Dòng sự kiện:
Những khuất tất quanh dự án 'máy đuổi chim sân bay'
04/08/2016 15:18:07
Dư luận lại đang xôn xao về việc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa trình Bộ Giao thông Vận tải dự án đầu tư hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng (FODetect) tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất

Tin liên quan

Nhiều người thắc mắc không biết hệ thống này hiệu quả đến đâu mà tiêu tốn đến 1.162 tỉ đồng. Và cũng có không ít ý kiến đặt nghi vấn về tính cấp thiết của việc đầu tư dự án này.

Có cần thiết, có hiệu quả không?

Phần lớn những vụ chim va vào máy bay trong khoảng 3 năm trở lại đây xảy ra ở các sân bay nằm gần rừng núi. Trong thống kê của Cục Hàng không Việt Nam năm 2014 chẳng hạn, có hơn 30 sự cố chim va vào máy bay, phần lớn tại các sân bay Buôn Ma Thuột, Vinh, Đà Lạt, Pleiku, Đà Nẵng, Rạch Giá...

Sân bay Tân Sơn Nhất được đề xuất lắp đặt hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng. Ảnh: Anh Quân

Nói về sự cần thiết hay không của dự án này, tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, Chủ tịch Chi hội khoa học công nghệ hàng không thuộc Hội tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TPHCM (Hascon), cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong thành phố, ít có chim lớn xâm nhập sân bay, còn các loại chim nhỏ khó uy hiếp an toàn đối với máy bay tầm trung.

Đó là chưa kể sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã có hệ thống tường rào và lưới thép mắt nhỏ, cộng với lực lượng bảo vệ để ngăn các loài động vật xâm nhập vào sân bay. Do vậy, các sự cố uy hiếp an toàn bay do vật thể lạ ở Tân Sơn Nhất và Nội Bài không nhiều.

Thế nhưng tại sao ACV chỉ  đề xuất lắp đặt hệ thống tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài mà không lắp ở các sân bay khác? Nếu xét về hiệu quả mang lại cho chủ đầu tư thì hai sân bay này chiếm đến 80% số lượt máy bay cất hạ cánh trong các sân bay trên cả nước. Vì thế dự án có thể thu hồi vốn nhanh, chỉ trong vòng 6 năm 6 tháng.

Còn hiệu quả mang lại cho hành khách, cho các hãng hàng không thì vẫn chưa thấy đâu và cũng chưa được chủ đầu tư chứng minh. Chính Cục Hàng không Việt Nam khi cho ý kiến về dự án này cũng thẳng thắn đề nghị chủ đầu tư cần làm rõ hiệu quả kinh tế xã hội, phương án tổ chức quản lý khai thác như thế nào, đáp ứng các điều kiện an toàn ra sao…

Về hiệu quả thực sự của dự án, ông Tống cũng tỏ ra nghi ngờ và cho rằng, giá thiết bị có thể đã bị đẩy lên quá cao để thu phí. Ông cho rằng một dự án nếu chưa chứng minh được hiệu quả, chưa thật sự cấp thiết thì chưa cần phải đầu tư.

Đại diện một hãng hàng không cho biết thêm, nếu dự án được thực hiện và thu phí thì phí này sẽ được tính vào giá vé, khi đó giá vé máy bay sẽ tăng. Điều này dễ dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh cho các hãng nội địa. Đúng là việc lạm dụng và đầu tư quá nhiều dự án theo hình thức BOT sẽ dẫn đến những gánh nặng về phí cho người sử dụng. Nếu không rút ra được bài học như BOT đường bộ thì việc đầu tư hạ tầng hàng không lại rơi vào tình trạng như đường bộ.

Theo TBKTSG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến