Dòng sự kiện:
Ngân sách chi lãng phí, lương cơ bản 3 năm không tăng
03/11/2015 09:51:14
ANTT.VN – Trong phiên thảo luận ở hội trường ngày 2/11 và sáng 3/11 về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2015 và kế hoạch phát triển KTXH năm 2016, nhiều đại biểu đã dành thời gian để bàn về nghịch lý ngân sách chi tiêu lãng phí trong khi lương cơ bản của người lao động 3 năm không được tăng.

Tin liên quan

Quản lý thu chi ngân sách còn nhiều bất cập

Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) phát biểu cho rằng 3 trở ngại lớn nhất của nền kinh tế hiện tại là: Bộ máy nhà nước quá cồng kềnh, thủ tục hành chính rườm rà; Quản lý khai thác sử dụng đất đai tài nguyên còn lãng phí, quy hoạch treo nhiều; Quản lý thu chi ngân sách còn nhiều bất cập, chi thường xuyên cao, chi đầu tư phát triển thấp, gian lận trốn thuế, bội chi cao, nợ công cao. Theo đại biểu Tuân, tình trạng thu chi ngân sách bất hợp lý gây bất ổn cho những năm tiếp theo, Chính phủ cần có biện pháp cơ cấu lại nợ tránh nguy cơ đổ vỡ nền kinh tế.

Đại biểu quốc hội Lê Nam (Thanh Hóa)

Nói về sử dụng ngân sách lãng phí, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) dẫ chứng từ tấm gương cần kiệm của Hồ chủ tịch. Đại biểu nói: "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu khi Người qua đời thì hỏa táng, không được tổ chức phúng viếng linh đình làm tốn kém tiền bạc và thời gian của Nhân dân. Bác Hồ thì mong “áo vải hồn muôn trượng”, thế nhưng chúng ta đã cho làm nhiều tượng đài Bác Hồ và quảng trường hoành tráng tốn kém, và còn dự kiến làm thêm, trong khi ngân sách ngày càng khó khăn”. Ông Nam đề nghị “Chính phủ cần báo cáo việc này với QH và cần sớm chấn chỉnh”.

Nguyên nhân khiến ngân sách khó khăn, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) là do ”Địa phương nào cũng đề xuất tăng đầu tư công nhưng không ai đề xuất các giải pháp tăng thu thuế. Dù mgành thuế, hải quan rất nhiều cố gắng những nợ thuế, gian lận thương mại vẫn xảy ra,… nhiều doanh nghiệp làm ăn tốt những trốn thuế chiếm lợi nhuận. Nguyên nhân là do thành lập quá dễ dãi, nợ thuế thì DN dễ dàng đóng cửa để thành lập DN khác”.

Năng suất lao động thấp không phải do người lao động

Nhiều đại biểu cho rằng: trong khi chi ngân sách còn nhiều lãng phí, bất cập, việc Chính phủ trì hoãn tăng lương theo lộ trình cho người lao động là điều không hợp lý.

Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) phản ánh: “… tiền lương thấp hiện nay là nguyên nhân tạo ra những hệ lụy ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh và tâm tư, đời sống của người lao động” và đề nghị “Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất để sớm xây dựng ban hành Luật tiền lương tối thiểu, đảm bảo tiền lương đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động:.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng tán thành việc cắt giảm một số khoản chi tiêu công chưa cần thiết để thực hiện tăng lương theo lộ trình.

Đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái) cho rằng một trong những vấn đề Chính phủ cần tập trung chỉ đạo sát sao là điều chỉnh tăng lương đồng thời tăng lương trợ cấp ưu đãi người có công, nhưng không nên cào bằng, cần chú ý đối tượng hưu trí có mức lương thấp hơn mức lương cơ sở, những đối tượng về hưu những 1993 trở về trước. Đại biểu cũng phản ánh: trong khi mọi thứ giá cả tăng cao thì lương 3 năm nay chưa tăng

Trong năm nay đã diễn ra cuộc thương lượng gay go để tăng lương tối thiểu vùng 2016, tuy nhiên mức tăng 14,2% là quá thấp. Đại diện doanh nghiệp đổ lỗi cho năng suất lao động của người lao động chưa cao.

Về vấn đề này, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) phản ánh: “Tôi cho rằng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người lao động, vì người Việt Nam có truyền thống cần cù, sáng tạo và rất nhiều phẩm chất tốt đẹp khác. Gần đây trên truyền hình có phát một phóng sự về một số chợ lao động ở Hà Nội. Cứ mỗi khi có một xe máy dừng lại hoặc một ô tô dừng lại thì cả nhóm người ùa đến, với một hy vọng, khát khao có việc làm. Hàng triệu người lao động ở các khu công nghiệp, các doanh nghiệp khác cũng đang cần mẫn làm việc, sẵn sàng làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập. Những con người như vậy lẽ nào là nguyên nhân chính của năng suất lao động thấp?”

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên)

Theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, năng suất lao động thấp là do 3 nguyên nhân chính: Một là do thiết bị, công nghệ lạc hậu; Hailà  quản trị doanh nghiệp ở nhiều doanh nghiệp, quản trị xã hội ở nhiều địa phương yếu kém; Ba là tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ còn thấp, chỉ đạt trên 20%. Nguyên nhân này không phải lỗi hoàn toàn từ phía người lao động.

Liên quan đến chính sách tiền lương, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) nhấn mạnh, hiện tại bộ máy ăn lương nhà nước đang quá lớn, vượt khả năng chịu đựng của ngân sách nhà nước. “Trung ương chủ trương tinh giản biên chế để đảm bảo đời sống cho NLĐ, nhưng tôi tin là không giảm được vì không biết… giảm ai!” - ông Nam thẳng thắn nói. Theo ĐB Lê Nam, để làm được điều này, Chính phủ cần sớm nghiên cứu những trăn trở về đổi mới ở các địa phương như sáp nhập các cơ quan Đảng và Nhà nước ở Quảng Ninh, cổ phần hóa một số bệnh viện…

“Nhà nước cần quan tâm hơn đến chế độ bảo hiểm y tế, các chính sách mới về học phí… chấm dứt kiểu bao cấp và nếu thay đổi được thì bộ máy cồng kềnh mới được giảm nhẹ, các chi tiêu cũng được cắt bớt và theo đó mới đảm bảo được chính sách tiền lương” – ông Nam nói.

Đ. Minh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến