Ngân sách mà biết nói năng…
ANTT.VN – Ngày mai 1/8, toàn bộ hàng cây mỡ mới được “đóng thế” cây vàng tâm trồng trên phố Nguyễn Chí Thanh sẽ bị Hà Nội “khai tử” để trồng 247 cây lát hoa – thông tin vừa được Sở xây dựng công bố ngày 30/7.
Tin liên quan
- Kết luận thanh tra: Duyệt cây vàng tâm lại trồng ... cây mỡ
- 382 cây vàng tâm được trồng mới trên đường Nguyễn Chí Thanh
- Cây Mỡ được trồng “oan” trên đường Nguyễn Chí Thanh giờ ra sao?
Trước đó dịp tháng 3, thành phố đã cho phép thay thế toàn bộ gần 400 cây xanh (gồm hoa sữa, keo và một số chủng loại khác) trên đường Nguyễn Chí Thanh bằng cây vàng tâm. Việc chặt hạ và thay thế cây xanh tại con đường từng đạt giải Con đường đẹp nhất Việt Nam này đã vấp phải phản ứng quyết liệt của nhân dân và một số nhà khoa học.
Dư luận cũng tranh cãi cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh không phải vàng tâm mà là cây mỡ. Dự án đã phải tạm dừng để rà soát lại. Và kết quả giám định của Viện Khoa học lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn) và xác minh từ nguồn gốc cung cấp đã khẳng định đó là cây mỡ.
Cây lát hoa đang được trồng trên phố Kim Mã (ảnh: internet)
Bây giờ, lý giải tại sao phải “khai tử” cây mỡ, Viện phó một viện chuyên môn ở Hà Nội nói hồn nhiên: trong quá trình trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh, do những tác động khác nhau nên có một số cây bị chết hẳn, một số cây đã ra chồi nhưng sinh trưởng kém, do vậy, toàn bộ cây gỗ mỡ trên tuyến đường này sẽ được trồng thay thế bằng 247 cây lát hoa (!!!)
Sự việc chặt/nhổ cây này trồng cây khác trên đường Nguyễn Chí Thanh khiến dư luận liên hệ với vụ sơn đi sơn lại Nhà hát lớn vừa mới xảy ra. Trong đợt trùng tu định kỳ, người dân thủ đô ngỡ ngàng khi Nhà hát lớn – công trình mang biểu tượng kiến trúc Pháp của thủ đô bỗng dưng bị sơn màu vàng “báo dịch tả”, giống như một tiểu thư sang trọng đài các bỗng dưng khoác lên mình tấm áo lòe loẹt của cô gái quê lần đầu ra tỉnh.
Lại vấp phải dư luận, Hà Nội lại nhanh chóng tiếp thu và khẩn trương dùng sơn trắng “dập” đi màu vàng chóe rồi chờ khô để sơn trả lại màu vàng nhạt như cũ. Khi được báo chí hỏi sơn đi sơn lại như vậy mất bao nhiêu tiền, một chức sắc Nhà hát lớn cho biết: “Ít lắm, chỉ vài tỉ thôi”.
Viết đến đây, tôi tự hỏi: cầu Long Biên – cây cầu lịch sử 110 năm tuổi của thủ đô cũng đang được sơn lại màu ghi xám, không biết thành phố đã cân nhắc kỹ chưa? Nếu cũng vấp phải dư luận, liệu có phải sơn lại không? Hi vọng là dư luận sẽ không lên tiếng, vì chi phí sơn cầu Long Biên chắc chắn cao hơn nhiều so với Nhà hát lớn.
Sự vụ trồng – chặt cây, mới hóa di tích theo kiểu “đẽo cày giữa đường” từ lâu đã trở thành một căn bệnh thâm căn cố đế của thủ đô nghìn năm văn hiến.
Còn nhớ, vào tháng 4/2010, là vụ cậy đá lát vỉa hè quanh Hồ Gươm đang còn đẹp cổ kính để lát đá xanh nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, với kinh phí dự kiến 40 tỉ đồng, cũng bị người dân phản đối kịch liệt.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng là một trong những học giả có ý kiến phản biện nhiều nhất. Ông cho rằng vẻ đẹp của Hồ Gươm nằm ở nét cổ kính, việc lát đá xanh quanh Hồ Gươm cũng ngớ ngẩn không khác gì việc sơn lại Tháp Rùa. Cũng đã một lần người ta sơn màu hồng nhạt cho Tháp Rùa và bị chỉ trích, rất may sau đó do đặc trưng khí hậu nóng ẩm nên Tháp Rùa đã nhanh chóng bị phủ ra ngoài một lớp rêu phong như cũ.
Ngoài ra, theo GS Nguyễn Lân Dũng, việc lấy đá của Thanh Hóa ra lát Hồ Gươm là rất sai lầm về mặt khoa học. Đá xanh rất trơn, rêu dễ mọc, lại không thoát nước. Đấy là chưa kể phải chở đá từ Thanh Hóa ra rất tốn kém.
Trước nữa, là cái điệp khúc đào đường rồi lại san lấp như cơm bữa. Mỗi năm, nội thành Hà Nội có hàng trăm tuyến phố bị đào bới để hạ ngầm cáp viễn thông, điện lực và lắp đặt đường ống cấp nước, thoát nước... Tùy tiện đào rồi lại lấp, tốn kém nhiều tiền của công sức, sau đó việc hoàn trả mặt đường đôi khi được thực hiện thiếu đồng bộ khiến cho đường sá Hà Nội như manh áo vá.
Giữa những ồn ào tranh cãi, câu hỏi mà bất cứ ai cũng đều muốn biết là các vụ trồng – chặt, sơn đi sơn lại, cậy lên lát lại… kia mất bao nhiêu tiền và lấy ở đâu ra. Dù là tiền lấy ở ngân sách nhưng “ít lắm, chỉ vài tỉ thôi” như Nhà hát lớn hay là tiền lấy từ nguồn kinh phí xã hội hóa như đề án thay thế cây xanh thì cũng đều xuất phát từ một nguồn duy nhất: đóng góp của nhân dân.
Phải cái, dư luận tuy hay ý kiến ý cò, nhưng tựu trung lại vô cùng nhân hậu và dễ thỏa hiệp. Chứ ngân sách mà biết nói năng, thì chắc chắn nhiều quan chức cán bộ “nhiều thứ” ... chẳng được còn !!
HÀN.
Nên đọc
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Nóng cùng chuyên mục
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
Đang phổ biến
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy