Dòng sự kiện:
Nhiều ngân hàng đã cạn room tín dụng
02/08/2022 16:50:55
Việc tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm quá cao khiến nhiều ngân hàng phải xin nới hạn mức cho nửa cuối năm. Tuy nhiên, NHNN vẫn chưa có dấu hiệu “lỏng tay” với chính sách này.

Theo số liệu mới nhất Ngân hàng Nhà nước công bố, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng tính đến ngày 20/7 đã đạt 9,27% so với cuối năm 2021 và tăng 16,61% so với cùng kỳ năm 2021. Mức tăng trưởng kể trên đã cao hơn nhiều so với mức 6,47% trong gần 7 tháng đầu năm 2021.

Tín dụng tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm khiến nhiều ngân hàng rơi vào tình trạng cạn ''room'' tín dụng mà NHNN tạm cấp hồi đầu năm.

Tín dụng tăng cao tại nhiều ngân hàng

Tính đến hết tháng 6, tính riêng dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank đã tăng tới 14,6%. Nếu tính thêm cả dư nợ đầu tư trái phiếu, mức tăng trưởng cho vay của ngân hàng này ước tính đạt gần 14,4%, vượt xa so với hạn mức 10% được NHNN tạm cấp.

Tương tự, BIDV năm nay được NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 10%. Tuy nhiên, với dư nợ cho vay khách hàng đạt trên 1,449 tỷ đồng vào cuối tháng 6, riêng số dư cho vay này của ngân hàng đã tăng 9,8% so với đầu năm. Thậm chí, nếu tính cả số dư nợ tín dụng cấp thông qua đầu tư trái phiếu, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm của nhà băng này đã vượt mức 11%.

Với MBBank, tăng trưởng riêng cho vay khách hàng đến cuối tháng 6 của ngân hàng mẹ đã là 14,25%, xấp xỉ mức trần tín dụng 15% được NHNN cấp. Tại ACB, tăng trưởng cho vay khách hàng cùng giai đoạn cũng đạt trên 9,8%, trong khi mức tăng tổng dư nợ tín dụng được cấp trong cả năm chỉ là 10%.

Tương tự, hàng loạt ngân hàng khác cũng ghi nhận quy mô cho vay khách hàng nửa đầu năm đã tăng gần chạm trần tín dụng NHNN cấp cả năm. Như Agribank và Sacombank cùng được cấp 7%, sau nửa đầu năm, hai nhà băng này đã dùng hết lần lượt 5,86% và 7% chỉ tính riêng dư nợ cho vay khách hàng; Techcombank sau nửa đầu năm đã tăng trưởng hết 13,9% trên tổng số 15% NHNN cấp…

Cũng trong nửa đầu năm nay, báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng đã chỉ ra mức tăng trưởng hai chữ số ở chỉ tiêu cho vay khách hàng, cao hơn nhiều so với mức tăng chung toàn ngành (hơn 9% sau nửa đầu năm). Trong đó, HDBank đang là ngân hàng có số dư cho vay khách hàng riêng ngân hàng mẹ tăng mạnh nhất giai đoạn này với gần 17%; tương tự là SeABank tăng 15,1%; ABBank tăng 12,6%; VPBank tăng 12,4%; VIB tăng 10%...

Lãnh đạo ABBank cho biết đến hết tháng 6, ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức tín dụng được NHNN giao từ đầu năm. Tương tự, VPBank cũng cho biết ngân hàng đã dùng hết ''room'' được tạm cấp vào cuối quý II.

Lãnh đạo một loạt ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, MBBank… đã đồng loạt xin NHNN nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay để có dư địa cho vay về nửa cuối năm.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank, cho biết ngân hàng năm nay được tạm cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng 10%, nhưng chỉ sau chưa đầy nửa năm, tăng trưởng thực tế đã đạt xấp xỉ mức trần này.

Trong khi đó, nhu cầu vốn của khách hàng vẫn ở mức cao, nếu không được nới “room”, Vietcombank khó có thể đáp ứng các nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp.

Tương tự, ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV, cho biết nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp đã tăng mạnh từ cuối năm 2021, chỉ riêng tại ngân hàng mẹ, mức tăng trưởng được cấp 10% không thể đáp ứng hết nhu cầu thực tế của khách hàng.

Giảm cho vay

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại tư nhân lớn tại Hà Nội thừa nhận việc cạn “room” tín dụng khiến một số nhu cầu vốn của khách hàng không được đáp ứng trong những tháng qua.

Theo trình tự, khi nhận được chỉ tiêu NHNN giao từ đầu năm, ngân hàng phải lên kế hoạch phân bổ tỷ lệ tới từng phân khúc cho vay. Với việc tăng trưởng tín dụng quá cao ở một số lĩnh vực, ngân hàng buộc phải tạm dừng giải ngân mới với một số nhu cầu vốn, dù còn hạn mức tín dụng hay không.

Thực tế, ghi nhận tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng cao trong nửa đầu năm nhưng tại nhiều nhà băng, mức tăng trưởng riêng quý II đã thấp hơn nhiều so với quý I.

Như tại VietinBank, tăng trưởng cho vay khách hàng ngân hàng mẹ 6 tháng đầu năm lên tới 9,7%, nhưng tăng trưởng riêng quý II chỉ đạt 0,8%. Tỷ lệ này tương đương mức tăng dư nợ cho vay ròng trong quý gần nhất của VietinBank chỉ đạt 9.500 tỷ đồng, trong khi quý I tăng tới 99.000 tỷ.

Tại MBBank, việc số dư cho vay khách hàng quý I tăng tới 14,18% đã khiến mức tăng trong quý II chỉ đạt vỏn vẹn 0,06%, tương đương tăng ròng hơn 200 tỷ đồng trong suốt giai đoạn tháng 4-6.


Nhiều ngân hàng đã phải giảm tốc độ cho vay trong quý II, đặc biệt là trong tháng 6. Ảnh: T.L.

Tương tự, hàng loạt ngân hàng khác cũng ghi nhận xu hướng này, như Vietcapital Bank; Eximbank; MSB; NamABank; SeABank; Sacombank; TPBank; VIB…

Trong bối cảnh việc gần hết “room” tín dụng đã ảnh hưởng tới hoạt động cho vay, quan điểm của NHNN đưa ra gần đây vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 14%. Tính đến cuối tháng 7, cơ quan quản lý vẫn chưa nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho nhà băng nào.

Theo lãnh đạo NHNN, thời gian qua, một số ngân hàng phản ánh hết “room” tín dụng là do các tổ chức này tăng tín dụng quá nhanh trong 6 tháng đầu năm.

Trong khi đó, việc từ chối cho vay đối với khách hàng không hẳn là do hết “room” mà còn do ngân hàng phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn, hoặc một số nhà băng có xếp hạng thấp theo đánh giá của cơ quan quản lý nên không được tăng trưởng tín dụng cao...

“Với bản chất hoạt động ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, cho vay bổ sung vốn lưu động thì thường xuyên có nguồn thu nợ, cho vay. Tuy nhiên, một số ngân hàng chủ yếu cho vay trung, dài hạn, tập trung vào lĩnh vực bất động sản thì thời gian quay vòng vốn chậm, không thu hồi được nợ nhanh, nên dẫn đến hết dư địa tăng trưởng tín dụng”, NHNN nhấn mạnh.

Chờ room tín dụng cuối năm

Ông Phạm Chí Quang, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, cho biết thực tế tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 6 của hệ thống mới đạt trên 9%, vẫn còn cách khá xa mục tiêu 14% NHNN đặt ra.

Như vậy, trong nửa cuối năm, nếu không có gì thay đổi, các ngân hàng sẽ còn khoảng 5% tăng trưởng tín dụng để giải ngân cho vay.

Thực tế, nửa đầu năm nay, không phải ngân hàng nào cũng ghi nhận tăng trưởng tín dụng cao. Nhiều nhà băng đến cuối tháng 6, số dư cho vay khách hàng vẫn ở mức rất thấp như Kienlongbank mới tăng 0,59%; SHB tăng 2,14%; BacABank tăng 5,63%...

Ông Hồ Nam Tiến, Phó tổng giám đốc LienVietPostBank cho biết trong những tháng đầu năm nay, nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao và hết “room” NHNN cho phép, nhưng LienVietPostBank không nằm trong nhóm này.

Năm nay, LienVietPostBank được NHNN giao chỉ tiêu tín dụng ở mức cao do ngân hàng có tham gia việc tái cơ cấu một số quỹ tín dụng nhân dân.

“Hiện nay, việc vay 10-20 tỷ đồng tại nhiều ngân hàng có thể rất khó, nhưng LienVietPostBank có thể đáp ứng được. Chỉ cần hồ sơ vay của khách hàng đáp ứng đủ điều kiện, có phương án kinh doanh, phương án trả nợ hợp lý là được giải ngân”, ông Tiến chia sẻ.

Trong quý I, dư nợ cho vay khách hàng của LienVietPostBank đã giảm 0,58% so với đầu năm. Phải đến quý II vừa qua, nhà băng này mới tăng tốc cho vay đạt 9,2%, nâng tổng mức tăng trong 6 tháng đạt 8,6%. Tuy vậy, mức tăng này vẫn thấp hơn nhiều so với mức hơn 18% mà ngân hàng đặt kế hoạch.

Về thời điểm cơ quan quản lý nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế cần vốn để phục hồi, NHNN sẽ nới “room” tín dụng trong nửa cuối năm nay, tuy nhiên, mức nới có thể thận trọng hơn để việc tăng cho vay không tạo thêm áp lực lên lạm phát.

Theo đó, hạn mức cấp thêm được dự báo chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện ngân hàng phải hạn chế giải ngân với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán... SSI dự báo tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế năm nay có thể đạt 15-16%, cao hơn 1-2 điểm % so với kế hoạch của NHNN.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết NHNN đang xem xét nới “room” cho nhiều ngân hàng do hạn mức được cấp đầu năm tương đối thấp. Các chuyên gia tại đây kỳ vọng nhiều ngân hàng sẽ được cấp bổ sung hạn mức tín dụng vào cuối quý III, khi các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn.

Tác giả: Quang Thắng

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags : ngân hàng
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến