Chiều 8/11, trước khi trả lời chất vấn của các ĐBQH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu, làm rõ hơn về một số vấn đề trọng tâm mà Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước quan tâm. Nhắc lại vụ 39 người thiệt mạng trong container ở Anh, Thủ tướng cho biết: “Chúng ta bày tỏ lòng tiếc thương tới những công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm kịch vừa xảy ra tại Anh và xin chia buồn với gia quyến các nạn nhân. Chúng ta không được để thảm kịch đó tái diễn!”.
Chiều 23/10, thảo luận tại hội trường Quốc hội về Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TPHCM dẫn số liệu điều tra cho thấy về mặt kinh tế, người Việt mong muốn có thu nhập, có việc làm, có nhà. Nhưng về gia đình thì 95,4% mong muốn có gia đình hoà thuận, 73% mong muốn con cháu ngoan, tiến bộ. “Nếu chúng ta làm việc mỗi ngày 9-10 giờ quanh năm thì không có gia đình hạnh phúc đâu. Trên thế giới từ bỏ điều này 133 năm nay rồi” - ông Nhân nhấn mạnh.
Trả lời chất vấn về biện pháp nâng cao hiệu quả sản phẩm từ cây dừa của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) vào sáng 6/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh đây là cây thế mạnh sẽ được quan tâm trong thời gian tới, nhất là bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu. “Cây dừa mà tập hợp tốt sẽ trở thành cây tỷ phú"- ông Cường nói.
Trong phiên chất vấn sáng 6/11, trả lời câu hỏi của đại biểu về giải pháp phục hồi hay chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để tránh tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa", Bộ trưởng Bộ NNT&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, thời gian tới nếu không tập trung cải thiện khâu chế biến thì không thể dập được tình trạng “hôm nay được, ngày mai lại mất”.
Ngày 7/11, tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, trong một thời gian dài đã diễn ra những hành vi có dấu hiệu gian lận thương mại và gian lận xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng như vụ Khaisilk.
Chiều 7/11, tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa nhận rất ít nơi xây dựng được tiêu chí đánh giá, phân loại công chức, viên chức, hơn nữa, vẫn còn có sự nể nang, cảm tính. Ông nói: “Đánh giá cán bộ gì mà đến mức không tìm ra được người để tinh giản biên chế? Trong khi đó dư luận xã hội cho rằng chỉ có 30% cán bộ làm được việc mà tại sao không tìm ra người để tinh giản".
Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, qua dư luận báo chí, phản án của cử tri và nhất là từ công chức, viên chức, ông thấy "rất phiền hà về văn bằng, chứng chỉ. Không chỉ thi thăng hạng hay xét nâng ngạch, mà còn ở quy trình bổ nhiệm”. Nhấn mạnh quy định về tiêu chuẩn văn bằng, chứng chỉ này có từ năm 1993, ông Lê Vĩnh Tân nêu quan điểm: “Tôi nghĩ hai mươi mấy năm rồi thì phải sửa chứ. Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm này".
Sáng 8/11, trả lời đại biểu về vấn đề mạng xã hội nước ngoài chưa tuân thủ luật pháp Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam là một nước có chủ quyền, không chỉ trong không gian như biển và đất liền mà còn cả chủ quyền trên không gian mạng. Các quy định pháp luật cũng theo hướng bảo vệ chủ quyền.
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện rất nhiều người nghĩ gì, nói gì, yêu ai, mua gì... đều thông qua mạng xã hội. “Điều gì sẽ xảy ra nếu như tất cả các thông tin đó ở một mạng xã hội. Có nghĩa rằng, não người Việt Nam tập trung vào một chỗ, mà chỗ đấy hiện không nằm ở Việt Nam thì rất nguy hiểm. Bởi đây là an ninh quốc gia" - ông Hùng nói.
Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội trong đó có nội dung cơ cấu đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng: “Quốc hội vẫn có thể sử dụng quyền của mình để yêu cầu Bộ trưởng giải trình, để có những phiên chất vấn nhưng phải chăng Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cứ phải là đại biểu Quốc hội? Chúng tôi muốn chuyển phần này sang để không tăng số lượng nhưng tăng số đại biểu chuyên trách của Quốc hội, đặc biệt là đại biểu chuyên trách có kiến thức, kinh nghiệm trong vấn đề quản lý và xây dựng pháp luật".
Sáng 5/11, tham gia giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC năm 2019, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu thực tế việc tạo ra áp lực với Thẩm phán là có thật. Hiện ngành Tòa án đang phải đối mặt với một thực tế là rất nhiều các Thẩm phán xin nghỉ việc. Điều này xảy ra ở tất cả các địa phương. Trước tình trạng này, ngành Tòa án đề nghị xem xét về biên chế và cần cân nhắc các chức danh tư pháp.
Chất vấn Bộ trưởng Nội vụ về tình trạng cán bộ công chức, viên chức nhũng nhiễu gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cho biết, ông đã phản ánh vấn đề này tại kỳ họp cuối năm 2016 và có lúc "đã đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành đuổi việc những người này nhưng thấy “khó khăn quá”, quy trình nhiêu khê, dài dòng”.
Đề cập đến nhiều công ty lừa đảo hoạt động như Công ty Alibaba, hình thành các dự án ma, phân lô bán nền được sinh ra từ liên minh núp bóng doanh nghiệp với thủ đoạn lừa đảo chuyên nghiệp, tổ chức tinh vi, đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) đặt câu hỏi: "Có phải tại cơ chế, kẽ hở của pháp luật, sự lỏng lẻo quản lý nhà nước? Hay nguyên nhân chính là có công chức cùng hội cùng thuyền cấu kết móc nối, vẽ đường bảo kê, cộng sinh, cổ phần chia chác, cùng tạo ra môi trường tù mù, lùng bùng để tội phạm lộng hành, chiếm đoạt tài sản?"
Thảo luận tại hội trường về công tác phòng, chống tham nhũng vào sáng 4/11, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) nhắc lại thương vụ Mobifone mua AVG, trong đó 2 cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn nhận hối lộ lên đến hàng triệu USD. "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp Việt Nam, các bị cáo trong một vụ án thừa nhận hành vi nhận hối lộ với số tiền lớn đến như vậy”- đại biểu nói.
Chiều 31/10, đề cập đến vấn đề Biển Đông, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho biết, Trung Quốc đang có “tam chủng chiến pháp”, theo đó, Việt Nam cần có “tam công chiến pháp” gồm: công luận, công khai và công pháp để đối sách lại với Trung Quốc.
Quan tâm đến giải ngân chậm trong đầu tư công tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội chiều 30/10, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) cho rằng, công tác đầu tư, lập dự án còn nhiều bất cập. "Các nước phát triển chuẩn bị đầu tư 2 đến 3 năm để làm trong 1 năm, nhưng ở Việt Nam chỉ chuẩn bị một tháng hay vài tháng để làm trong cả một giai đoạn. Quản trị thì yếu kém, cán bộ tham mưu thiếu chuyên môn, yếu nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo của người đứng đầu có hạn chế, lại trong bối cảnh "lò lúc nào cũng nóng", do đó không dám quyết, dám làm, sợ chịu trách nhiệm".
Mang nhiều tâm tư của cử tri, trong đó có nhiều công chức, viên chức, giáo viên đến phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) cho biết, họ rất mệt mỏi, lo âu làm sao hoàn thiện các văn bằng, chứng chỉ. "Cử tri nói với chúng tôi rằng không khác gì những giấy phép con. Chính vì những quy định như thế tạo ra rất nhiều lỗ hổng, nhiều kẽ hở về mặt pháp lý" - đại biểu nói.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy