Dòng sự kiện:
Dự án tài chính nông thôn III: Gia tăng lợi ích kinh tế cho người dân
25/11/2014 14:16:56
ANTT.VN - “Nhờ được tiếp cận nguồn vốn Dự án tài chính nông thôn (TCNT) III đã góp phần gia tăng lợi ích kinh tế, từ thiếu ăn, nay đời sống gia đình tôi đã được cải thiện có của ăn của để và điều quan trọng nhất là tìm được hướng đi bền vững trong việc đầu tư mô hình kinh tế trang trại cây ăn quả, mang lại hiệu quả kinh tế... ” đó là chia sẻ của ông Giáp Văn Vang xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) một trong hàng vạn nông dân được vay vốn để đầu tư sản xuất từ Dự án TCNT III.

Tin liên quan

Các đại biểu lên nhận kỷ niệm chương tại Hội nghị

Các đại biểu lên nhận kỷ niệm chương tại Hội nghị

Đồng vốn nở hoa

Tại hội nghị tổng kết Dự án TCNT III mới đây, bà Victoria Kwakwa - Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá: “Việt Nam là quốc gia triển khai thành công nhất mô hình dự án TCNT trên thế giới”. Chỉ trong 5 năm triển khai dự án, đã có hơn 135.000 người dân và doanh nghiệp khu vực nông thôn, trong đó có hơn 70.000 hộ nghèo đã tiếp cận được với nguồn vốn của dự án. Dự án TCNT III đã tạo ra trên 140.000 việc làm mới ở khu vực nông thôn.

Nhờ được ”tiếp sức” từ những đồng vốn vay của dự án tài chính nông thôn III  nhiều nông dân đã thoát được đói nghèo. Được chứng kiến niềm vui của anh Mai Văn Đảng, đội 12 xã Liêm Hải, huyện Trực Ninh (Nam Định) chúng tôi cảm nhận được hiệu quả của đồng vốn của dự án tài chính nông thôn III.Anh Đảng cho biết, nhờ được tiếp cận 50 triệu đồng nguồn vốn của dự án tài chính nông thôn III, tôi đã đầu tư vàochăn nuôi lợn mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện được đời sống gia đình.

Còn anh Cao Văn Công tiểu khu Chè Đen I, thị trấn Nông Trường Mộc Châu (Sơn La) đã tiếp cận được nguồn vốn của dự án tài chính nông thôn III, dư nợ hiện nay là 500 triệu đồng tại Agribank chi nhánh Mộc Châu  để đầu tư trồng cây ăn quả trên diện tích 7 ha với 800 cây soài, 500 cây bơ, 700 cây nhãn, 200 cây mắc ca. Số cây ăn quả này mới cho thu hoạch, trung bình đã thu được 1 tỷ đồng.  ”Nhờ nghiên cứu chất đất, khí hậu, thỗ nhưỡng của vùng đất Mộc Châu, do là là vùng cao nguyên,có khí hậu ôn đới gió mùa bởi vậy trái cây thường ra trái vụ, cây ít sâu bệnh do vậy giá bán trái cây thường cao hơn 10 nghìn đồng/ kg. Hầu hết trái cây, đều đã được các thương lái ở Hà Nội đặt hàng mua hết”, ông Công chia sẻ.

Lợi ích tiếp tục được gia tăng

Trong các định chế tài chính tham gia dự án, Agribank là đơn vị sử dụng vốn lớn nhất. Tiếp nối những thành quả đã đạt được từ các dự án tài chính nông thôn I và II, Agribank tiếp tục được đánh giá là một trong số các định chế tài chính tham gia (PFIs) tham gia tích cực nhất trong việc khai thác và triển khai có hiệu quả nguồn vốn dự án tài chính nông thôn III. Agribank được WB và BIDV tin tưởng lựa chọn tham gia thực hiện từ Dự án TCNT I, II và sau này là Dự án TCNT III (từ năm 2010). Tiếp nối những thành quả đã đạt được từ các Dự án TCNT I, II, Agribank tiếp tục được đánh giá là một trong số các PFIs tham gia tích cực nhất trong việc khai thác và triển khai có hiệu quả nguồn vốn Dự án TCNT III. Với hạn mức ban đầu WB cấp cho Agribank là 475 tỷ đồng nhưng đến thời điểm kết thúc Dự án đã lên tới 1.315 tỷ đồng (chiếm 35% tổng hạn mức của cả Dự án).

Dự án TCNT III đã đóng góp nguồn vốn hiệu quả giúp bà con phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống

Dự án TCNT III đã đóng góp nguồn vốn hiệu quả giúp bà con phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống

Sau 5 năm triển khai dự án, Agribank đã thực hiện cho vay quay vòng hơn 4.550 tỷ đồng tới hơn 82.500 khách hàng vay là cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Đặc biệt, Quỹ cho vay tài chính vi mô (MLF III) của dự án đã thu hút khoảng 37.500 khách hàng vay là các cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp vi mô. Quỹ MLF III được WB quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng vì trên thực tế, việc cho vay tài chính vi mô tại Việt Nam hiện nay còn nhiều khó khăn, qui mô món vay quá nhỏ và ưu tiên cho khách hàng mới tiếp cận lần đầu. Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng của Agribank, cùng với lợi thế về mạng lưới chi nhánh rộng khắp và có nhiều kinh nghiệm trong cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, Agribank đã thực hiện giải ngân được hơn 100 tỷ đồng, chiếm 50% tổng hạn mức của Quỹ MLF III.

Phó Tổng giám đốc Agribank Lê Thị Thanh Hằng cho biết, Agribank luôn chủ động triển khai, ưu tiên thông qua nguồn vốn Dự án, Agribank đã thực hiện vốn Dự án TCNT III, đảm bảo chất lượng tín dụng, nợ xấu vốn Dự án WB chỉ ở mức 0,3%. Nguồn vốn Dự án đã góp phần gia tăng lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân và các cá nhân/hộ gia đình ở khu vực nông thôn, nâng cao khả năng tiếp cận tới các dịch vụ tài chính một cách bền vững, từ đó giúp làm tăng thu nhập, tạo việc làm cho khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ổn định và phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn tại các tỉnh thực hiện Dự án. ”Nguồn vốn Dự án ổn định đã giúp Agribank xây dựng và hướng tới các tiểu dự án/nhóm đối tượng đầu tư trung, dài hạn, tạo được sự ổn định trong việc cấp tín dụng. Bên cạnh đó, nguồn vốn Dự án góp phần giúp Agribank duy trì được nguồn lực để thực hiện cho vay nông nghiệp, nông thôn phù hợp theo định hướng của Chính phủ về phát triển tam nông”, bà Hằng nói.

Bà Hằng cho biết thêm, một tác động không nhỏ mà Dự án đem lại là cấu phần tăng cường năng lực thể chế cho Agribank. Thông qua cấu phần này, Agribank đã xây dựng và triển khai hệ thống quản trị rủi ro toàn diện và thí điểm mô hình nâng cao hiệu quả hoạt động các chi nhánh trong hệ thống. ”Agribank cũng hi vọng rằng một Dự án tương tự (Dự án TCNT giai đoạn IV) sẽ nhanh chóng được đi vào khảo sát thiết kế và xây dựng trong một thời gian tới nhằm tăng thêm lượng vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn”, Bà Hằng mong muốn.

 Dự án TCNT III nói riêng và chuỗi Dự án TCNT nói chung đã kết thúc giai đoạn rút vốn giải ngân vào cuối năm 2013, song nguồn vốn sẽ tiếp tục được cho vay đến năm 2033 sẽ tạo ra tổng mức đầu tư toàn xã hội ước dự kiến lên gần 5 tỷ USD từ các quỹ quay vòng do BIDV quản lý. Như vậy, trong hàng chục năm tiếp theo, lợi ích của dự án sẽ vẫn tiếp tục được gia tăng mạnh mẽ cả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

Dự án tài chính nông thôn III do WB tài trợ nằm trong chuỗi dự án tài chính nông thôn được Chính phủ Việt Nam triển khai từ năm 1996 đến nay. Trong đó dự án tài chính nông thôn I triển khai từ năm 1996 đến 2002, tiếp nối là dự án tài chính nông thôn II triển khai từ năm 2002-2009, và dự án tài chính nông thôn III triển khai từ năm 2009-2014. Chuỗi 3 dự án tài chính nông thôn có tổng trị giá 548 triệu USD, trong đó riêng dự án tài chính nông thôn III là 200 triệu USD do WB tài trợ, NHNN là cơ quan chủ quản và BIDV là ngân hàng đầu mối bán buôn. Nguồn vốn của dự án nhằm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của Việt Nam như xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, và hỗ trợ thực hiện các chương trình có mục tiêu tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho người nghèo, đặc biệt là người nghèo nông thôn. Dự án cũng góp phần thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng của Chính phủ.

Bài và ảnh: Ngọc Quyết

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến