Dòng sự kiện:
Nhiều nhà băng đẩy mạnh trích lập dự phòng
09/12/2019 12:45:09
Nợ xấu vẫn là mối lo đối với hoạt động ngân hàng, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) có xu hướng tăng ở số tuyệt đối. Do đó, nhiều nhà băng đang tăng trích lập dự phòng.

Thấy rõ, lợi nhuận ngành ngân hàng dần cải thiện trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng, nhất là sau giai đoạn ngành đẩy mạnh tái cơ cấu. Tuy vậy, từ quý III/2019, tăng trưởng tín dụng đang có dấu hiệu chậm lại. Do đó, một số ngân hàng sẽ gặp nhiều thách thức để đạt kế hoạch lợi nhuận đã đề ra. Đặc biệt khi nhiều lĩnh vực, sản phẩm đang bị kiểm soát chặt, đồng thời các quy định mới theo hướng thắt chặt chỉ tiêu an toàn vốn cũng khiến việc tăng trưởng tín dụng bị hạn chế.

Bên cạnh bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng có nhiều điểm sáng, nhiều nhà băng phải tăng trích dự phòng khi nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn và phải trích 100% chi phí dự phòng) phình ra.

Tính đến 30/09/2019, tổng nợ xấu của 23 ngân hàng ghi nhận được 92,741 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với đầu năm. Không chỉ nợ xấu tăng cao mà chất lượng nợ vay cũng có xu hướng dịch chuyển từ nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) sang nợ nghi ngờ (nhóm 4) và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5), tăng bình quân 22% và 18% so với đầu năm. Nợ dịch chuyển vào nhóm 4 và 5 cũng đặt ra câu hỏi về khả năng hình thành nợ xấu mới trong hệ thống nhà băng?

Tại VPBank, đối với trích lập dự phòng rủi ro, Ngân hàng đã trích ra 3.522 tỷ đồng trong quý III/2019, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế, VPBank tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gần 22% lên mức 9,993 tỷ đồng, song nhà băng này vẫn thu về hơn 7,199 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và gần 5,754 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 17% so với cùng kỳ 2018.

Tại BIDV, chi phí dự phòng ở mức cao, lên tới 16.502 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. BIDV cũng là một trong những ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro cao trong hệ thống ngân hàng hiện nay. Vì thế, lợi nhuận trước thuế sau 3 quý hoạt động đầu năm của BIDV chỉ đạt 6.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch được ĐHCĐ thường niên năm 2019 thông qua, BIDV phấn đấu đạt lợi nhuận trước thuế là 10.300 tỷ đồng, tăng trưởng huy động vốn 11%, tăng trưởng tín dụng 12%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Dự phòng rủi ro OCB 9 tháng đầu năm 2019 ở mức 632 tỷ đồng tăng nhẹ so với cuối năm ngoái. Kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm nay của các ngân hàng cho thấy, sự phân hóa mạnh giữa các nhà băng do dự phòng vẫn “ăn” mòn lợi nhuận nhiều ngân hàng và ngược lại. TS. Võ Trí Thành cho rằng, lợi nhuận ngân hàng sẽ dần cải thiện khi nền kinh tế tăng trưởng vững hơn. Tuy nhiên, TS Thành cũng lưu ý, nợ xấu vẫn luôn là mối lo đối với hoạt động ngân hàng. Thực chất, các khoản nợ xấu bán cho VAMC, sau 5 năm sẽ quay lại ngân hàng và buộc nhà băng dùng nguồn lợi nhuận để tăng trích lập dự phòng. Đến khi nào, các ngân hàng xử lý được các khoản nợ xấu này mới được hoàn nhập dự phòng và lợi nhuận tăng trưởng tốt hơn.

Tại MBBank, tổng chi phí hoạt động quý III/2019 tăng gần 42% so với cùng kỳ 2018, lên mức 1.968 tỷ đồng. Chi phí dự phòng cũng tăng lên 830,13 tỷ đồng trong kỳ, nâng dự phòng lũy kế 9 tháng lên hơn 2.500 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của MBBank tính đến 30/9/2019 ở mức 1,35%, nhưng nợ nhóm 5 đã tăng từ 858,56 tỷ đồng lên 1.345 tỷ đồng.

Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, ban hành tháng 6/2017 đã giúp cải thiện quy trình xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, Nghị quyết cho phép ngân hàng bán nợ xấu dưới giá trị sổ sách, miễn là nợ được xác thực bởi một tổ chức định giá độc lập. Trái phiếu VAMC thường có kỳ hạn 5 năm. Trong thời gian này, các ngân hàng phải trích dự phòng 20% mỗi năm để tạo nguồn xử lý nợ xấu khi mua lại từ VAMC. Nếu không thể trích dự phòng 20%, ngân hàng có thể xin gia hạn với tỷ lệ 10% trong 10 năm. Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất quy định các ngân hàng nắm giữ trái phiếu VAMC với thời hạn hơn 5 năm sẽ không được trả cổ tức bằng tiền mặt, nhưng có thể không áp dụng với ngân hàng quốc doanh.

 

Mai An (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến