Dòng sự kiện:
Nước biển miền Trung đạt quy chuẩn để tắm, nuôi thủy sản
22/08/2016 11:15:30
Chất lượng nước biển miền Trung, mức độ hủy hoại sinh thái biển sau sự cố môi trường do Formosa gây ra sao đã được các nhà khoa học giải đáp tại hội nghị sáng 22-8.

Tin liên quan

Hội nghị công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế sáng 22-8 - Ảnh: Xuân Long

8g05 sáng 22-8, tại thành phố Đông Hà, Quảng Trị, Bộ TN-MT, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN, Đại học Quốc gia Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Tại hội nghị, các nhà khoa học của Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ công bố báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Đây là nội dung được chờ đợi với hàng loạt câu hỏi cụ thể về chất lượng nước biển, mức độ hủy hoại sinh thái biển sau sự cố môi trường do Formosa gây ra.

Kết quả công bố về hiện trạng biển miền Trung được xem như cơ sở để xác định mức độ an toàn của biển miền Trung từ môi trường nước mặt đến trầm tích tầng đáy biển cũng như phạm vi đánh bắt thủy hải sản an toàn.

Kết luận của Bộ Y tế còn quá chung chung?

PSG Nguyễn Văn Hợp, thuộc khoa Môi trường, ĐH Khoa học Huế nói báo cáo có vấn đề là chưa có báo cáo về nguồn thải. Đó là điều rất tiếc. Cần nói rõ bộ phận nào thải ra xyanua, bộ phận nào thải ra phenol?

PSG Nguyễn Văn Hợp - ĐH Khoa học Huế - Ảnh: Q.Nam

Ông Hợp nói kết luận của Bộ Y tế quá thận trọng. "Chỉ nói một số chất đang giảm theo thời gian"- cách nói này chung chung quá, ông Hợp nói.

Về kết luận của nhóm báo cáo chất lượng môi trường biển, ông Hợp cũng cho rằng cũng còn một số chỗ chưa cụ thể, như nói giảm dần theo thời gian thì cụ thể là giảm đến mức nào rồi, có nằm trong mức cho phép chưa?

Ông Đỗ Hữu Tuấn - phó cục trưởng cục an toàn thực phẩm Bộ Y tế nói sau khi Bộ TN-MT công bố mức độ an toàn của vùng biển, thì phía Bộ Y tế sẽ công bố về an toàn của thủy hải sản.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đồng quan điểm khi cho rằng ngay sau khi Bộ TN-MT công bố chất lượng môi trường biển thì mới chỉ đạo cho tổng cục thủy sản họp để có những phương án tiếp theo về phát triển sản xuất, đánh bắt thủy hải sản cho ngư dân.

Cần công bố khi nào người dân đánh bắt được

Ông Đặng Quốc Khánh - chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - Ảnh: Q.Nam

Ông Đặng Quốc Khánh - chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nói rất mừng khi nghe các chuyên gia đã công bố chất lượng môi trường biển an toàn. Ông Khánh đề nghị công bố rộng rãi kết luận này cho nhân dân được biết.

Ông Khánh đề xuất ngoài kết luận của Bộ TN-MT về chất lượng môi trường biển, thì Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Y tế cũng cần phối hợp để giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dân, việc giải quyết chuyển đổi sinh kế cho dân vùng biển.

ông Lê Minh Ngân - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị các cơ quan chức năng công bố cho người dân biết vùng biển trung bờ (khoảng 20-50 hải lý) khi nào thì đánh bắt được.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Chủ tịch hội thiên nhiên môi trường biển cho rằng vấn đề chính mà người dân quan tâm là việc cá đã an toàn chưa, biển đã an toàn chưa. Nên các cơ quan chức năng cần phải giải đáp được câu hỏi đó của người dân.

Ông Hồi nói về mức độ tin cậy của môi trường biển, dù có cá nỏ xuất hiện nhưng vẫn chưa thấy cá kinh tế. Khi có các loại cá kinh tế mới đủ để khẳng định khu vực đó đã an toàn.

Có mặt tại hội nghị, Tiến Sĩ Schroeder - một chyên gia người Đức phát biểu kết quả đánh giá dựa trên phương pháp lấy mẫu cụ thể, chi tiết của các nhà khoa học trên cho thấy độ tin cậy là rất cao.

Liên quan đến hai thông số Xyanua và Phenol, theo chuyên gia này, thông số Xyanua đã giảm xuống dưới mức cho phép của Việt Nam, thông số về phenol trong nước biển dù còn nhưng hàm lượng đã giảm đáng kể, riêng về độ an toàn của nước biển phục vụ cho việc bơi lội tại các bãi tắm thì có thể khẳng định đã an toàn.

Liên quan đến việc cá đã ăn được chưa, theo Tiến Sĩ Schroeder, dù đã thấy cá nhỏ đến sinh sống nhưng đề nghị Bộ Y tế phải tiếp tục lấy mẫu kiểm định thường xuyên, nhất là cá ở một số điểm hiện vẫn còn hàm lượng phenol khá cao

Ông nói sắp tới cũng cần gửi mẫu hải sản, mẫu nước ra các nước có công nghệ tiên tiến hơn để có kết quả đối chứng, khi đó kết quả sẽ khiến người dân yên tâm hơn về độ an toàn của biển và cá.

Kết thúc báo cáo, GS.TS Mai Trọng Nhuận công bố hai kết luận. Một là kết luận của nhóm nghiên cứu thuộc ĐHQG Hà Nội về tình trạng môi trường biển và hai là kết luận của Bộ Y tế về chất lượng hải sản.

Kết luận của các nhà khoa học về tình trạng môi trường biển miền Trung - Ảnh: Q.Nam

Kết luận của Bộ Y tế về chất lượng hải sản đánh bắt - Ảnh: Q.Nam

Đã có cá nhỏ sống tại đáy biển miền Trung

Theo bản báo cáo của các nhà khoa học tại hội nghị, thời điểm tháng 5-2015, 100% các rạn san hô có dấu hiệu bị tẩy trắng thì đến cuối tháng 6, hiện trạng này đã thay đổi theo hướng tốt lên.

Kết quả khảo sát về cá biển cuối tháng 4-2016 cho thấy không có một con cá nào sống dưới đáy biển tại các điểm khảo sát ven bờ. Nhưng đến tháng 6, tháng 7-2016, đã có xuất hiện nhiều cá nhỏ sống tầng đáy.

Báo cáo của GS.TS Mai Trọng Nhuận cho thấy hiện trạng các rạn san hô dưới đáy biển miền Trung cuối tháng 6-2016 đã tốt lên - Clip: Xuân Long

Hàm lượng xyanua trong trầm tích biển giảm dần

Cận cảnh dưới đáy biển ở bãi Bến Cá huyện Nhân Trạch, Quảng Bình tháng 7-2016

Theo báo cáo do GS.TS Mai Trọng Nhuận - Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày, kết quả khảo sát cho thấy hàm lượng phenol tăng dần từ bắc vào nam.

Chất lượng nước biển ở các bãi tắm dọc bốn tỉnh miền Trung cũng được các tỉnh kiểm tra thường xuyên. Kết quả cho thấy tất cả các mẫu quan trắc ở 19 bãi tắm dọc bốn tỉnh này đều có các chỉ số nằm trong giới hạn an toàn theo quy chuẩn Việt Nam.

Lượng Phenol trong trầm tích được cho là giảm dần từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 6. Hàm lượng xyanua trong trầm tích giảm dần từ cuối tháng 5 cho thấy từ thời điểm đó Formosa đã có sự kiểm soát tốt hơn nguồn thải.

Tính đến tháng 7-2016, hàm lượng phenol, xyanua trong lớp trầm tích dưới đáy biển vẫn còn, nhưng hàm lượng đã giảm đi nhiều.

Kết quả khảo sát tình trạng hệ sinh thái, nhất là các rặng san hô dưới đáy biển cho thấy cũng đã có dấu hiệu phục hồi dần từ tháng 6 đến tháng 7.

GS.TS Mai Trọng Nhuận - Đại học Quốc gia Hà Nội - Ảnh: Xuân Long

GS.TS Mai Trọng Nhuận - Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày bản báo cáo cụ thể kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển bốn tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Để có kết quả này, theo ông Nhuận là dựa vào các tiêu chuẩn Việt Nam.

Chương trình quan trắc gồm hai giai đoạn: giai đoạn một từ cuối tháng tư đến cuối tháng 5, giai đoạn hai từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 7. Việc phân tích mẫu được các đơn vị chuyên môn có uy tín nhất Việt Nam thực hiện.

Ông Nhuận khái quát lại quá trình di chuyển của độc tố từ Formosa từ Hà Tĩnh vào Thừa Thiên Huế bằng sơ đồ. Các nhà khoa học đã lấy mẫu nước biển cả gần bờ và xa bờ, gồm hàng trăm điểm lấy mẫu.

Nhóm nghiên cứu còn khảo sát cả cỏ biển. Ở Quảng Bình, việc lấy mẫu cỏ biển tiến hành ở vùng Roòn, Quảng Trạch.

Trong phát biểu của mình, ông Nguyễn Văn Hùng - Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị nói mong muốn của người dân biển miền Trung là biết được môi trường biển miền trung đã sạch chưa?

Ông Hùng hy vọng sau khi công bố hiện trạng biển miền Trung, khách du lịch sẽ trở lại với biển, người dân sẽ trở lại sử dụng hải sản, đời sống ngư dân và người dân ven biển sẽ bớt khó khăn.

Ngư dân Chu Văn Xuân ở xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh cho biết do cá khó bán nên thi thoảng mới ra khơi vì sợ để tàu nằm bờ lâu ngày mua hư hỏng - Ảnh: Văn Định

Hội nghị sáng 22-8 - Ảnh: Xuân Long

Ông Võ Tuấn Nhân - thứ trưởng Bộ TN-MT và ông Châu Văn Minh - viện trưởng viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam đồng chủ trì hội nghị này.

Thứ trưởng Bộ TNMT bắt đầu cuộc hội nghị bằng lời cám ơn nhân dân bốn tỉnh miền trung đã tin tưởng, hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc tìm ra nguyên nhân gây ra sự cố cá chết hàng loạt.

Ông Nhân nói ý thức được sự mong mỏi của người dân về việc biển đã sạch hay chưa, hải sản đã an toàn để sử dụng hay chưa. Đó là những nguyện vọng rất chính đáng.

Theo Tuổi trẻ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến