Dòng sự kiện:
Nhiều doanh nghiệp bất động sản nợ thuế 'khủng'
18/04/2019 11:18:44
Ngày 17/4, Cục Thuế TP HCM công bố danh sách 1.691 doanh nghiệp nợ thuế tháng 2/2019 với tổng số thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp hơn 4.481 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp nợ tiền trăm tỷ

Những doanh nghiệp (DN) nợ khủng tiền thuế chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) như Công ty TNHH bất động sản Thành Ngân nợ hơn 190,1 tỷ đồng, chi nhánh Công ty TNHH đá xây dựng Bình Dương tại TP.HCM nợ hơn 120,97 tỷ đồng, Công ty CP đầu tư xây dựng số 8 nợ hơn 114,6 tỷ đồng, Công ty CP đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 nợ hơn 75,8 tỷ đồng, Công ty TNHH đầu tư xây dựng phát triển nhà Hoàng Phúc nợ hơn 50 tỷ đồng, Công ty CP thép Thăng Long nợ hơn 48,7 tỷ đồng, Công ty TNHH thương mại xây dựng kinh doanh nhà Tân Hoàng Uy nợ hơn 40,1 tỷ đồng, Công ty TNHH BĐS Diệp Bạch Dương nợ hơn 36,6 tỷ đồng...

TP HCM đang áp dụng nhiều biện pháp giải quyết nợ thuế. (Ảnh: Ngọc Thắng)

Một số DN hoạt động trong lĩnh vực khác cũng bị “bêu” tên chây ì nộp thuế lần này như HTX vận tải hàng hóa và hành khách Hải Âu nợ thuế số tiền 129 tỷ đồng, Công ty CP may Minh Hoàng nợ hơn 75,8 tỷ đồng, Công ty TNHH Timatex nợ hơn 71,9 tỷ đồng...

Tính đến thời điểm 31/3, Cục Thuế TP HCM đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chếnợ thuế, thu được 2.476 tỷ đồng, tương đương 11,24% trên tổng số nợ tính đến thời điểm 31/12/2018. Trong đó bằng biện pháp quản lý nợ là 1.486 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 990 tỷ đồng.

Ông Lê Duy Minh, Phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM, cho biết một số DN BĐS phát sinh nợ đọng thuế do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chẳng hạn có một DN sau khi xây dựng xong bệnh viện nhưng do kinh doanh gặp khó khăn đã xin chuyển đổi mục đích đất sang thương mại, DN này phải nộp lại số thuế đã xin hoàn trước đó về đầu tư dự án.

Trong thời gian qua, cơ quan thuế đã sử dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ bằng nhiều biện pháp như ban hành trên 1,9 triệu lượt thông báo nợ thuế và 8.931 quyết định cưỡng chế nợ thuế với số tiền thuế nợ tương ứng 7.065 tỷ đồng, gọi điện thoại, gửi tin nhắn qua SMS, ban hành thông báo tiền thuế nợ, tiền chậm nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định. Đối với biện pháp bêu tên, theo ông Lê Duy Minh khá hiệu quả khi nhiều DN, nhất là DN đang triển khai dự án BĐS, thực hiện đóng thuế ngay sau đó. Từ nay đến giữa năm 2019, cơ quan thuế trên địa bàn phấn đấu thu tối thiểu 97% các khoản tiền thuế nợ của năm 2018 chuyển sang.

Nâng lãi suất phạt, mạnh tay thu hồi

Theo Tổng cục Thuế, đến cuối năm 2018 số nợ thuế 75.805 tỷ đồng, trong đó tiền thuế nợ có khả năng thu hồi là 39.295 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 51,8% tổng số tiền nợ thuế, giảm 5,7% so với cuối năm 2017. Như vậy, số nợ không có khả năng thu hồi lên đến hơn 48%. Số nợ tăng là do các DN bỏ trốn, ngừng hoạt động tăng lên.

Bên cạnh đó, tình trạng chây ì nợ thuế cũng phát sinh. Có tình trạng DN nợ thuế gối đầu. Chẳng hạn, DN để nợ thuế quá hạn và chấp nhận trả tiền phạt chậm nộp thuế 0,03%/ngày, tương đương 0,9%/tháng nhưng chưa đến mức 90 ngày để không bị cưỡng chế thuế. Mức lãi suất đó thấp hơn hoặc tương đương với lãi suất vay ngân hàng, nhưng DN không cần phải có tài sản thế chấp như khi vay vốn ngân hàng.

TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng cần được sử dụng cẩn trọng để tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động của các DN khác. Trong khi đó, biện pháp đề nghị rút giấy phép kinh doanh cũng không dễ thực hiện vì phải phối hợp với bên cơ quan đã cấp phép thành lập DN. Hay nếu muốn trích tiền từ tài khoản của DN thì phải thông qua ngân hàng. Đó là chưa kể mỗi DN có nhiều tài khoản khác nhau. Hoặc chủ nợ là nhà nước có thể nộp đơn thông qua tòa án để tuyên bố DN phá sản và thu hồi phần nợ hoặc kê biên tài sản để bán đấu giá. Khi đó liệu tòa án kinh tế có xử được hay không?

“Để làm giảm nợ đọng, xử lý được các DN chây ì nộp thuế thì cơ quan quản lý phải có sự phối hợp đồng bộ với nhau. Hơn nữa, có thể xem xét nâng lãi suất phạt chậm nộp để mang tính răn đe, tránh trường hợp có các DN cố tình kéo dài thời giannộp thuế”, TS Lê Đạt Chí nói.

Theo kết quả thanh tra của Tổng cục Thuế vừa ban hành, Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang đã vi phạm chính sách thuế liên tục trong các năm 2015, 2016, 2017.

Tổng số tiền thuế truy thu, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, tiền chậm nộp tiền thuế và các khoản tiền khác tổng cộng 37,9 tỷ đồng. Trước đó, CTCP thủy sản số 4 cũng bị Tổng cục Thuế ban hành quyết định cưỡng chế hơn 15 tỷ đồng tiền thuế do công ty không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế trong 10 ngày.

Theo Thanh Niên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến