Cuối tháng 4/2021 tôi bay từ TP.HCM về Hà Nội. Sự siết chặt khai báo y tế khiến tôi dấy lên những cảm giác mơ hồ lo lắng. Và quả nhiên đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát từ chính thời điểm ấy và TP.HCM là trung tâm của đợt dịch lần này.
Những thiệt hại nặng nề từ dịch Covid-19 gây ra cho thành phố lớn nhất đất nước thật khó có thể đong đếm. Những con số thống kê mang đến những trạng thái đau đớn cho mọi người dân. Cả đất nước vào cuộc chống dịch. Dĩ nhiên, ngành Y tế là đơn vị đứng mũi chịu sào. Nhiều cán bộ nhân viên ngành Y được Bộ Y tế điều động tăng cường cho TP.HCM. Có thể nói, ngành Y phải căng mình hết cỡ cùng cả nước chống dịch. Nhiều gương sáng ngành Y xuất hiện tạo nên sự cảm phục về sự hy sinh hết mình, vất vả tận cùng của những lương y áo trắng.
Chúng ta biết ơn những bác sĩ, điều dưỡng không quản nguy hiểm dịch bệnh hết lòng phục vụ người bệnh. Nhiều người mẹ phải xa con nhỏ trong khoảng thời gian dài. Mọi sự liệt kê về gương sáng ngành Y là không thể kể xiết.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị bắt
Tôi phải nhắc đến gương sáng ngành Y là bởi bên cạnh những gì chúng ta đã biết về vất vả hy sinh chống dịch của ngành Y thì năm 2021 cũng là năm uy tín của ngành Y bị giảm sút bởi quá nhiều những bê bối. Những hệ lụy của một số con sâu gây ra làm vấy bẩn y phục trắng và y đức của ngành, xúc phạm và làm thương tổn những con người chân chính hết lòng vì người bệnh.
Một năm cơ cực bê bối của ngành Y bắt đầu ngay từ tháng 1 khi cơ quan điều tra tiếp tục mở rộng điều tra tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai theo hình thức xã hội hóa khiến trước đó một loạt cựu lãnh đạo bệnh viện này đã bị khởi tố bắt giam.
Vụ án này rúng động từ năm 2020 khi nó rơi vào bệnh viện tuyến đầu điều trị của cả nước gây thương tổn cho ngành. Ngay sau đó, tháng 2/2021 lại một tin sốc khi gần như toàn bộ ban lãnh đạo cả cựu lẫn đương kim Bệnh viện mắt TP.HCM xộ khám vì “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Vụ án này còn mở rộng kéo dài đến tháng 11/2021 bắt thêm nhiều cán bộ chủ chốt.
Tháng 3/2021 vẫn tội danh “Đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” hai đời nguyên giám đốc Sở Y tế Cần Thơ và một số cán bộ khác bị bắt giam.
Và Hà Nội, đến lượt Viện Tim HN nối vào danh sách cũng bằng tội danh này. Từ tháng 5 đến tháng 12/2021 nguyên giám đốc Viện Tim Hà Nội cùng giám đốc đương nhiệm và nhiều thuộc cấp bị khởi tố bị can bắt tạm giam. Đau xót nhất là ông Nguyễn Quang Tuấn, một bác sĩ giỏi chuyên môn, đang đương nhiệm giám đốc Bệnh viện Bạch Mai vướng vòng lao lý khi còn là giám đốc Viện Tim Hà Nội.
Gần cuối năm, vụ “vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long và các đơn vị có liên quan khiến cho nguyên Tổng giám đốc, Kế toán trưởng đơn vị này bị bắt.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa bị kỷ luật
Nhưng có lẽ tháng 12/2021 mới là tháng vận hạn của ngành Y. Một loạt các cán bộ chức sắc cao bị bắt. Nguyên thứ trưởng Trương Quốc Cường bị bắt tạm giam vì những tội danh khi ông này còn là Cục trưởng Cục Quản lý Dược trong vụ buôn bán thuốc giả nổi tiếng những năm trước gây phẫn nộ trong nhân dân.
Cách đây hai ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn bị kỷ luật khiển trách. Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã thi hành kỷ luật Đảng đối với ông Sơn.
Nếu như ông Cường là hậu quả cũ để lại khi bị bắt thì một loạt quan chức cấp vụ, lãnh đạo CDC địa phương dính chàm trong vụ kit test Việt Á mới là điều kinh khủng. Thiết nghĩ chẳng cần nhắc lại Việt Á thì mọi người cũng đã rõ sai phạm trong vụ án này gây thương tổn cho người ngành Y và nhân dân cả nước thế nào. Không còn là căm phẫn mà những gì đám người này làm thực sự là một tội ác ghê tởm. Bòn rút, tham nhũng trên nỗi khổ dịch bệnh của nhân dân quả thực không còn lời nào để nói. Đến nay, ít nhất một đương kim vụ trưởng và một cựu vụ trưởng của Bộ Y tế đã bị khởi tố.
Buồn và thương tổn trước sự cao đẹp của cán bộ nhân viên ngành Y hết sức mình chống dịch. Nhưng cũng phải đặt câu hỏi vì sao điểm lại một loạt các vụ án ở trên đều cho thấy các hành vi đều nằm trong tội danh nâng giá thiết bị, vi phạm đấu thầu và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cũng như lạm dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi.
Rõ ràng công tác quản lý có vấn đề. Nếu làm nghiêm túc, chặt chẽ tuân thủ quy định thì thật khó tạo ra kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng. Hy vọng năm 2022 sẽ suôn sẻ tốt đẹp để chấm dứt một năm cơ cực, bê bối của ngành Y tế.
Tác giả: Nhà văn Phạm Ngọc Tiến
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy