Dòng sự kiện:
Ngân hàng nhà nước sẽ nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính
12/06/2019 10:04:52
Ngân hàng nhà nước (NHNN) cũng nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho người dân, khuyến khích sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt...

Nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân theo chủ trương của Chính phủ, bên cạnh hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và chính sách về thanh toán, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào các sản phẩm, dịch vụ thanh toán đảm bảo tiện ích, an toàn, bảo mật, chi phí hợp lý; tích cực triển khai Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công, góp phần đa dạng hóa các kênh thu, nộp tạo nhiều tiện ích và thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đẩy mạnh truyền thông, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho người dân, khuyến khích sử dụng các phương thức TTKDTM. NHNN đã chủ động xây dựng nội dung, phối hợp thực hiện các chương trình giáo dục tài chính được dư luận đánh giá cao như “Tiền khéo tiền khôn”, “Những đứa trẻ thông thái”, cuộc thi “Hiểu đúng về tiền”, “Đồng tiền thông thái”...

Nhờ đó hoạt động thanh toán trong nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực: Nhiều chỉ tiêu TTKDTM có tốc độ tăng trưởng cao (so cùng kỳ năm 2018); khuôn khổ pháp lý tiếp tục được hoàn thiện; hạ tầng thanh toán đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển của nền kinh tế, ứng dụng công nghệ mới cho ra đời các phương tiện, dịch vụ thanh toán hiện đại, tiện ích; an toàn, bảo mật luôn được coi trọng và là ưu tiên hàng đầu; quyền lợi hợp pháp của khách hàng luôn được quan tâm và bảo vệ.

Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Phạm Tiến Dũng cho biết, trong Quý I/2019, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 18,45% so với cùng kỳ năm 2018 với tổng số tiền giao dịch hơn 171 nghìn tỷ đồng. Số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng khoảng 66% với giá trị giao dịch tăng khoảng 13,46% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong thanh toán điện tử, nhất là qua điện thoại di động; số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt hơn 76 triệu giao dịch với giá trị giao dịch hơn 924 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 97,75% và 232,3% so với cùng kỳ năm 2018). Theo Khảo sát tiêu dùng toàn cầu năm 2019 mới đây của PwC, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động và mức tăng của Việt Nam là ấn tượng nhất trong số 6 quốc gia Đông Nam Á tham gia khảo sát toàn cầu.

Có thể nói, những kết quả trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã góp phần quan trọng nâng hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam. Hồi tháng 5/2018, Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ BB- lên BB; nâng triển vọng từ mức “Tích cực” sang “Ổn định” và tiếp tục duy trì mức xếp hạng BB (tháng 5/2019)​​; Moody’s nâng từ B1 lên BA3 (tháng 8/2018); đặc biệt, tổ chức S&P lần đầu tiên sau 9 năm đã điều chỉnh nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ BB- lên BB (tháng 4/2019).​ S&P đánh giá cao tầm quan trọng của NHNN trong điều hành CSTT phù hợp với chính sách tài khóa và những chính sách kinh tế phát triển khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững. 

Vừa qua, Chính phủ đã có buổi làm việc với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm đánh giá kinh tế Việt Nam, nhận định những cơ hội và thách thức trong thời gian tới và đưa ra các khuyến nghị chính sách. IMF đã đánh giá cao các nỗ lực của NHNN trong việc điều hành chính sách tiền tệ, trong đó đã rất thành công trong việc sử dụng cơ chế tỷ giá trung tâm và thực hiện các biện pháp can thiệp tỷ giá một cách khéo léo để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, tăng dự trữ ngoại hối trong điều kiện thuận lợi. Đồng thời, IMF cũng rất hoan nghênh việc NHNN tiếp tục nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính thông qua việc giảm trần tăng trưởng tín dụng đối với hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) và kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro.

PV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến