Dòng sự kiện:
Nhạc sĩ Dương Thụ và câu chuyện âm nhạc Việt Nam
08/07/2018 08:54:45
"Tôi xin nói với tư cách là nhà hoạt động âm nhạc, chứ không phải nhà nghiên cứu. Mỗi người có cách nhìn khác nhau. Tôi không chủ quan. Mong các bạn cùng chia sẻ, trao đổi với tôi".

Sau nhiều lần tranh cãi xung quanh câu chuyện âm nhạc (đặc biệt là về dòng nhạc bolero), mới đây, vào trung tuần tháng 6/2018,  tại Chương trình Cà-phê gặp gỡ & đối thoại tại Đà Nẵng (138-Nguyễn Thị Minh Khai, Đà Nẵng), nhạc sĩ Dương Thụ đã có buổi nói chuyện với những người yêu nhạc qua chủ đề "Âm nhạc Việt Nam qua cách hiểu của tôi".

"Tôi xin nói với tư cách là nhà hoạt động âm nhạc, chứ không phải nhà nghiên cứu. Mỗi người có cách nhìn khác nhau. Tôi không chủ quan. Mong các bạn cùng chia sẻ, trao đổi với tôi", mở đầu buổi gặp gỡ, nhạc sĩ Dương Thụ bộc bạch.

Nhạc sĩ Dương Thụ

Nhạc sĩ Dương Thụ dành khá nhiều thời gian phân tích về các lĩnh vực âm nhạc: ca khúc, dân ca, hát chèo, cải lương Nam Bộ, dân ca Tây Nguyên... Ông cho rằng, nếu nhìn âm nhạc Việt Nam nên nhìn đầy đủ, chứ không nên nhìn từ âm nhạc thị trường. Ông nói, nhiều năm qua, ông thường nghe nhiều người, nhiều nhà trí thức phàn nàn, âm nhạc Việt Nam hiện nay tệ quá! Trong các môn nghệ thuật, âm nhạc là tệ nhất!

Nói về sự phát triển ca khúc, nhạc sĩ Dương Thụ lưu ý: từ bản tân nhạc đầu tiên được công bố trên báo bằng văn bản (tờ Ngày Nay của Nhất Linh, một tờ báo uy tín bấy giờ, số 121 ra ngày 31/7/1938 đăng bài hát đầu tiên, bài Bình minh của Nguyễn Xuân Khoát lời ca của Thế Lữ), nền âm nhạc Việt Nam (tân nhạc) đã có quá trình hình thành và phát triển gần một thế kỷ (80 năm). Hiểu về nó như thế nào là không hề đơn giản, trong khi người Việt chúng ta ít quan tâm việc học tập âm nhạc. Dễ thấy nhất là, nhiều người khi nghe nhạc chỉ nhớ tên ca sĩ, chứ ít để ý ai là người sáng tác.

Mặc dù tại Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh đều có trường quốc gia âm nhạc, nhưng việc đào tạo, nhiều thập niên qua đã không đem lại những thành tựu mong muốn. Bởi sau khi ra trường, những người được đào tạo thường không có việc làm phù hợp sở trường, dần dần họ lo đi theo chuyện mưu sinh, tài năng ngày càng mai một... Với việc giáo dục trẻ em, thường chúng ta cho các em học thuộc những bài hát mang đậm tính tuyên truyền, hầu như không hướng đến thẩm mỹ nghệ thuật.

Trong việc tiếp nhận âm nhạc phương Tây, Dương Thụ đánh giá cao vai trò của hai nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát (1910 - 1993) và Dương Thiệu Tước (1915 - 1995). Nguyễn Xuân Khoát là Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và được coi là Người anh cả, là Cánh chim đầu đàn của nền âm nhạc mới Việt Nam. Nguyễn Xuân Khoát là người kiên trì bảo vệ và phát huy tính dân tộc trong âm nhạc, các ca khúc của ông mang đậm chất liệu âm nhạc dân gian như Con cò đi ăn đêm, Con voi, Thằng Bờm... Dương Thiệu Tước là người có sáng kiến soạn nhạc "bài Tây theo điệu ta", những nhạc phẩm đầu tay của ông thường được viết bằng tiếng Pháp. Mặc dù theo học nhạc Tây, nhưng nhạc của ông vẫn thắm đượm hồn dân tộc.

Theo Dương Thiệu Tước, tân nhạc Việt Nam phải thể hiện rõ cá tính Việt Nam. Để đạt được điều này, người sáng tác phải hiểu rõ nhạc Việt qua cách học nhạc cụ cổ truyền cũng như hát được các điệu hát cổ truyền.

Nói về dòng nhạc bolero, Dương Thụ cho rằng, trong các tiết điệu Phương Tây du nhập vào Việt Nam từ nửa đầu thế kỷ XX, có 3 tiết điệu được các nhạc sĩ Việt Nam ưa chuộng nhất: Valse, Tango và Bolero bởi sự du dương, quyến rũ của nó, đặc biệt là Bolero. Tiết điệu ấy phù hợp với tâm sinh lý của người Việt nên công chúng cũng cảm thấy dễ nghe, dễ đàn và dễ hát hơn. Được người nghe ưa chuộng lại dễ phổ biến nên "nhạc Bolero" có đất để phát triển. Người có học cũng nghe Bolero nhưng họ thích Valse, Tango hơn, còn giới bình dân thì đại bộ phận là Bolero.

Sau nhiều nỗ lực để cho ra đời những sản phẩm có giá trị của nền âm nhạc mới: Chương trình Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam, Chương trình hòa nhạc thường niên  Điều còn mãi do ông làm giám đốc nghệ thuật và trực tiếp biên tập, rồi cuộc thi Bài hát Việt cùng nhiều chương trình tác giả, tác phẩm, nhiều album tử tế của riêng mình và của đồng nghiệp, Dương Thụ tiếc rằng, nó chưa được nhìn nhận đúng mức để phát huy hết giá trị mà nó có  thể đóng góp cho nền văn hóa mới. Tuy nhiên, ông vẫn luôn luôn tin tưởng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến đâu, những giai điệu đẹp đẽ, tươi sáng, lạc quan nhất định sẽ lại bừng lên đến với muôn triệu trái tim Việt Nam.

Theo báo Công an TP Đà Nẵng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến