Quả bom nổ chậm của nền kinh tế Trung Quốc (P3)
12/09/2015 16:47:28
ANTT.VN - Tốc độ tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc chứa đựng những nguy cơ tiềm tàng, nếu không thể tìm ra lời giải, một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu ở mức độ chưa từng thấy sẽ ở ngay trên đầu mỗi chúng ta.

Tin liên quan

Phần 3 (Cuối) 

Lối thoát nào cho Trung Quốc.

Vậy Bắc Kinh cần làm gì để tránh kịch bản tồi tệ này? Cách tiếp cận tức thời nên là cắt giảm chi tiêu khu vực công và bán các tài sản không cần thiết, qua đó giúp họ không những có tiền trả nợ, mà còn giảm được gánh nặng trong chi phí hoạt động.

Trong quá khứ, các nhà cầm quyền Trung Quốc thường vay thêm tiền hoặc tăng thuế thay vì cắt giảm chi tiêu hay bán tài sản. Tuy vậy, dường như giờ đây chính phủ của ông Tập đang không có lựa chọn nào khác.

Thật không may, cả hệ thống chính trị Trung Quốc có vẻ vẫn chưa sẵn sàng cho một cuộc đại phẫu. Quốc hội, Chính phủ cũng như các cơ quan cấp dưới của nó chưa bao giờ đi đầu cũng như đóng vai trò quan trọng trong cắt giảm chi tiêu.

Ở Trung Quốc, Chủ tịch nước Tập Cận Bình là người duy nhất có thể đưa ra những quyết định cắt giảm chi tiêu và bán tài sản với cấp độ quốc gia. Tuy nhiên, với những khó khăn đang gặp phải trong chiến dịch chống tham nhũng do chính ông ta khởi xướng, có rất ít dấu hiệu cho thấy ông Tập sẽ tiếp tục mạnh tay với bộ máy của mình.

Trung Quốc cần tăng trưởng bền vững, không phải tốc độ

Trong lúc này, Bắc Kinh đang cố gắng cải thiện gần 155 000 công ty quốc doanh (SOEs) thông qua một chiến dịch cải cách bắt đầu vào tháng 9 năm 2013, nhắm tới việc mở cửa SOEs cho các nhà đầu tư tư nhân.

Mặc dù ý tưởng này rất hứa hẹn trên lý thuyết, tuy nhiên những chính sách trong cấu trúc nền kinh tế hiện tại sẽ chỉ khiến mọi việc tồi tệ hơn. Trên thực tế, việc cải cách chỉ cho phép các nhà đầu tư tư nhân sở hữu một phần nhỏ tài sản trong những dự án hay doanh nghiệp mới của SOEs.

Điều nực cười ở chỗ chiến dịch này sẽ cho phép SOEs tăng vốn và mở rộng các tài sản hiện có. Nói cách khác, chúng sẽ mở rộng, chứ không phải giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước trong nền kinh tế.

SOEs lâu nay nổi tiếng với sự thiếu hiệu quả trong khi chi chí vận hành lại rất lớn. Sự hoạt động lãng phí của nó rõ ràng đang tác động tiêu cực tới nền kinh tế vốn đang chậm lại của Trung Quốc.

Sự kém hiệu quả của SOEs so với khu vực tư nhân

Mở rộng SOEs cũng sẽ cản trở những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đẩy mạnh tiêu dùng nội địa để giảm bớt sự phụ thuộc của nền kinh tế vào xuất khẩu cũng như vốn đầu tư. (Chi tiêu hộ gia đình chỉ chiếm 35% GDP TQ, trong khi con số này là 70% ở Mỹ).

Thực tế, đẩy mạnh chi tiêu hộ gia đình là rất khó khăn ở Trung Quốc bởi những đặc quyền của SOEs. Trong khi lợi nhuận từ những công ty này chủ yếu chảy về chính phủ, chứ không phải nhà đầu tư, người lao động hay hộ gia đình.

Ngoài ra, SOEs sẽ tiếp tục góp phần làm lũng đoạn hệ thống luật pháp. Bởi vì không ai giám sát được những công ty này cả, ngay tổ chức tạo ra chúng - các cơ quan Nhà nước, cũng sẵn sàng giúp chúng lách luật khi cần thiết.

Bất cứ nền kinh tế nào có sự tham gia của SOEs đều không thể đưa ra một sân chơi công bằng cũng như môi trường cạnh tranh bình đẳng. Các thẩm phán cũng rất khó có thể xét xử một cách công minh trong những vụ việc liên quan tới SOEs và các tổ chức tư nhân.

Cuối cùng, bởi những đặc quyền mà SOEs đang được hưởng, họ sẽ tiếp tục làm lãng phí nguồn lực tài chính của đất nước, trong khi nếu những nguồn lực đó được dành cho tư nhân trong hoặc ngoài nước, tình hình kinh tế Trung Quốc bây giờ có thể đã khác đi nhiều.

Theo Hiệp hội các Doanh nghiệp Trung Quốc, trong 8 tháng đầu năm 2014, gần 1500 công ty phi tài chính đã phát hành hơn 500 tỷ USD trái khoán, 267 trong số này là tư nhân và chỉ chiếm 6% trong tổng số 500 tỷ USD ấy, trong khi phần còn lại thuộc về SOEs. 

Tăng vốn luôn dễ dàng hơn đối với SOEs

Tăng vốn luôn dễ dàng hơn đối với các công ty quốc doanh; ví dụ với trái phiếu xếp hạng AA-, chi phí của người vay là 5,9% đối với những nhà phát hành SOEs và 6,7%  đối với khu vực tư nhân.

Tóm lại, trừ phi Bắc Kinh có những động thái quyết liệt nhằm xử lý tình trạng này, nếu không chiến dịch cải cách mà họ đang tiến hành, ít nhất với cấu trúc nền kinh tế hiện tại, gần như sẽ gây ra nhiều vấn đề hơn nữa cho nền kinh tế vốn đang đứng bên bờ vực suy thoái.

Trước khi quá muộn, chính phủ Trung Quốc cần chuyển hướng tập trung và nguồn lực của mình vào tư nhân hóa SOEs, bán bớt tài sản không cần thiết. Những giải pháp này có thể giúp giảm chi phí vận hành và gánh nặng nợ cho bộ máy chính phủ ở mọi cấp độ.

Ở chiều ngược lại, nếu Bắc Kinh thất bại, các chính quyền địa phương và SOEs sẽ tạo ra những tổn thất to lớn. Và với gánh nặng tài chính ngày một phình ra, một cuộc khủng hoảng toàn diện là không thể tránh khỏi.

Nghi Điền (Theo Foreign Affairs)
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến