Tin liên quan
Bỏ sót căn cứ quan trọng?
Như ANTT.VN đã đề cập kỳ trước, trong số các tài liệu mà bà Lê Hải Yến gửi tới Tòa soạn An ninh Tiền tệ & Truyền thông còn có bản sao “Biên bản làm việc về việc xử lý khoản nợ quá hạn của Công ty Lâm Minh Sơn” được lập ngày 19/05/2012 bởi các ông/bà: ông Nguyễn Xuân Nam (Giám đốc PGD Cẩm Thủy – đại diện Bên cho vay đồng thời cũng là Bên nhận thế chấp), ông Phạm Ngọc Sơn (Giám đốc Công ty CP Lâm Minh Sơn – đại diện Bên vay), ông Hoàng Lại Cường và bà Lê Hải Yến (Bên thế chấp). Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Nam đã xác thực về sự tồn tại của Biên bản này.
Theo nội dung Biên bản: “Ý kiến bà Yến: Mong muốn tách ra để vay cá nhân mình. Tuy nhiên, bà Yến chỉ vay của công ty là 2 tỷ nhưng tài sản đang đảm bảo cho khoản vay là 3,2 tỷ. Kiến nghị Công ty hoặc ông Cường trả vào 1,2 tỷ đồng và bà Yến nộp vào 2 tỷ đồng để xuất tài sản ra. Ông Sơn cam kết 1,2 tỷ đồng sẽ trả bà Yến dần và nhận trả lãi hàng tháng cùng bà Yến. Bà Yến đồng ý làm vay 3,2 tỷ đồng và bắt ông Sơn có trách nhiệm trả lãi và gốc khoản vay 1,2 tỷ đồng cho Ngân hàng”.
(Trích "Biên bản làm việc về việc xử lý khoản nợ quá hạn của Công ty Lâm Minh Sơn")
Liên quan đến chi tiết “bà Yến chỉ vay của công ty 2 tỷ”, trao đổi với phóng viên mới đây, bà Lê Hải Yến cho hay thực tế con số 2 tỷ đồng đó, bà hoàn toàn không được nhận, được tiêu một đồng nào nhưng do vợ chồng bà đã đồng ý dùng tài sản của mình để thế chấp cho khoản vay 2 tỷ đồng của Công ty CP Lâm Minh Sơn nên khi công ty mất khả năng trả nợ, vợ chồng bà phải chấp nhận trả khoản vay này “để tránh bị ngân hàng thu nhà”.
Được biết, Giám đốc Công ty CP Lâm Minh Sơn là ông Phạm Ngọc Sơn, người vốn có quan hệ rất thân tình và là “em nhận” (em kết nghĩa) của ông Mai Nam Trung – chồng bà Yến, ông Sơn thậm chí còn được nhận làm “cha đỡ đầu” cho cô con gái lớn của ông bà Trung – Yến. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, xác nhận với phóng viên, cả phía gia đình bà Yến lẫn phía Ngân hàng BIDV Quảng Ninh đều thừa nhận “bất lực” trong việc liên hệ với nhân vật được cho là đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong sự việc này.
Trở lại với Biên bản, phần “Ý kiến Ngân hàng” đã nêu rõ: “Sau khi nghe tất cả các ý kiến trên, Ngân hàng sẽ báo cáo với Ngân hàng cấp trên tìm biện pháp xử lý khoản vay của Công ty cho hợp lý. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các bên trả nợ Ngân hàng”.
Biên bản kết thúc lúc 11h ngày 19/05/2012 và có đầy đủ chữ ký của các ông/bà: Phạm Ngọc Sơn; Hoàng Lại Cường; Nguyễn Xuân Nam; Lê Hải Yến.
Người viết biên bản, theo nhớ lại của bà Yến là ông Trần Quốc Biên – Kiểm soát tín dụng. Tên và chức vụ của ông Biên cũng được ghi nhận trong Biên bản tại mục “Bên Ngân hàng”.
Như vậy, nội dung Biên bản, nếu đích xác, chính là một căn cứ quan trọng để xác minh bản chất của sự việc cũng như trách nhiệm của các bên có liên quan.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên ANTT.VN, đại diện BIDV Quảng Ninh lại cho rằng, tất cả các giao dịch phải được ghi nhận trên các chứng từ giao dịch, còn tất cả các thông tin bên ngoài khác chỉ có ý nghĩa xem xét, tham khảo.
“Cái việc đề cập đến đó, nó phải có chứng cứ mà chứng cứ thì có các chứng từ đấy rồi, là rõ ràng, mạch lạc: nộp tiền vào để trả nợ cái gì, cái gì, bao nhiêu số liệu…. Vậy rõ ràng ta phải lấy cái đó làm chuẩn. Mọi cái thông tin ngoài khác thì nó chỉ có ý nghĩa để mình xem xét, tham khảo” , vị này phân tích và kết luận, “Về mặt pháp lý xác thực thì phải từ chứng từ giao dịch, còn cái kia nó chỉ có tính chất như đi nhắc nợ, đi đôn đốc nợ, ví dụ thế”.
Có thực ông Mai Nam Trung vay BIDV Quảng Ninh 3,2 tỷ đồng để "mua nhà để ở và làm cửa hàng"?
Những câu hỏi ngỏ cho BIDV Quảng Ninh…
Liên quan đến sự việc, chỉ trong ngày 28/05/2012, bà Lê Hải Yến vừa thực hiện nộp 3,2 tỷ đồng cho BIDV Quảng Ninh để trả nợ vay cho Công ty CP Lâm Minh Sơn, đồng thời, giải chấp tài sản bảo đảm của vợ chồng mình, song cũng ngay lập tức trong ngày, chồng bà – ông Mai Nam Trung đã lại kết lập hợp đồng tín dụng số 01/2012/HĐ với BIDV Quảng Ninh để thực hiện vay 3,2 tỷ đồng cho mục đích “mua nhà để ở và làm cửa hàng”. Đáng chú ý, TSBĐ cho hợp đồng tín dụng này cũng chính là TSBĐ vừa được ngân hàng giải chấp cùng ngày (Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của ông Mai Nam Trung và bà Lê Hải Yến tại Tổ 97B – Phường Cẩm Trung – Cẩm Phả - Quảng Ninh).
Việc giải ngân, theo chứng từ, cũng đã được thực hiện trọn vẹn tại ngày 28/05/2015.
Thông tin từ Hợp đồng tín dụng số 01/2012/HĐ (nhưng không có “Số đăng ký tại NH”) cho thấy, BIDV Quảng Ninh đã thỏa thuận cho ông Mai Nam Trung vay 3,2 tỷ đồng với thời hạn vay 60 tháng, lãi suất cho vay trong hạn 19% (được áp dụng tới ngày 25/08/2012) và sau đó được điều chỉnh 3 tháng/lần theo thông báo lãi suất của BIDV tại thời điểm điều chỉnh.
Đều đặn mỗi 20 hàng tháng, ông Trung sẽ phải thu xếp trả nợ ngân hàng từ 50 đến 70 triệu đồng nợ gốc
Cho vay cá nhân một khoản tiền lớn trong trung hạn nhưng thật bất ngờ khi thời gian ân hạn của hợp đồng tín dụng chỉ vỏn vẹn… chưa đầy 3 tháng.
Cụ thể, theo “Lịch trả nợ” được ghi nhận trong Hợp đồng, tới ngày 20/08/2012, ông Mai Nam Trung đã phải trả BIDV Quảng Ninh 50 triệu đồng nợ gốc. Lần lượt các tháng tiếp theo, đều đặn mỗi 20 hàng tháng, ông Trung cũng sẽ phải thu xếp trả nợ ngân hàng từ 50 đến 70 triệu đồng nợ gốc. Tổng cộng 3,2 tỷ đồng nợ gốc được chia làm 58 kỳ trả nợ, ngày trả nợ cuối cùng là vào 20/05/2017 với số tiền 70 triệu đồng.
Được biết, tại thời điểm phát sinh hợp đồng tín dụng nêu trên, bản thân vợ chồng ông bà Mai Nam Trung – Lê Hải Yến chỉ là những người lao động, thu nhập khá bấp bênh: vợ bán vải tại Chợ Trung tâm Cẩm Phả; chồng sửa chữa đồ điện, điện tử tại nhà; 2 con đều đang đi học. Sau khi dồn tất cả vốn liếng để trả nợ lãi cho Công ty CP Lâm Minh Sơn, hiện, cuộc sống của gia đình bà Yến chỉ trông chờ vào thu nhập từ quầy hoa tươi gần cổng Chợ Trung tâm Cẩm Phả.
Xét trên nguyên tắc cấp tín dụng, việc cho vay trước tiên phải được căn cứ dựa trên 2 yếu tố “mục đích vay vốn” và “khả năng trả nợ của khách hàng”, còn “tài sản bảo đảm” chỉ là yếu tố được xét đến cuối cùng. Vậy, BIDV Quảng Ninh đã căn cứ trên cơ sở nào để có thể phê duyệt cho ông Mai Nam Trung vay một số tiền đặc biệt lớn, lên đến 3,2 tỷ đồng; trách nhiệm trả nợ gốc mỗi tháng kể từ tháng 8/2012 là 50 – 70 triệu đồng, chưa tính trách nhiệm trả lãi?...
Hiện, cuộc sống của gia đình bà Yến - ông Trung chỉ trông chờ vào thu nhập từ quầy hoa tươi gần cổng Chợ Trung tâm Cẩm Phả (Ảnh: Hoàng Yến)
Bên cạnh đó, “Mục đích vay” được hai bên thỏa thuận tại Hợp đồng tín dụng là “Mua nhà để ở và làm cửa hàng”. Vậy muốn được ngân hàng cấp tín dụng, ông Trung phải chứng minh được mục đích vay của mình hay nói cách khác là phải có thỏa thuận mua nhà với một bên thứ ba, tài liệu này phải được gửi và lưu tại ngân hàng. Cùng với đó, với yêu cầu vay vốn để mua nhà, ông Trung cũng phải có nguồn vốn đối ứng và ngân hàng chỉ có thể tài trợ được một phần nào. Tài sản bảo đảm cho khoản vay sao không phải là tài sản hình thành từ vốn vay mà lại là tài sản vừa mới được chính ngân hàng giải chấp cùng ngày? Chưa kể, vợ chồng ông Trung vẫn đang sở hữu và sinh sống thoải mái tại ngôi nhà ở Tổ 97B – Phường Cẩm Trung – Cẩm Phả - Quảng Ninh, vậy, mục đích vay “mua nhà để ở và làm cửa hàng” có chăng là thỏa đáng?
Trong buổi làm việc mới đây với BIDV Quảng Ninh, phóng viên đã đề nghị được tiếp cận Bộ Hồ sơ tín dụng đầy đủ cũng như các tài liệu cần thiết (Giấy đề nghị vay; Bản giới thiệu người vay; Hồ sơ nhân thân; Hồ sơ chứng minh năng lực tài chính; Hồ sơ TSBĐ; Báo cáo đề xuất tín dụng; Báo cáo thẩm định giá trị tài sản; Biên bản định giá; Hợp đồng tín dụng;…) liên quan đến việc vay vốn của ông Mai Nam Trung tại ngân hàng. Đại diện BIDV Quảng Ninh, PGĐ Nguyễn Văn Thành đã đồng ý và hứa sẽ cung cấp cho phóng viên sau khi chuẩn bị đầy đủ. Trên thực tế, đến thời điểm này, Tòa soạn vẫn chưa nhận được các tài liệu nêu trên.
[ANTT.VN sẽ tiếp tục thông tin…]
Ninh Giang – Hoàng Yến
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy