Dòng sự kiện:
Những ngân hàng nào lãi tỷ USD?
29/02/2024 10:05:52
Theo số liệu từ báo cáo tài chính năm 2023 của 29 ngân hàng đã công bố đến nay, tổng lợi nhuận trước thuế nhóm ngành này đạt trên 280.800 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm 2022.

Kết quả tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng năm vừa qua diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng khó giải ngân, không đạt kỳ vọng. Bên cạnh đó, nợ xấu toàn ngành cũng có xu hướng gia tăng, các đơn vị cũng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng…

Dù vậy, năm 2023 vẫn ghi nhận kết quả khả quan, không ít nhà băng top đầu năm qua vẫn đảm bảo được tăng trưởng lợi nhuận, một số đơn vị lên đỉnh lợi nhuận. Đặc biệt, nhóm ngân hàng quốc doanh áp đảo so với nhóm tư nhân trên bảng xếp hạng lợi nhuận, nhờ vào xu hướng thận trọng trích lập dự phòng tín dụng trong các năm trước.

5 ngân hàng lãi tỷ USD

Vietcombank vẫn là "ngôi vương" lợi nhuận ngành ngân hàng. Không những vậy, khoảng cách giữa Vietcombank và các đối thủ trong ngành ngày càng lớn. Năm 2023, "ông lớn" này ghi nhận lợi nhuận trước thuế lần đầu vượt 40.000 tỷ đồng, cũng là con số cao nhất từ trước đến nay.

Đà tăng trưởng lợi nhuận năm vừa qua của Vietcombank chủ yếu đến từ việc giảm một nửa chi phí trích lập dự phòng rủi ro xuống còn hơn 4.500 tỷ đồng, qua đó giảm mạnh tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu từ hơn 465% cuối năm 2022 xuống còn 185% tại thời điểm cuối năm 2023.

Nhà băng này cũng không nằm ngoài xu hướng chung của toàn ngành khi ghi nhận tình trạng thừa tiền huy động nhưng khó cho vay. Tính tới cuối năm 2023, dư nợ cho vay của ngân hàng mẹ Vietcombank tăng trưởng 11%, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng 13% của tiền gửi khách hàng.

Xếp thứ 2 là BIDV khi thu về 27.650 tỷ đồng trước thuế, tăng hơn 20% và là mức lãi kỷ lục. Con số này tương đương 1,1 tỷ USD. Đây là lần đầu BIDV đạt lợi nhuận tỷ USD. Đà tăng trưởng lợi nhuận giúp BIDV có thêm một bậc trong bảng xếp hạng lợi nhuận ngành ngân hàng, từ vị trí thứ 3 năm 2022 lên thứ 2 năm 2023.

Mức lợi nhuận của BIDV được hỗ trợ bởi tăng trưởng cho vay và tiết giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Ngoài ra, nhiều mảng cũng tăng trưởng khả quan như mảng dịch vụ tăng 16%, kinh doanh ngoại hối tăng 50%, góp vốn mua cổ phần tăng 22%... Mảng chứng khoán kinh doanh chuyển từ lỗ lãi năm 2023.

Xếp sau 2 nhà băng quốc doanh là MB với 26.306 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 16% so với cùng kỳ. MB cũng là ngân hàng tư nhân duy nhất góp mặt trong danh sách các nhà băng thu về tỷ USD năm qua.

MB đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 28%, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung toàn ngành, trong đó đẩy mạnh giải ngân cho vay lĩnh vực bất động sản. Theo đó, dư nợ cho vay chủ đầu tư kinh doanh bất động sản của ngân hàng này đã tăng gấp đôi so với cuối năm 2022, từ 21.300 tỷ đồng lên 43.200 tỷ đồng.

Agribank với 25.400 tỷ đồng, xếp thứ 4 lợi nhuận toàn ngành. Ngân hàng 100% vốn Nhà nước vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, lãnh đạo cho biết nhà băng cũng phải rất nỗ lực hoàn thành mục tiêu lợi nhuận để được tăng vốn điều lệ, có dư địa mở rộng dư nợ cho vay.

Ngoài 4 nhà băng có vốn Nhà nước, MB là ngân hàng tư nhân duy nhất đạt mức lợi nhuận tỷ USD trong năm 2023 (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Trong nhóm big 4 (4 ngân hàng có vốn Nhà nước), VietinBank là đơn vị ít bị ảnh hưởng về tín dụng. Ngân hàng đạt lợi nhuận 25.000 tỷ đồng, tăng gần 20% nhờ vào thu nhập tín dụng tăng nhẹ và nguồn thu ngoài lãi tăng tốt.

VietinBank cũng là số ít nhà băng giảm được tỷ lệ nợ xấu so với đầu năm. Bên cạnh đó, các nguồn thu ngoài lãi của ngân hàng cũng tăng trưởng tích cực năm vừa qua như hoạt động dịch vụ tăng 22%, kinh doanh ngoại hối tăng 19%, chứng khoán kinh doanh chuyển từ lỗ sang lãi.

10 ngân hàng lãi trên 10.000 tỷ đồng

Có 2 ngân hàng tư nhân đạt con số lợi nhuận vượt 20.000 tỷ đồng gồm Techcombank và ACB.

Trong đó, Techcombank lãi trước thuế 22.888 tỷ đồng, giảm 10% so với năm trước đó và xếp vị trí thứ 6 toàn ngành. Đây là năm đầu tiên Techcombank giảm lợi nhuận kể từ năm 2014. Trước đó, ngân hàng này tăng trưởng với tốc độ bình quân 40%/năm và gắn với vị trí "á quân" lợi nhuận ngành ngân hàng.

Có 2 yếu tố chính khiến lợi nhuận Techcombank đi xuống trong năm 2023 là thu nhập chính từ hoạt động tín dụng của nhà băng này giảm và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng lên.

ACB đạt 20.068 tỷ đồng lợi nhuận và là năm lần đầu tiên đạt con số lợi nhuận vượt 20.000 tỷ đồng, nhờ vào nguồn thu tín dụng tăng trưởng và khoản lãi đột biến hơn 2.600 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán đầu tư. Đặc biệt, trong quý IV/2023, ngân hàng này tiết giảm chi phí hoạt động cả nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Trong nhóm ngân hàng lãi trên 10.000 tỷ đồng, HDBank là nhà băng ghi nhận tăng trưởng cao nhất lên tới 27%, đạt 13.017 tỷ đồng, cũng là kỷ lục mới của ngân hàng này. Như vậy, HDBank có năm lãi trên chục nghìn tỷ đồng thứ 2 liên tiếp và nhảy một bậc trên bảng xếp hạng lợi nhuận, từ vị trí thứ 9 lên thứ 8.

Theo sau là VPBank. Ngân hàng tư nhân này trước đây vốn nằm trong top đầu lợi nhuận song không chỉ tụt hạng mà cũng rời khỏi danh sách lãi xấp xỉ tỷ USD với khoản lãi trước thuế giảm tới một nửa, còn 10.987 tỷ đồng.

VPBank không còn ghi nhận khoản thu nhập bất thường khoảng 7.000 tỷ đồng từ doanh thu trả trước của hợp đồng bảo hiểm độc quyền tái ký với AIA, thu nhập tín dụng sụt giảm, nợ xấu tăng mạnh vì cho vay tiêu dùng gặp khó…

VIB lãi 10.703 tỷ đồng là và cái tên cuối cùng trong top 10 ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế vượt 10.000 tỷ đồng. Kết thúc năm 2023, VIB đạt tổng doanh thu hơn 22.000 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với năm 2022, trong đó thu nhập từ lãi đạt hơn 17.000 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận toàn ngành năm 2023 tăng khoảng 4%

Sau 3 quý đầu năm 2023 khó khăn, lợi nhuận ngành ngân hàng cũng ghi nhận kết quả tích cực khi bước sang quý IV.

Theo thống kê, tổng lợi nhuận trước thuế của các nhà băng đã công bố báo cáo tài chính đã tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 229.000 tỷ đồng. Trước đó trong 3 quý đầu năm, lợi nhuận của toàn ngành từng giảm khoảng 2,5%.

Có 13 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2023 tăng trưởng dương. Một số ngân hàng báo lãi song "đi lùi" so với năm trước có thể kể đến TPBank, SeABank, Eximbank, ABBank, PGBank, BVBank…

Nhiều nhà băng top đầu năm qua vẫn đảm bảo được tăng trưởng lợi nhuận (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán MB (MBS), 2023 là năm toàn ngành ngân hàng đạt mục tiêu tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng.

Nhóm phân tích lưu ý sẽ có sự phân hóa rõ nét về chất lượng tài sản giữa các ngân hàng. Những ngân hàng đã gia tăng trích lập lớn trong năm ngoái và nâng chất lượng tài sản lên mức cao có thể ghi nhận nhiều dư địa để xử lý hơn, và do đó sẽ có được lợi thế tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.

Nhận định về năm 2024, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI cho rằng đây dự báo vẫn là một năm đầy thách thức đối với ngành ngân hàng về chất lượng tài sản. Dù vậy, tình hình chung sẽ có sự cải thiện so với năm 2023, phần lớn nhờ vào chi phí vốn đã giảm về mức thấp hơn nhiều so với trước và lợi nhuận trước dự phòng có sự cải thiện, giúp các ngân hàng có dư địa để tạo bộ đệm dự phòng tốt hơn.

Theo ước tính của SSI, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2024 của các ngân hàng có thể đạt hơn 15%, tốt hơn so với mức gần 5% trong năm 2023. Còn Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) và Công ty Chứng khoán KB dự báo năm nay ngành ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng 10%.

Tác giả: Thảo Thu

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến