ép về đổi mới, tái cơ cấu ngành ngân hàng đã khiến cho các ngân hàng cạnh tranh đưa ra những sản phẩm mới, các cải tiến về quá trình vận hành, quy trình nghiệp vụ và tập trung phát triển ngành nhân sự cao…

Còn theo ông Nguyễn Hữu Thái Hòa – Nguyên Giám đốc chiến lược Tập đoàn FPT, công nghệ thông tin là phương thức phát triển mới và nếu các ngân hàng không đổi mới để áp dụng chắc chắn sẽ khó phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

“Tăng năng lực cạnh tranh bằng công nghệ thông tin mỗi năm Việt Nam sẽ cộng thêm 5% vào GDP. Chỉ một quốc gia không chịu phát triển mới không ứng dụng điều này” – ông Nguyễn Hữu Thái Hòa nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với những ý kiến trên, giớiÔng Shahrizal Suffian, Giám đốc Tư vấn của Hay Group Malaysia, Giám đốc phụ trách mảng tài chính ngân hàng cho rằng Việt Nam hiện nay vẫn là một thị trường đầy tiềm năng khi có hơn 40 triệu dân kết nối Internet, tỷ lệ sử dụng đồ công nghệ cao đứng hàng đầu thế giới.

Họ là những khách hàng tiềm năng của các ngân hàng. Song, các ngân hàng cần phải đầu tư hơn vào nhân lực, trẻ hóa đội ngũ nhân sự và tính toán làm thế nào cải thiện đồng chi phí bỏ ra mà hiệu quả đem lại là tốt nhất.

Các chuyên gia thảo luận tại buổi hội thảo thường niên với chủ đề "Đổi mới trong ngành tài chính ngân hàng"

Nhưng khung pháp lý tại Việt Nam hiện nay cũng có thể là một trở ngại để các ngân hàng mở rộng các hoạt đông dịch vụ – ông Đỗ Tuấn Anh, phó chủ tịch HĐQT ngân hàng Techcombank chia sẻ tại buổi tọa đàm.

“Chúng ta không thể đưa một khung pháp lý cho một sự lớn mạnh của một dịch vụ tài chính ngân hàng đang không ngừng phát triển theo cách mà chúng ta đã làm trước đây. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước cũng đang rất lưu ý vấn đề này. Tuy nhiên, tôi nghĩ cần có sự đột phá về tư duy cũng như bước đi mạnh mẽ hơn” – vị lãnh đạo nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng nhận định.

Hoa Liên

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến