Dòng sự kiện:
Phòng chống tội phạm công nghệ cao: cuộc chiến không hồi kết
12/10/2014 09:40:32
ANTT.VN - Những năm trở lại đây, tội phạm công nghệ cao đang trở thành vấn đề hết sức nhức nhối, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng – nơi là mục tiêu tấn công của loại tội phạm này. Vì thế, vấn đề bảo mật thông tin luôn luôn được các ngân hàng chú trọng đầu tư song mọi nỗ lực đó dường như vẫn là “chưa đủ” khi mà thủ đoạn của loại tội phạm này ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Cuộc chiến từ mọi phía

Gần đây, tội phạm thẻ tấn công dồn dập vào Việt Nam, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2014. C50 – cục phòng chống tội phạm công nghệ cao bộ công an đã bắt và triệt phá gần 10 vụ liên quan đến loại tội phạm này. Các đối tượng này chủ yếu là người Trung Quốc,  thủ đoạn chung được chúng sử dụng đó là sử dụng các loại thẻ  ngân hàng giả có chứa thông tin cá nhân khách hàng bị đánh cắp để chiếm đoạt tài sản của các cá nhân này.

Thiếu tướng: Nguyễn Viết Thế- nguyên Cục trưởng Cục Tin học – Nghiệp vụ Công an – Bộ công an

Những thông tin cá nhân này được lấy từ đâu? Chia sẻ với phóng viên ANTT.VN, thiếu tướng Nguyễn Viết Thế- nguyên Cục trưởng Cục Tin học – Nghiệp vụ Công an – Bộ công an cho biết, có rất nhiều cách để tội phạm mạng lấy cắp dữ liệu cá nhân:

Đánh cắp thông tin từ chính người sử dụng

Bằng cách cài đặt các phần mềm gián điệp (malware), theo dõi hành vi của người sử dụng trên máy tính cá nhân như keylogger những tay tội phạm có thể dễ dàng biết được thao tác của người sử dụng trên máy tính thông qua chức năng chụp màn hình, chụp bàn phím từ đó đánh cắp thông tin cá nhân người sử dụng như password, số CMT, mã thẻ tín dụng…..

Liều lĩnh hơn, chúng có thực hiện hành vi này ngay tại các máy ATM nơi mà khách hàng rút tiền. Cách đây khoảng 2 năm, một số  thẻ khách hàng được thông báo sẽ bị khóa  do có nguy cơ bị trộm thông tin khi giao dịch tại ATM. Cụ thể, ngân hàng đã phát hiện ra một vài thiết bị gián điệp được cài ở một số vị trí trên cây ATM: Một thiết bị giống như đầu đọc thẻ từ được cài ở khe bỏ thẻ ATM, khi khách hàng nhét thẻ vào chúng sẽ quét toàn bộ thông tin trên thẻ hoặc đơn giản một chiếc camera chiếu thẳng vào bàn phím ATM nhằm quan sát mã số thẻ, tinh vi hơn chúng sử dụng một bàn phím giả gắn vào bàn phím thật của ATM, bàn phím giả này có kết nối Bluetooth với điện thoại hoặc laptop và từ đó thông tin trên thẻ đã lọt vào tay chúng.

Đánh cắp thông tin hệ thống cơ sở dữ liệu khách hàng của ngân hàng

Theo đánh giá của thiếu tướng Nguyễn Viết Thế, thì đây là loại tội phạm nguy hiểm nhất! Loại tội phạm này là những tay hacker có trình độ cao và có hiểu biết rất sâu về công nghệ thông tin, một khi chúng xâm nhập hệ thống hậu quả để lại sẽ là rất lớn.

Trong quá khứ, chúng ta đã chứng kiến nhiều cuộc tấn công của tin tặc nhằm vào hệ thống bảo mật ngân hàng trên khắp thế giới. Hậu quả của những cuộc xâm nhập này là hàng loạt thông tin quan trọng bị đánh cắp thậm chí gây tê liệt toàn bộ hệ thống.

Năm  2012, một hacker mang tên bí danh Reckz0r đã tuyên bố đã đột nhập hệ thống điện toán của 79 ngân hàng lớn và đánh cắp dữ liệu khách hàng. Hacker này khoe chiến lợi phẩm trên trang twiter của mình, bằng một file dữ liệu nhỏ chứa thông khách hàng trong đó. Theo tay hacker này, đây chỉ là một phần rất rất nhỏ trong con số dữ liệu bị đánh cắp lên đến 50GB!!!

Thậm chí, ngay đến cả website của ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) mới đây cũng bị nhóm tin tặc anonymous tấn công hệ thống máy chủ và lấy đi các thông tin khách hàng bao gồm email, số điện thoại,…Điều đáng nói là mặc dù sở hữu hệ thống bảo mật dữ liệu tối tân song ECB cũng không thể phòng chống được hoàn toàn trước hiểm họa của giới hacker mũ đen.

Phòng chống tội phạm công nghệ cao: Cuộc chiến không hồi kết

Cuộc chiến chống tội phạm công nghệ cao từ lâu đã trở thành một đề tài hết sức nóng bỏng và bức thiết không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, hàng năm các ngân hàng sẵn sàng bỏ ra hàng triệu thậm chí hàng trăm triệu USD cho công tác bảo mật. Vậy nhưng số tiền khổng lồ này chỉ giúp các ngân hàng hạn chế được phần nào các cuộc tấn công chứ không giúp các ngân hàng phòng tránh được hoàn toàn.

Năm 2012, HSBC – một trong những ngân hàng đa quốc gia lớn ở Anh lên tiếng xác nhận họ đã trở thành mục tiêu cho các hacker tấn công và hãng bắt buộc phải đóng cửa tạm thời dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Theo đó, HSBC đã bị tấn công bằng phương thức DDoS (tấn công từ chối dịch vụ), dữ liệu khách hàng không bị tổn thất nhưng khách hàng không thể đăng nhập vào tài khoản ngân hàng trực tuyến do hãng đóng cửa bảo trì.

Mới đây nhất, JP Morgan Chase – một trong những ngân hàng lớn và lâu đời nhất của Mỹ đã bị nhóm tin tặc Nga “gõ cửa” và hậu quả là 83 triệu thông tin khách hàng cá nhân bị đánh cắp mặc dù con số chi cho công tác an ninh mạng hàng năm của JP Morgan lên đến 200 triệu USD!.

Đánh giá về câu chuyện này thiếu tướng Nguyễn Viết Thế cho hay ông không bất ngờ về vụ việc xảy ra với JP Morgan. Theo ông, chuyện các tin tặc tấn công hệ thống ngân hàng, các tập đoàn lớn là vấn đề đã có từ lâu không chỉ riêng nước Mỹ mà ở trên toàn thế giới. Sony là một ví dụ, vào tháng 4/2011, Hơn 70 triệu người dùng của mạng PlayStation Network (PSN) đã bị tin tặc đánh cắp, sự việc này là hậu quả của một cuộc tấn công từ bên ngoài nhằm vào hệ thống của Sony, làm cho PSN phải tê liệt trong suốt gần 1 tuần. Không chỉ riêng hệ thống ngân hàng, các tập đoàn lớn cũng trở thành mục tiêu tấn công của tin tặc - thiếu tướng Nguyễn Viết Thế khẳng định

Ở Việt Nam, loại tội phạm này chưa đe dọa nhiều đến an ninh của hệ thống ngân hàng song không phải vì thế mà chúng ta được phép lơ là chủ quan

Năm 2002, xảy ra vụ tấn công đầu tiên vào cơ sở hạ tầng thông tin ngân hàng tại Việt Nam. Website  của Vietcombank – một trong những ngân hàng có quy mô lớn nhất Việt Nam đã bị hacker “sờ gáy” . Theo kết luận của cơ quan điều tra, cuộc tấn công này được thực hiện bởi một nhóm hacker Việt Nam dựa trên kẽ hở bảo mật của hệ thống vận hành trang web, khiến cho nội dung trang chủ bị thay đổi. Cuộc tấn công này tuy không để lại hậu quả nghiêm trọng song đó cũng là lời cảnh tỉnh đầu tiên cho công tác bảo mật an toàn thông tin trong thời kì hiện đại hóa hệ thống ngân hàng.

Vào ngày 8/4/2014, Lỗi bảo mật OpenSSL HeartBleed (trái tim rỉ máu) được phát hiện đã dấy lên mối nghi ngại khi các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo 15 website ngân hàng bị hacker tấn công song ngay lập tức đại diện các ngân hàng này đã lên tiếng khẳng định hệ thống an ninh của họ vẫn đảm bảo an toàn bởi nguyên tắc bảo vệ nhiều tầng.

Qua các sự việc trên chúng ta có thể thấy, bảo mật thông tin là một cuộc chiến dài hơi, liên tục. Không có chiếc “két sắt” nào đảm bảo an toàn tuyệt đối, một công nghệ tối tân ngày hôm nay rất có thể sẽ bypass vào ngày mai. Vì thế, đây sẽ luôn luôn là cuộc chiến trường kì giữa các chuyên gia an ninh mạng và những tay hacker hắc ám. Kết thúc buổi trò chuyện, thiếu tướng Nguyễn Viết Thế ông nói: “Con người làm ra cái gì, con người cũng sẽ phá bỏ được nó, bởi thế cuộc chiến chống lại tội phạm công nghệ cao là một cuộc chiến trường kì và không có hồi kết”

Ngọc Minh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến