Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).
"Các phản ứng của Mỹ và NATO không tính đến các mối quan ngại cơ bản của Nga, bao gồm việc ngăn chặn sự bành trướng của NATO và triển khai các hệ thống vũ khí tấn công đến gần biên giới Nga", thông báo của Điện Kremlin dẫn lời Tổng thống Putin nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc điện đàm hôm 28/1.
Tuyên bố trên được đưa ra giữa lúc có nhiều đồn đoán về sự im lặng bất thường của Tổng thống Putin suốt một tháng qua khi cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang. Lần gần đây nhất ông Putin lên tiếng về vấn đề này là trong cuộc họp báo cuối năm vào ngày 23/12. Khi đó, ông chủ Điện Kremlin cảnh báo Nga cần "đảm bảo" rằng Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập NATO.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp, ông Putin cáo buộc Mỹ "phớt lờ" những mối quan ngại chính do Nga đưa ra và không giải thích được làm thế nào để đảm bảo an ninh ở châu Âu mà không làm ảnh hưởng đến những lo ngại về quốc phòng của các nước khác.
Điện Kremlin cho biết hai nhà lãnh đạo đã nói chuyện rất lâu, trong đó ông Putin nói với ông Macron rằng ông sẽ "nghiên cứu kỹ lưỡng" các phản hồi của Mỹ và NATO, "sau đó sẽ quyết định các hành động tiếp theo".
Ông Putin nói với ông Macron rằng, điều quan trọng là chính quyền Ukraine phải "đối thoại trực tiếp" với lãnh đạo phe ly khai ở miền đông để giải quyết xung đột.
Phương Tây cáo buộc Nga chuẩn bị "động binh" sau khi đưa hơn 100.000 binh sĩ và khí tài đến sát biên giới của nước này. Để chuẩn bị cho kịch bản Nga can thiệp quân sự vào Ukraine, Mỹ và các đồng minh phương Tây, trong đó có Anh, đã vận chuyển vũ khí giúp Ukraine tăng cường năng lực quốc phòng.
Bất chấp những cảnh báo của phương Tây, Nga khẳng định không có kế hoạch tấn công Ukraine và việc Moscow điều động lực lượng trong phạm vi lãnh thổ là hoàn toàn bình thường.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 28/1 tuyên bố Moscow không muốn xảy ra kịch bản xung đột toàn diện, nhưng cảnh báo sẽ không cho phép các lợi ích của Nga bị phớt lờ. Ngoại trưởng Lavrov cho biết nếu Mỹ không sẵn sàng xem xét lại lập trường của mình về các vấn đề an ninh, Moscow cũng không sẵn sàng để thực hiện bất kỳ thỏa hiệp nào đối với các yêu cầu.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh quân sự này vẫn đang theo dõi chặt chẽ khi Nga chuyển quân và vũ khí tới Belarus để tập trận, đồng thời duy trì hàng chục nghìn quân gần biên giới Ukraine. Ông Stoltenberg cũng cho biết NATO đã sẵn sàng tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu và cảnh báo một cuộc tấn công của Nga có thể diễn ra dưới nhiều hình thức.
Mỹ và các đồng minh như Romania, Bulgaria và Hungary, đang cân nhắc triển khai thêm quân tới sườn phía đông của NATO, gần biên giới Nga. Nếu kế hoạch này được thực thi, mỗi quốc gia sẽ điều khoảng 1.000 quân tới khu vực trên. Hôm 24/1, Mỹ cũng đặt 8.500 binh sĩ vào tình trạng báo động cao, sẵn sàng triển khai tới Đông Âu hỗ trợ Lực lượng Phản ứng nhanh của NATO để đối phó khủng hoảng Ukraine nếu cần.
Tổng thống Joe Biden cảnh báo Nga sẽ phải "lĩnh hậu quả to lớn" nếu hành động quân sự với Ukraine. Ông Biden nói rằng, nếu Nga "động binh", điều đó có thể làm "thay đổi thế giới" và khi đó Washington không loại trừ khả năng áp lệnh trừng phạt Tổng thống Putin.
Tác giả: Thành Đạt
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy