Dòng sự kiện:
Nguồn gốc gỗ lim lát đường 'hạng sang' ở Huế: Đâu là sự thật?
11/09/2018 08:33:00
Trước những hoài nghi của dư luận về nguồn gốc gỗ lim lát đường ở Huế, PV ANTT đã gặp những đơn vị liên quan để tìm câu trả lời.

Với những gì đang diễn ra, có thể nói rằng chưa một công trình nào ở Huế lại tốn nhiều giấy mực báo chí, nhiều tranh cãi như dự án đường đi bộ lát bằng gỗ lim ven bờ sông Hương.

Đây là một trong các dự án thí điểm thuộc Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương, do tổ chức hợp tác quốc tế KOICA Hàn Quốc tài trợ với tổng kinh phí 52 tỷ đồng.

Gỗ lim thi công công trình do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Đại Hùng cung ứng.

Ngay từ khi những chiếc cọc đầu tiên được đóng xuống dòng sông Hương thơ mộng, nhiều nhà văn hóa và người dân ở Huế đã bày tỏ lo ngại về tính bền vững của ý tưởng lát sàn bằng gỗ lim do thời tiết nắng nóng, mưa nhiều của xứ Huế.

Và gần đây, khi việc gỗ lim lát con đường này xuất hiện nhiều vết rạn nứt chưa hết nóng thì chuyện nguồn gốc và giá thành thực sự của gỗ lim lại đang tiếp tục làm dư luận dậy sóng.

Việc gỗ lim lát đường bị nứt đã khiến người dân lo ngại về chất lượng công trình.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Đại Hùng (sau đây viết tắt Cty gỗ Đại Hùng) là đơn vị có có hợp đồng cung ứng ván sàn gỗ cho đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Xây dựng thuỷ lợi Thừa Thiên – Huế để làm con đường này.

Phát ngôn với báo chí, ông Lê Trung, Giám đốc Cty gỗ Đại Hùng thông tin, công ty đã cung cấp cho nhà thầu thi công gần 100 khối gỗ lim thành phẩm qua 2 đơn hàng với khoảng 10 đợt.

Người này cũng cho biết, theo hợp đồng, công ty sẽ cung ứng khoảng 160 khối gỗ lim thành phẩm cho nhà thầu thi công. Và lý do công ty được chọn làm nhà cung cấp gỗ lim là do đưa ra giá "tốt hơn" so với các công ty cung ứng gỗ khác. 

Ông Trung tiết lộ, công ty bán gỗ lim cho đơn vị thi công với giá khoảng 28 triệu đồng/khối. Trong đó, chi phí sấy, ngâm hoá chất và bảo quản gỗ thành phẩm do đơn vụ thi công tự chi trả.

Trước khi triển khai dự án, 10 mẫu gỗ lim được công ty này gửi cho chủ đầu tư và đơn vị thi công kiểm định chất lượng, chọn mẫu. Cùng với đó, việc kiểm tra tính pháp lý, nguồn gốc gỗ lim để phục vụ dự án cũng được đơn vị thi công giám sát chặt chẽ.

Ông Lê Trung cho hay, hầu hết gỗ lim phục vụ dự án cầu đi bộ đều được nhập khẩu về Việt Nam thông qua cảng Hải Phòng. Tất cả gỗ lim đều có nguồn gốc từ Nam Phi nhưng khi nhập khẩu, một số được nhập từ các nước khác, trong đó có nước thuộc Nam Mỹ.

Trong số gỗ lim đơn vị này cung ứng cho nhà thầu thi công cầu đi bộ có khoảng 60 – 70 khối gỗ chưa thành phẩm được công ty này nhập về cách đây khoảng 5 – 6 năm nhưng chưa có đơn đặt hàng.

Khi có hợp đồng với đơn vị thi công cầu đi bộ, số gỗ lim "tồn kho" nói trên được vận chuyển từ Đắk Lắk ra Huế và xẻ được khoảng 30 – 40 khối gỗ thành phẩm rồi cung cấp cho đơn vị thi công.

Những phát ngôn này đã thực sự dấy lên hoài nghi của dư luận khi trước đó, trong một lần cung cấp thông tin cho báo chí, Ban Quản lý dự án KOICA khẳng định, theo hồ sơ thiết kế của đơn vị tư vấn Hàn Quốc, nguồn gốc gỗ lim được nhập khẩu, có quota nhập khẩu chính ngạch, hợp pháp từ Nam Phi, hoàn toàn không ảnh hưởng đến rừng và chủ trương của Chính phủ Việt Nam.

Đồng thời, như kinh phí trúng thầu của đơn vị thi công từng báo cáo là 5,73 tỷ đồng đối với riêng hạng mục gỗ lim. Nếu tính theo mức giá 28 triệu đồng/khối cho khoảng 160 khối phục vụ công trình thì kinh phí mua gỗ lim là gần 4,5 tỷ đồng.

Đi tìm câu trả lời, PV ANTT đã tìm gặp đại diện đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Xây dựng thuỷ lợi Thừa Thiên – Huế. Ông Văn Viết Thành, Giám đốc công ty này khẳng định, từ trước đến nay, mọi công việc công ty, ông chỉ ký kết hợp đồng, làm việc với người khác.

Ông Thành cho rằng, ông Trung chỉ là người xẻ gỗ thuê và những thông tin ông Trung cung cấp cho báo chí chỉ là thông tin sai và dễ gây hiểu lầm.

"Không có chuyện gỗ lim được nhập từ các nước khác ngoài Nam Phi đâu. Đặc biệt, giá gỗ sau khi đơn vị thi công tính toán là gần 39 triệu đồng/khối chứ làm gì có chuyện giá 28 triệu đồng/khối như ông Trung nói", ông Văn Viết Thành tỏ ra bức xúc.

Ông Lê Trung đã bị tạm đình chỉ chức vụ giám đốc từ Hội đồng thành viên sau phát ngôn được cho là thiếu chính xác với báo chí.

Liên quan đến vấn đề này, sáng 10/9, trả lời PV, ông Lê Văn Diễn, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Đại Hùng khẳng định những phát ngôn của ông Lê Trung là không đúng bản chất và thiếu chính xác.

Ông Diễn cho hay, sau 3 lần thống nhất giá, cụ thể, giá bán theo hợp đồng ban đầu là 30 triệu đồng/khối. Sau đó, do yêu cầu khắt khe của nhà thầu là gỗ không tim, không bị nứt xé, không bám rác, không cong vênh… nên công ty cho giá gỗ lên 35 triệu đồng/khối.

Và sau khi gồm cả thuế và chi phí vận chuyển, công ty đã hợp đồng với đơn vị thi công với mức giá cuối cùng là 39 triệu đồng/khối.

Việc ông Trung nói một phần gỗ nhập về từ Nam Mỹ, ông Diễn cho rằng, trước khi nhập về cảng Hải Phòng, gỗ lim ở Nam Phi thường quá cảnh sang Nam Mỹ nên có thể ông Trung không hiểu rõ bản chất nên phát ngôn như thế (?!).

Nói về việc gỗ lim cung ứng là hàng "tồn kho" nhiều năm như ông Trung thông tin, ông Diễn khẳng định, với những người có chuyên môn về gỗ thì gỗ càng lâu năm càng tốt, khi đó gỗ đã khô ráo, độ co ngót không còn. Gỗ lim cũng vậy.

Vị Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đại Hùng cũng cho biết thêm, ông Trung chỉ là giám đốc chi nhánh ở Huế nhưng còn thiếu chuyên môn và năng lực điều hành. Mới đây ngày 8/9, Hội đồng thành viên đã có quyết định tạm đình chỉ chức vụ giám đốc đối với ông này.

Lê Kông

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến