Dòng sự kiện:
Người Mỹ đang gánh khối nợ tín dụng gần 1.000 tỷ USD
11/06/2023 09:33:26
Tổng nợ thẻ tín dụng ở Mỹ đang ở mức kỷ lục gần 1.000 tỷ USD, trong khi lãi suất thẻ tín dụng nước này hiện lơ lửng trên 20%/năm.

Lạm phát khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất và vay tiền trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng. Ảnh: The Hill.

Theo CNBC, dữ liệu mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy người Mỹ đang gánh khoản nợ thẻ tín dụng kỷ lục, lên đến gần 988 tỷ USD.

“Lạm phát tăng cao nhất trong 40 năm trở lại đây, nhiều người tiêu dùng Mỹ đã sử dụng thẻ tín dụng như một phương pháp chi tiêu để quản lý ngân sách, dẫn đến số dư cao kỷ lục”, Michele Raneri, Phó chủ tịch Nghiên cứu và Tư vấn tại TransUnion, trình bày trong báo cáo chuyên sâu về ngành tín dụng quý I.

Nợ thẻ tín dụng ngày càng tăng

Trong báo cáo mới nhất của TransUnion, trung bình cứ một người Mỹ sẽ mang khoản nợ 5.733 USD trong thẻ tín dụng. Những người trong độ tuổi 40-49 có khoản nợ thẻ tín dụng trung bình khoảng 7.600 USD.

“Gen X đặc biệt bị siết chặt tiêu dùng hơn bởi nợ thẻ tín dụng, vì họ đang sống trong giai đoạn mà mọi chi phí hàng ngày đều trở nên đắt đỏ. Họ có thể bị kẹp giữa việc phải chăm sóc cha mẹ già và chi phí nuôi dạy con cái”, Ted Rossman, nhà phân tích cấp cao tại Bankrate nói với CNBC.

Trong khi đó, những người sử dụng thẻ tín dụng trẻ trong độ tuổi 18-29 có khoản nợ thấp nhất, vào khoảng 2.900 USD. Điều này cũng dễ hiểu vì hầu hết nhóm này mới chỉ bắt đầu sử dụng thẻ tín dụng.

Số nợ thẻ tín dụng trung bình mà người Mỹ đang nắm giữ tính theo độ tuổi. Nguồn: TransUnion.

“Ngày càng có nhiều người phải gánh khoản nợ lớn và tiền lãi phát sinh thì thật đáng sợ", Rossman nói.

Thực tế, lãi suất thẻ tín dụng tại Mỹ hiện lơ lửng trên 20%/năm, theo cập nhật vào ngày 31/5 của Bankrate. Thời điểm này năm ngoái, lãi suất thẻ tín dụng trung bình rơi vào khoảng 16%/năm.

Điều này là do Fed đã có nhiều lần tăng lãi suất kể từ tháng 3/2022. Bối cảnh lãi suất tăng khiến việc vay tiền trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng, chiều hướng cao Fed vẫn tiếp tục chính sách tăng lãi suất trong tương lai để nỗ lực ghì chặt lạm phát.

Theo The Wall Street Journal, người Mỹ đang phải chịu khoản chi phí sinh hoạt và lãi suất tăng cao hơn so với một năm trước, điều đó khiến sức hấp dẫn của các lựa chọn mua sắm theo hình thức mua trước trả sau (Buy Now Pay Later - BNPL) hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Tình trạng tài chính khó khăn khiến người tiêu dùng Mỹ bắt đầu phải sử dụng BNPL đối với cả những món đồ sinh hoạt hay nhu yếu phẩm cần thiết trong gia đình.

Overstock.com cho biết BNPL giúp người mua chia nhỏ chi phí món đồ thành 4 khoản thanh toán trở lên, thường với ít hoặc không tính lãi, gia hạn trả trong vòng vài tuần hoặc vài tháng. Hình thức này giúp người tiêu dùng sở hữu món hàng ngay lập tức nhưng vẫn kéo dài được thời hạn trả tiền.

Nhà bán lẻ đồ đạc và nội thất gia đình trực tuyến Overstock.com đang nhận thấy sự phụ thuộc nhiều hơn vào các tùy chọn BNPL của người Mỹ. Ảnh: Daniel Carde/Bloomberg.

Nếu như trước đây người Mỹ chỉ dùng BNPL cho những khoản chi tiêu lớn, mua sắm đồ nội thất hay xe cộ thì hiện tại việc sử dụng cho cả các mặt hàng thiết yếu hàng ngày chỉ ra rằng họ thực sự đang gặp khó khăn và hạn chế về ngân sách chi tiêu.

Theo Adobe Analytics, vào năm 2022, tỷ lệ mua hàng trực tuyến theo hình thức BNPL tăng 14% so với năm 2021. Đến hai tháng đầu năm nay, tỷ lệ này tiếp tục tăng 10% so với một năm trước.

Phân tích cũng chỉ ra rằng người tiêu dùng Mỹ đang gia tăng sử dụng BNPL để trì hoãn thanh toán các khoản tiền cho nhu yếu phẩm, với tỷ lệ đơn BNPL cho ngành hàng này tăng 40% trong hai tháng đầu năm so với cùng kỳ của 2022.

Vào tháng 3, Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng Mỹ cũng đưa ra báo cáo rằng những người sử dụng BNPL, chiếm khoảng 17% số người vay tiêu dùng từ quý I/2021 đến quý I/2022, có khả năng trễ hạn ít nhất 30 ngày so với những người không sử dụng BNPL là 11 điểm %.

“Nhóm người sử dụng BNPL có khả năng bị vỡ nợ hoặc nếu họ có thể trả các khoản vay ngắn hạn thì vẫn không thể theo kịp mức tiêu dùng của bản thân”, Marco Di Maggio, Giáo sư tài chính tại Đại học Harvard đánh giá.

Còn Nikolai Roussanov, Giáo sư tài chính tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania thì cảnh báo việc sử dụng hình thức BNPL cho mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết đã nói lên mức độ căng thẳng của người tiêu dùng đối với ngân sách. Không hợp lý lắm nếu họ vẫn tiếp tục việc chi tiêu kiểu này vì nó chỉ khiến nợ nần chồng chất nhiều hơn.

Tác giả: Thiên An

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến