Dòng sự kiện:
Người dân Huế bất an trước tình trạng khai thác cát trái phép ở Suối Voi
22/10/2018 20:04:32
Người dân ở huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) đang mong chờ Suối Voi trở thành điểm nghỉ dưỡng đẳng cấp nhưng với việc khai thác cát ngay cạnh đó đang khiến nhiều người lo lắng.

Suối Voi thuộc xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế từ lâu đã trở thành điểm đến lý tưởng không chỉ cho các khách du lịch địa phương, các tỉnh thành lân cận mà còn dành cho các du khách nước ngoài mỗi độ hè về.

Mới đây, để biến suối Voi thành một khu du lịch đẳng cấp, tránh sự lãng phí tài nguyên du lịch, một doanh nghiệp đã quyết định đầu tư vào điểm đến này. Dự án Khu du lịch Suối Voi sẽ được Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoa Lư - Huế đầu tư với vốn đăng ký 218,2 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 51,1ha, hứa hẹn nơi đây sẽ thành điểm đến tiềm năng trên bản đồ nghỉ dưỡng sinh thái quốc tế nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

Thế nhưng, với những gì đang diễn ra ở con đường dẫn vào khu suối đang khiến người dân ở đây tỏ ra lo lắng về bức tranh của một khu du lịch đẳng cấp trong tương lai.

Con đường dẫn vào khu du lịch Suối Voi đang bị nhiều lượt xe tải khai thác cát băm nát.

Theo phản ánh của người dân ở xã Lộc Tiến, hàng ngày, có hàng trăm lượt xe chở cát chạy ra vào khiến con đường làng bị băm nát với nhiều ổ gà, ổ trâu, trời mưa nước đọng, trời nắng bụi bay mù mịt. Đặc biệt, những chiếc xe tải chở cát này ngang nhiên đi qua rào chắn cổng khu du lịch Suối Voi để vào khu vực mỏ chở cát một cách tự nhiên.

Xe chở cát không che đậy, vượt thùng ngang nhiên tung hoàng trên con đường dẫn vào khu du lịch Suối Voi.

Lần theo đội xe kể trên, PV vào tận khu vực khai thác cát và bất ngờ trước cảnh tượng tan hoang lọt thỏm giữa một bên là núi rừng hùng vĩ, xanh tươi màu cây cối, một bên là nhiều ngôi nhà của người dân khu kinh tế mới 327, thuộc xã Lộc Tiến. Đó là những hố sâu hoắm, không biển báo, rào chắn sơ sài… cách nhà dân khoảng chừng 30m.

Hoạt động khai thác ở Bãi Trằm khiến nhiều người dân bất an.

Theo tìm hiểu, trước đây, khu vực này được Hợp tác xã Song Thủy, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc trồng cây lâm nghiệp và giao cho những hộ dân kinh tế mới quản lý. Sau đó, Hợp tác xã Song Thủy tiếp tục giao cho hộ ông Phan Quang Vương, trú cùng xã hợp đồng trồng sắn K94.

"Tuy nhiên, đến năm 2014, chúng tôi rất bất ngờ khi chính quyền địa phương đến bàn giao đất cho Công ty 368 để khai thác cát. Trước đó, chính quyền có mời họp để đền bù nhưng chúng tôi không đồng ý. Vì việc khai cát này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi sau này", một hộ dân khu kinh tế mới 327 thông tin.

Dù việc khai thác cát này từng được 17 hộ dân ở đây lên tiếng về sự nguy hiểm, ảnh hưởng đến đời sống của bà con từ năm 2015 nhưng đến nay, hoạt động này vẫn ngang nhiên khiến người dân luôn sống trong cảnh bất an.

Bà L.T.M. (55 tuổi), trú ở khu kinh tế mới 327 có nhà nằm sát khu vực khai thác bức xúc: "Khi thấy đơn vị tiến hành căng dây sát đất vườn nhà bà để mở rộng phạm vi khai thác, gia đình tôi đã phản đối quyết liệt. Vì như thế sẽ làm sạt lở đất vườn nhà. Nhiều lần gia đình tôi "đòi sống, đòi chết" mới giữ lại được phần đất này chứ không thì họ cũng múc luôn rồi".

"Phản ánh nhiều rồi nhưng không hiểu sao đến nay mỏ cát này vẫn ngày đêm lấy cát khiến bà con sống trong thấp thỏm. Mong lãnh đạo, Chủ tịch tỉnh về Suối Voi giúp bà con với", anh D.Q.Đ, trú ở khu kinh tế mới 327 chia sẻ.

Những hồ nước sâu được tạo thành sau khi doanh nghiệp lấy múc cát.

Theo điều tra của PV về mỏ cát này, năm 2015, ông Phan Ngọc Thọ, hiện đang là Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, lúc ấy đang là Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định số 31/GP-UBND về việc cấp giấy phép khai thác cát làm vật liệu san lấp Bãi Trằm, xã Lộc Tiến cho Công ty Cổ phần Vật liệu Xây dựng 368.

Trong giấy phép quy định rõ, Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng 368 phải có trách nhiệm khai thác khoáng sản theo đúng tọa độ với diện tích khai thác là 3ha, độ sâu so với bề mặt hiện trạng là 3m, trữ lượng khai thác là 65.000m3, công suất khai thác là 20.000m3/năm. Đồng thời, thực hiện đầy đủ việc bảo vệ, cải tạo và phục hồi môi trường sau khi đóng cửa mỏ.

Quy định rõ là vậy, thế nhưng những gì mà đơn vị khai thác đang tiến hành lại hoàn toàn khác. Qua quan sát, khu vực đã khai thác cát đã tạo thành 1 hồ nước rộng với độ sâu gần chục mét. Ven bờ của hồ nước dần dần lấn sâu vào chân núi cũng như mở rộng sang đất của người dân.

Khu vực khai thác cát lấn vào khu rừng tràm gây sạt lở.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tánh Vũ, Chuyên viên phòng TN&MT huyện Phú Lộc cho biết, trong quá trình khai thác cát của tại mỏ Bãi Trằm các đơn vị chức năng liên quan cũng đã xuống kiểm tra, đúng là có những khu vực qua ghi nhận ban đầu cũng thấy mức sâu khai thác đã vượt quá mức 3m trong quy định cho phép. Đồng thời khẳng định, sau khi nhận nhận được phản ánh từ PV, các đơn vị chức năng liên quan sẽ xuống hiện trường kiểm tra lại, khi xác định được sai phạm sẽ đề xuất đình chỉ ngay.

Trước những lo lắng của người dân về công tác hoàn thổ sau khi công ty khai thác rút đi, ông Vũ cho biết, doanh nghiệp đã ký Quỹ Bảo vệ môi trường với mức 223.630.000 đồng. Nếu sau này việc doanh nghiệp hoàn thổ không đảm bảo, ảnh hưởng đến đường dân sinh của địa phương, chính quyền địa phương sẽ dùng số tiền này để thực hiện việc hoàn trả lại hiện trạng mặt bằng.

Về công tác hoàn thổ, ở một góc nhìn khác, trước những hình ảnh ở khu khai thác Bãi Trằm với hố sâu gần 10m, rộng nhiều ha mà PV cung cấp, Giám đốc của một doanh nghiệp chuyên hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, việc ký Quỹ môi trường là công cụ áp dụng cho các ngành kinh tế dễ gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, các tổ chức, cá nhân khi hoạt động khai thác khoáng sản phải lập dự án cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác và tiến hành ký quỹ tại Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hay Quỹ Bảo vệ môi trường của địa phương nơi có mỏ khai thác.

Mục đích của việc ký quỹ là để đảm bảo tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

"Tuy nhiên, với số tiền hơn 200 triệu đồng mà Công ty 368 đã ký thì không thể hoàn thổ lại mặt bằng được khu vực Bãi Trằm, đó là chưa nói đến kinh phí tu sửa lại đường sá bị hư hỏng", vị giám đốc này khẳng định.

Lê Kông

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến