Dòng sự kiện:
Nhiều ngân hàng Việt 'ăn nên làm ra'
03/02/2017 10:48:05
ANTT.VN – Các ngân hàng đồng loạt báo lãi lớn năm 2016, phản ánh sự hồi phục của nền kinh tế nói chung và thị trường tín dụng nói riêng trong năm vừa qua.

Tin liên quan

“Ông lớn” vẫn lãi nghìn tỷ

Không có nhiều bất ngờ khi ba “ông lớn” quốc doanh vẫn là những cái tên dẫn đầu kết quả kinh doanh trong năm 2016., VietinBank lãi trước thuế 8.530 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ và cao hơn 8% so với mục tiêu mà Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng đã đề ra hồi đầu năm.

Mức lãi vượt xa dự tính giúp VietinBank trở thành nhà băng lãi “khủng” nhất toàn hệ thống tính theo số tuyệt đối. Kết quả này có được nhờ các chỉ tiêu huy động và cho vay của Đơn vị đều tăng mạnh. Huy động tiền gửi của khách hàng tính tới cuối năm 2016 là 654.423 tỷ đồng, tăng 32,8% so với cùng kỳ. Dư nợ tín dụng cũng không hề kém cạnh khi tăng trưởng 23% lên 655.126 tỷ đồng. Tổng tài sản của VietinBank tại ngày 31/12/2016 đạt 948.699 tỷ đồng, hứa hẹn sẽ sớm trở thành Ngân hàng TMCP thứ hai có chỉ tiêu này vượt mức 1.000.000 tỷ đồng (sau BIDV).

Khả quan không kém là Vietcombank, khi nhà băng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế 8.517 tỷ đồng, tăng tới 25% so với năm 2015 và vượt 14% kế hoạch năm. Tổng tài sản của Vietcombank tính tới cuối kỳ tăng 17% lên 788.169 tỷ đồng. Đóng góp phần lớn là tín dụng khi chỉ tiêu này tăng gần 20% lên 452.683 tỷ đồng. Ở bên kia bảng cân đối kế toán, huy động đạt 590.398 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, Vietcombank là ngân hàng duy nhất trong Top 3 ngân hàng TMCP quốc doanh tiến hành tăng vốn điều lệ trong năm (từ 26.650 tỷ đồng lên 35.978 tỷ đồng), vượt qua BIDV (34.187 tỷ đồng) để trở thành nhà băng lớn thứ hai cả nước xét về quy mô nguồn vốn, chỉ xếp sau VietinBank (37.234 tỷ đồng). Vietcombank cũng là ngân hàng đầu tiên không còn nắm giữ trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành khi đã mạnh tay dành ra tới hơn 3.200 tỷ trích lập dự phòng cho toàn bộ khoản nợ xấu tương ứng còn lại.

Trong khi đó, BIDV lại chứng kiến sự chững lại đáng kể so với 2 đối thủ xét về khía cạnh hiệu quả kinh doanh. Tổng tài sản của BIDV tính tới cuối năm 2016 tăng 18% lên 1.006.635 tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng đạt 713.682 tỷ đồng (tăng 21%). Huy động khách hàng đạt 726.185 tỷ đồng (tăng 29%), tương đương tỷ lệ LDR (tín dụng/huy động) là 98,3%.

Mặc dù các chỉ tiêu huy động/tín dụng tăng trưởng với tốc độ ấn tượng, song lợi nhuận trước thuế của BIDV lại suy giảm nhẹ 3% so với năm 2015, chỉ đạt 7.735 tỷ đồng. Kết quả này khiến BIDV từ đơn vị lãi lớn nhất toàn hệ thống trong năm 2015, với số tuyệt đối lớn hơn Vietcombank và VietinBank cả nghìn tỷ đồng, giờ rơi xuống vị trí thứ ba sau hai đối thủ sừng sỏ kể trên. Nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm này là chi phí hoạt động tăng mạnh gần 2.500 tỷ đồng lên 13.522 tỷ đồng, và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 63% so với năm 2015, lên mức 9.274 tỷ đồng.

Top sau cũng đua nhau lãi “khủng”

Nền kinh tế hồi phục không chỉ giúp các ngân hàng nhóm đầu lãi lớn, mà còn cải thiện kết quả kinh doanh của các ngân hàng Top sau. NHTMCP Quân đội (MBBank) vừa công bố lãi trước thuế hợp nhất trong năm 2016 đạt 3.651 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước đó. Các chỉ tiêu tài chính quan trọng như tín dụng (tăng 25%), huy động (tăng 7%), vốn điều lệ (tăng 7%) đều diễn biến khả quan. Nợ xấu ở các nhóm 3,4,5 của MBBank tính tới cuối kỳ là gần 2.000 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 1,3%, giảm mạnh so với con số 1,6% thời điểm cuối năm 2015.

Ở một số đơn vị khác, TPBank báo lãi trước thuế 707 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2015. OCB ghi nhận LNTT tăng tới 81% lên 484 tỷ đồng. ABBank cũng khả quan không kém khi LNTT tăng tới 168% lên mức 288 tỷ đồng. Tại Eximbank, những bất đồng trong nội bộ lãnh đạo ngân hàng này dường như đang được đặt sang một bên để tập trung cải thiện tình hình kinh doanh. Eximbank quý IV/2016 lãi trước thuế 188 tỷ đồng, so với mức lỗ 617 tỷ đồng cùng kỳ năm 2015. Lũy kế từ đầu năm, nhà băng này lãi trước thuế 390 tỷ đồng.

Ở thái cực ngược lại, Sacombank đang đi xuống trông thấy kể từ khi sáp nhập Ngân hàng Phương Nam cuối năm 2015. Quý IV/2016, Sacombank lỗ sau thuế 87 tỷ đồng. Lãi cả năm 2016 chỉ đạt 373 tỷ đồng, bằng 1/3 năm 2015.

Tình hình kinh doanh của các tổ chức tín dụng được dự báo sẽ khó khăn hơn trong năm 2017. Lạm phát gần như sẽ tăng cao hơn nhiều sẽ tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất, giảm sức mua của nền kinh tế, tác động tiêu cực tới cả hoạt động tín dụng lẫn huy động của các nhà băng. Bên cạnh đó, một loạt các quy định bắt đầu có hiệu lực như giới hạn tỷ lệ LDR, tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng cho vay trung và dài hạn… có hiệu lực cũng sẽ tạo áp lực không nhỏ cho các ngân hàng. Các tổ chức tín dụng cũng đồng thời chịu sức ép tăng vốn để đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động cũng như khả năng cạnh tranh - mục tiêu mà không ít đơn vị đã đặt ra trong năm 2016 nhưng không thực hiện được.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến