Dòng sự kiện:
Gỗ lim có thể nứt nhưng lòng tin của người dân không được để rạn nứt!
24/08/2018 06:37:46
Lòng tin của con người giống như một tờ giấy, một khi nó đã bị nhàu nát thì không bao giờ có thể phẳng phiu trở lại.

Có thể nói rằng, chưa một công trình nào ở Huế lại tốn nhiều giấy mực báo chí như dự án đường đi bộ lát bằng gỗ lim ven bờ sông Hương. Đây là một trong các dự án thí điểm thuộc Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương do tổ chức hợp tác quốc tế KOICA Hàn Quốc tài trợ với tổng kinh phí 52 tỷ đồng.

Ngay từ khi những chiếc cọc đầu tiên được đóng xuống dòng sông Hương thơ mộng, nhiều nhà văn hóa và người dân ở Huế đã bày tỏ lo ngại về tính bền vững của ý tưởng lát sàn bằng gỗ lim do thời tiết nắng nóng, mưa nhiều của xứ Huế.

Con đường hứa hẹn sẽ là một điểm nhấn cho bờ nam sông Hương. Ảnh phối cảnh dự án

Tuy nhiên, với việc viện dẫn những lý do để chọn gỗ lim, phía Ban Quản lý dự án KOICA đã phần nào “trấn an” được những lo lắng của người dân Huế.

Theo đó, Ban quản lý dự án cho hay, trước khi triển khai thí điểm dự án, phía ban đã tổ chức công bố, lấy ý kiến cộng đồng dân cư với kết quả đồng ý: 29/32 phiếu, tỷ lệ 90, 62%.

Đồng thời, lý giải về việc chọn gỗ lim, Ban quản lý dự án tự tin khẳng định, gỗ lim là một trong bốn loại gỗ nằm trong nhóm tứ thiết (đinh, lim, sến, táu); ưu điểm nổi bật là loại gỗ rất cứng, chắc, bền, không bị mối mọt, co ngót, biến dạng hay cong vênh theo thời tiết, bền vững theo thời gian đặc biệt ở vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Và sử dụng gỗ Lim giúp duy trì cảm giác thoải mái trong quá trình sử dụng và tạo nét mỹ quan về lâu dài và nét đặc trưng truyền thống của Huế.

Sau khi thông cáo báo chí trên được truyền tải, sự lo lắng của người dân vơi dần. Dư luận bỏ qua lo ngại về tính bền vững của gỗ lim, chờ đợi con đường được hoàn thiện và cùng đặt niềm tin về một điểm nhấn đặc biệt cho bờ nam sông Hương.

Theo dự kiến, công trình sẽ được đưa vào sử dụng từ ngày 15/9. Thế nhưng, khi sự chờ đợi đang dần đến hồi kết thì con đường này xuất hiện tình trạng nhiều thanh gỗ lim có vết nứt nhỏ và các vết rạn dọc các thớ gỗ, một số thanh vết nứt khá lớn tạo thành các khe hở dọc các thanh.

Những vết rạn nứt xuất hiện trên bề mặt gỗ lim lát đường.

Trước sự việc này, phân trần với dư luận, đơn vị thi công là Công ty CP Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên - Huế cho rằng, hiện tượng trên thuộc về tự nhiên của gỗ, không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực, chỉ làm giảm đi tính thẩm mỹ. Nhà thầu sẽ cho thay thế những thanh bị rạn nứt trước khi nghiệm thu.

Tiếp đó, đại diện phía Ban quản lý dự án KOICA cho hay, công trình được lát bởi 16.000 thanh gỗ lim, xác suất bị loại bỏ thay thế là 5% nên tất yếu sẽ có các thanh gỗ bị hư hỏng. Những thanh gỗ đã lắp ráp cũng như chưa lắp ráp nếu có dấu hiệu rạn nứt sẽ được thay thế bởi những thanh gỗ đạt yêu cầu.

Người này cũng cho rằng, gỗ là hạng mục khó trong quá trình sản xuất, gia công. Vì vậy, với các công trình khác, nhà thầu thi công chỉ bảo hành 12 tháng, còn riêng với công trình cầu đi bộ lát gỗ lim này, nhà thầu phải bảo hành trong vòng 30 tháng.

Dù chưa hoàn thiện nhưng chất lượng gỗ lim đã bắt đầu xuất hiện vấn đề, mới lát xuống đã phải cạy lên thay thế lại, liệu sau 30 tháng bảo hành, gỗ lim đã trải qua bao sương gió, con đường này sẽ đi về đâu? Kinh phí để duy tu, bảo dưỡng bao nhiêu cho đủ? Những câu hỏi ấy đang nằm chông chênh bên cạnh niềm tin của người dân dành cho chủ đầu tư, cho những người đã vạch ra ý tưởng về con đường khác lạ, “siêu sang” này.

Lòng tin hay sự tin tưởng được định nghĩa là sự đặt niềm tin vào một người hay một sự vật, sự việc nào đó... Lòng tin không phải là một khái niệm có hoặc không, mà nó được biểu hiện bằng mức độ: bạn chỉ có thể tin vào một người hay một điều gì đó nhiều hay ít hoặc tin họ đến đâu.

Và lòng tin của con người giống như một tờ giấy, một khi nó đã bị nhàu nát thì không bao giờ có thể phẳng phiu trở lại. Với tương lai con đường đi bộ nói trên cũng vậy, gỗ lim có thể nứt nhưng lòng tin của người dân không được để rạn nứt!

Lê Kông

* Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến