Tin liên quan
Toàn cảnh Hội nghị (ảnh: D.C)
Cổ phần hóa đạt 79,37% - Thoái vốn đạt 37%
Tổng kết tình hình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) 10 tháng đầu năm và nhiệm vụ 2 tháng cuối năm 2015, Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết:
Từ đầu năm tới ngày 10/11 vừa qua, cả nước đã có 175 doanh nghiệp được sắp xếp. Trong đó, 159 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa; 16 doanh nghiệp thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác (bán, sáp nhập, giải thể, chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên).
Nếu tính từ năm đầu thực hiện kế hoạch (2011) tới nay, cả nước đã sắp xếp được 471 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 408 doanh nghiệp (bằng 79,37% tổng số doanh nghiệp phải cổ phần hóa).
Theo đó, nếu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện phương án sắp xếp, cổ phần hóa đã được phê duyệt, dự kiến năm 2015 sẽ cổ phần hóa được khoảng 210 doanh nghiệp. Như vậy, số doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2011-2015 sẽ là 459 doanh nghiệp, đạt 90% kế hoạch.
Về cổ phần hóa DNNN, một số đơn vị đạt kết quả cao so với kế hoạch là: Thành phố Hà Nội (đã CPH được 32 doanh nghiệp), Tổng Cty Đường sắt (24 DN), Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản VN (9 DN), Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (8 DN)...; Địa phương có Hải Phòng (7 DN), Nghệ An (4 DN)...
Đối với thoái vốn Nhà nước, trong 10 tháng đầu năm nay, cả nước thoái được 9.152,2 tỉ đồng, thu về 13.767,5 tỉ đồng, bằng 1,5 lần giá trị sổ sách. Trong đó, các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng là 4.418,2 tỉ đồng, thu về 4.956,3 tỉ đồng; bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ tại các doanh nghiệp khác là 4.734,1 tỉ đồng, thu về 8.811,4 tỉ đồng.
Lũy kế từ năm 2012 đến 28/10, cả nước thoái được 16.450 tỉ đồng, thu về 22.870 tỉ đồng. Trong đó, các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng là 8.704 tỉ đồng (trên tổng số 23.325 tỉ đồng phải thoái tại 5 lĩnh vực nêu trên, bằng 37% kế hoạch), thu về 9.540 tỉ đồng; bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ tại các doanh nghiệp khác là 7.746 tỉ đồng, thu về 13.330 tỉ đồng.
Các đơn vị thoái vốn đạt kết quả tốt có Viettel (đã thoái được 3.023 tỉ đồng, thu về 3.357 tỉ đồng), Tổng Cty Hàng Hải VN (thoái 918 tỉ đồng, thu về 1.256 tỉ đồng), Tập đoàn Dầu khí VN (thoái 362 tỉ đồng, thu về 1.122 tỉ đồng)...
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp, tiến độ thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã được đẩy nhanh nhưng số lượng doanh nghiệp phải hoàn thành cổ phần hóa trong 2 tháng cuối năm vẫn còn khoảng 20% kế hoạch 2011-2015. Số vốn các tập đoàn, tổng công ty phải thoái khỏi các lĩnh vực: bất động sản, chứng khoán, tài chính ngân hàng từ nay đến cuối năm vẫn còn khoảng 60% tổng số vốn phải thoái.
Nguyên nhân việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước chưa đạt kế hoạch được cho là do một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa thật sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, về khách quan, những biến động của thị trường tài chính, chứng khoán quốc tế thời gian vừa qua và những khó khăn của kinh tế trong nước đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán và việc bán cổ phần, thoái vốn Nhà nước (bình quân 10 tháng năm 2015 số cổ phiếu IPO bán được chỉ đạt 38% tổng số cổ phần chào bán).
“Không cần thoái vốn bằng mọi giá”
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định quá trình cổ phần hóa DNNN thời gian qua “bước đầu đạt được yêu cầu về bảo toàn và gia tăng giá trị đồng vốn của Nhà nước”. Con số 90% này theo Phó thủ tướng là “có thể chấp nhận được”.
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh phát biểu kết luận Hội nghị
Phó Thủ tướng chỉ đạo: thời điểm này, các bộ, ngành, địa phương vẫn phải quyết tâm thực hiện cổ phần hóa thành công với các DN đã được xác định có thể hoàn thành trong năm nay. Còn với các DN khác cũng phải tính toán cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm tới đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
Phó Thủ tướng đánh giá cao một số bộ, ngành, địa phương hết sức tích cực trong đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập. Trong năm nay TP. Hà Nội đã đổi mới, giao quyền tự chủ cho 32 đơn vị.
Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải cũng thực hiện cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực giao thông thủy, bộ và Bệnh viện Giao thông vận tải, đồng thời kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện tiếp ở các đơn vị khác..
Với các trường hợp tập đoàn, tổng công ty cổ phần hóa mà có đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thì hầu hết các đơn vị sự nghiệp công lập được chuyển giao về bộ hoặc UBND các tỉnh, thành. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, địa phương tập trung thực hiện ngay cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 16 của Chính phủ hoặc chuyển thành công ty cổ phần theo Quyết định số 22 của Thủ tướng trên tinh thần Nhà nước không bổ sung vốn.
Về vấn đề thoái vốn, theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, DNNN đầu tư ngoài ngành là không sai vì luật cho phép, nhưng không hay ở chỗ có đơn vị làm việc chính chưa tốt mà đã đầu tư việc phụ. Ngoài ra khi đầu tư ra ngoài DN tính toán chưa tốt, lại vào thời điểm bất động sản tăng giá, chứng khoán tăng điểm, ngân hàng hoạt động hiệu quả trong nháy nháy, nên đầu tư ngoài ngành bộc lộ nhiều hạn chế.
Do vậy, Phó Thủ tướng đề nghị các DNNN “tiếp tục thoái vốn ngoài ngành, thoái vốn có lộ trình để không làm mất vốn Nhà nước. Những đơn vị nào đầu tư vốn vào DN khác mà càng để càng lỗ thì phải bán càng nhanh càng tốt.
Tuy nhiên, “thoái vốn cần có trật tự”, tránh thất thoát vốn Nhà nước. Với những DN đầu tư ngoài ngành mà đang hiệu quả, hoặc chờ tái cơ cấu, chờ thị trường phục hồi… thì có báo cáo Chính phủ để sắp xếp lộ trình phù hợp. “Không nhất thiết phải thoái vốn bằng bất cứ giá nào” - Phó Thủ tướng nói.
Về xử lý tiền bán cổ phần vốn Nhà nước, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương và doanh nghiệp trực thuộc phải nộp về tập đoàn hoặc Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước SCIC. Chính phủ sẽ tiếp tục bổ sung vốn cho địa phương sắp xếp, đổi mới DN nhưng địa phương phải lập phương án cụ thể để các bộ thẩm định và tiếp tục cấp vốn.
Diệp Chi
Nên đọc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy