Dòng sự kiện:
Những lời biện hộ “không thể tin nổi” của quan tham Trung Quốc
10/08/2015 12:20:55
ANTT.VN – Trang Nhân dân Nhật báo mới đây đã đăng tải một số lời biện hộ “như đùa” được các quan tham nhũng đưa ra khi ở trong vòng thẩm vấn.

Tin liên quan

Ông Lệnh Kế Hoạch, người từng là cố vấn hàng đầu của cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, đang phải đối mặt với tội danh nhận hối lộ và thu thập bất hợp pháp bí mật nhà nước

Việc khai trừ cựu chánh văn phòng trung ương đảng dưới thời cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào khỏi đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối tháng 7 năm nay cho thấy một điều rằng không phân biệt các quan chức cấp cao hay cấp thấp, những người này đều có thể thuộc vào diện các đối tượng bị nhắm đến trong chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập Cận Bình khởi xướng.

Một bài báo gần đây trên trang Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng tải một số lời biện hộ “không thể tin nổi” của các quan tham nhũng bao biện cho hành động của mình khi đối mặt với nhà điều tra.

Nhìn chung, những lời biện hộ này được tờ Nhân dân Nhật báo trích đăng không có sức thuyết phục và không tuân theo một nguyên tắc nào.

Một trong những lời “bào chữa” “sáng tạo nhất” được đưa ra là của ông Lưu Thiết Nam, 61 tuổi, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc gia, người vừa bị tòa án Trung Quốc tuyên phạt chung thân vì nhận hối lộ vào cuối tháng 12 năm ngoái. Theo tờ Nhật báo Nhân dân, ông Liu nói rằng ông nhận hối lộ bởi vì ông “lo lắng về tuổi già” và ông lo về “cuộc sống của ông sẽ như thế nào sau khi nghỉ hưu”. Ông nói rằng lý do chính là do ông không chắc chắn về “những năm tháng cuối đời” “đã đẩy ông đến những hành động phi pháp.

Cùng với việc lĩnh án tù, Lưu Thiết Nam bị tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân - Ảnh: Bloomberg.

Đối với những quan chức khác, hành động tham nhũng đơn giản chỉ là làm theo thông lệ.

Dư Trị Bình, cựu Phó thị trưởng thành phố Mi Sơn, Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc lập luận rằng: “Nếu không nhận tiền sẽ bị coi là bất bình thường”, cũng như việc bạn đang từ chối lời đề nghị của một người “có ý định tốt” vậy. Theo quan chức này, việc từ chối “sẽ gây cản trở cho công việc và ảnh hưởng đến thăng quan tiến chức”.

Tương tự như vậy, ĐàmTân Sanh, cựu Phó chủ tịch huyện Đồng Nam thuộc Trùng Khánh, người đang thụ án 12 năm tù giam vì tội tham nhũng, cũng ngụy biện rằng nhận hối lộ là chuyện thường tình, dễ hiểu. Ông này nói: “Động cơ của tôi không phải là vì số tiền đó, đấy đơn giản chỉ là một phần của công việc khi bạn cung cấp một cái gì đó và nhận lại những món quà và các khoản thanh toán”.

Một quan tham khác là phó chủ tịch tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, nói rằng ông nhận 2 triệu nhân dân tệ (327 nghìn USD) vì nghĩ rằng người ta đưa khoản tiền này cho ông đơn giản chỉ là muốn “trở thành bạn bè thân thiết” với ông mà thôi.

Một số lời lời biện hộ khác được trích dẫn trong bài viết cũng “sáng tạo không kém” khi các quan tham tìm hết các lý lẽ để bão chữa cho hành vi tham nhũng của mình.

Điển hình là lời biện hộ của một cựu Phó chủ tịch huyện Mông Âm (tỉnh Sơn Đông) bị cáo buộc biển thủ 5,6 triệu nhân dân tệ (hơn 900.000 USD) trong nhiệm kỳ của mình. Khi bị bắt, ông này khẳng định, gần như tất cả các số tiền mà ông đã nhận đều được cất giữ rất cẩn thận, và về nguyên tắc, ông không phạm tội, đơn giản chỉ là ông đang “tích trữ tiền cho quốc gia phòng khi hữu sự sẽ mang ra đóng góp”.

Sáng tạo không kém là lời khai của giáo sư Từ Tinh, trưởng dự án phát triển công nghệ thông tin của ĐH Công nghiệp Bắc Kinh. Hiện tại bà Từ Tinh đang thụ án 13 năm tù giam vì tội biển thủ 9 triệu nhân dân tệ (hơn 1,4 triệu USD), một phần ba số tiền trên đã được bà này sử dụng để nuôi con gái du học tại nước ngoài. Tuy nhiên, khi được thẩm vấn, bà Tư nói việc dùng tiền để đầu tư cho con gái ra nước ngoài để nghiên cứu là tuân theo “Chương trình bồi dưỡng nhân tài quốc gia” và do đó không thể bị xem là tham nhũng được.

Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trích đăng những lời biện hộ trên nhằm mục đích cảnh báo với các quan chức rằng sự ăn năn chân thành là con đường duy nhất để pháp luật và người dân có thể tha thứ cho những hành vi phạm tội trong quá khứ của họ.

Phương Phương – Theo The Wall Street Journal 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến