Gồng lãi
Cuối năm 2021, chị Nguyễn Thị Phượng (Quận Tây Hồ, Hà Nội) đầu tư 3 tỷ đồng mua 1.000m2 tại huyện Quốc Oai. Mảnh đất chị đầu tư có mặt tiền 15m, đường làng rộng. Đầu năm 2022, thị trường vùng ven sốt đất, nhiều khách hỏi mua. Một số khách sẵn sàng xuống 3,5 tỷ đồng để chốt lô đất này. Nếu bán ngay thì trừ chi phí, chị thu về lợi nhuận hơn 10% chỉ trong vài ngày.
Thấy nhiều khách hỏi thăm, chị Phượng từ chối mức giá đó. Chị đánh giá, thị trường đất có thể tăng cao hơn nữa, chị dự tính lời 1 tỷ sẽ bán. Tuy nhiên, những tính toán của chị Phượng có nguy cơ tan vỡ.
Nhiều lô đất ven đô không còn khách hỏi mua. Ảnh: Nam Khánh
Nhiều ngày qua, không có khách nào gọi điện hỏi mua. Chị Phượng đang hạ mức lời xuống 3,5 tỷ đồng nhưng khách mua cũng không mặn mà. Nếu thị trường tiếp tục trầm lắng, nguy cơ cao chị Phượng không thể thoát hàng. Khoản tiền 3 tỷ có thể ở lại trong đất khá lâu.
Chị Phượng cho hay: “Nghe bạn bè rủ đầu tư, tôi cũng liều rút tiền ngân hàng và vay mượn gia đình thêm để mua. Vừa mua xong đã lời nửa tỷ đồng nên tôi càng ham. Chính vì thế mà không biết điểm dừng. Giờ thị trường chững lại, muốn bán nhanh trả tiền vay mà không được”.
Sau khi Hà Nội siết chặt việc tách thửa đất, thị trường đất nền phân lô ở các huyện ngoại thành đã có xu hướng "hạ nhiệt", giá sản phẩm này giảm do nhu cầu không cao. Theo chị Phượng, mảnh đất của chị có sổ đỏ rõ ràng, đã sang tên chị nên không rủi ro về pháp lý. Nếu không bán được, chị chấp nhận để đó một thời gian nữa.
Ông Phạm Văn Tâm (một nhà đầu tư, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng đang mắc kẹt khi mua một mảnh đất tại huyện Lương Sơn, Hoà Bình. Đầu năm nay, khi giá đất ven đô tăng mạnh, ông Tâm tìm hiểu một số xã tại huyện Lương Sơn. Theo tư vấn của nhân viên môi giới, ông Tâm nên mua mảnh đất lớn, sau đó chia nhỏ các lô để bán. Sau một thương vụ, ông có thể đút túi cả tỷ đồng.
Nhận thấy cơ hội lớn, ông Tâm xuống tiền 3 tỷ đồng mua mảnh đất hơn 1.000m2 tại đây. Vài ngày sau, có khách khác sẵn sàng trả cho ông Sơn 3,3 tỷ đồng để lấy lại mảnh đất đó. Ông Tâm không bán do nhân viên môi giới hứa sẽ làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử đụng đất, chia lô và bán lại cho ông với mức giá cao hơn. Nhà đầu tư này còn kỳ vọng lô đất còn có thể tăng.
Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý, mảnh đất ông Tâm mua không thể chuyển đổi. Chưa kể, ảnh hưởng chung của thị trường, giao dịch đất ven đô chững lại. Những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tìm về mua mảnh đất rộng rồi tách thửa bán lại không còn do lệnh siết phân lô tách thửa đất nông nghiệp. Ông Tâm sốt ruột, cắt thêm hoa hồng cho môi giới để nhanh chóng thoát hàng.
Qua cơn sốt, nhiều nhà đầu tư mắc kẹt. Ảnh: Hoàng Hà
Cắt lỗ
Khảo sát tại các huyện ven Hà Nội như Quốc Oai, Thạch Thất, nhiều lô đất nông nghiệp lên cơn sốt ảo với giá tăng 30-50% so với 2019. Khi chính quyền địa phương có văn bản yêu cầu tạm dừng lập hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn, những người đã trót xuống tiền mua đất nông nghiệp tại đây bị mắc kẹt vốn, rất khó giao dịch sang nhượng.
Ông Trần Văn Quang, một môi giới bất động sản, cho rằng, xuất hiện nhà đầu tư tìm cách rút khỏi thị trường bởi áp lực lãi vay và có người đã chấp nhận cắt lỗ. Các nhà đầu tư F0, ít kinh nghiệm cần cảnh giác với những rủi ro khi thị trường chững lại.
Khi cơn sốt đất đi qua, nhiều nhà đầu tư mới nhận ra “chốt lời không bao giờ là sai”, không ai có thể đoán trước chính xác diễn biến của thị trường. Do đầu tư tay ngang, vay mượn tài chính, nhiều nhà đầu tư buộc phải cắt lỗ để thoát hàng.
Chị Nguyễn Thị Hải đầu tư một lô đất 70m2 tại Hoà Lạc. Thời điểm mua đất, chị vay mượn thêm 600 triệu đồng để mua mảnh đất 1,4 tỷ đồng. Do không chốt lời đúng thời điểm, chị đang phải rao bán cắt lỗ 1,3 tỷ đồng nhưng không có khách nào hỏi mua.
Nhìn lại lịch sử, không ít đợt sốt đất, nhà đầu tư không kịp thoát hàng phải chôn vốn cả chục năm. Năm 2010, chị Nguyễn Thị Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) dồn 1 tỷ đồng mua hơn 500m2 đất tại Tản Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội). Cuối năm đó, có người trả 1,5 tỷ đồng nhưng chị không bán vì định chờ giá sẽ lên nữa sau khi trung tâm hành chính về đây. Thế nhưng sau đó, giá đất ở đây lao dốc khiến gia đình chị buộc phải rao bán mảnh đất để cắt lỗ. Sau 10 năm, mới đây, chị Hà mới bán được mảnh đất này.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Công ty bất động sản Hải Phát, cho rằng, dù ở thời điểm nào khi tham gia vào giao dịch bất động sản, việc đầu tiên cần làm vẫn là xem xét cơ sở pháp lý của giao dịch đó. Nếu chủ quan bỏ qua yếu tố pháp lý, khách hàng rất dễ mất trắng, cho dù khu đất đó thực sự có tiềm năng nhưng nếu là tài sản sai phạm thì rốt cuộc nó cũng không thuộc về người mua.
Tác giả: Duy Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy